Thứ Hai, 14/10/2024 12:25 CH
Chiều bên hồ Tây, với nhà văn Vũ Đảm
Thứ Ba, 20/08/2013 14:00 CH

Một buổi chiều sóng sánh nắng hồ Tây, nhà văn Vũ Đảm hào hứng nói về nghiệp cầm bút và những đứa con tinh thần, về niềm tự hào được vào Trường Viết văn Nguyễn Du, nơi các cây bút tài danh giảng dạy. Ngôi trường ấy giờ được đổi thành Trung tâm Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du, và nhà văn Vũ Đảm là Phó giám đốc.

 

Nha-van-Vu-Dam130820.jpg

Nhà văn Vũ Đảm - Ảnh: Y.LAN

Vũ Đảm được biết đến với hàng loạt tiểu thuyết: Nước mắt đêm, Chuyện ở đời, Tiền ơi, Dâng hiến, Miền trăng… Bên cạnh đó, nhà văn quê ở Thái Bình này vẫn có những truyện ngắn tạo dấu ấn riêng và đoạt nhiều giải thưởng. Dấu ấn mới nhất của anh là tập truyện ngắn Đổ tiếng chuông chùa.

 

VIẾT TIỂU THUYẾT TRƯỚC KHI VIẾT TRUYỆN NGẮN

 

* Có những cơ duyên và cả những ngã rẽ đưa một người đến với nghề cầm bút. Anh nghiệm ra rằng văn chương chọn anh hay anh đã tìm đến với văn chương bằng con đường riêng?

 

- Những người cầm bút viết trước hết là cho mình, sau mới hướng đến điều gì đó. Nhiều khi nghề nghiệp, ngã rẽ chọn mình, nên tôi nghĩ là cả hai chọn nhau.

 

Tôi viết cũng sớm, năm 21 tuổi đã có tiểu thuyết đầu tay. Tôi viết liền 3 tiểu thuyết rồi mới quay sang viết truyện ngắn. Hồi trẻ tôi viết già dặn. Một số nhà văn đọc truyện của tôi, đến khi gặp bảo rằng cứ tưởng tôi ngoài… 60 tuổi. Thật đấy, nhà văn Lê Lựu cứ tưởng tôi đã ngoài 60 tuổi. Năm 2000, tôi có truyện ngắn đoạt giải cuộc thi trên tạp chí Sông Hương. Nhà văn Nguyễn Quang Hà, Tổng biên tập tạp chí khi đó cũng bảo: Tôi tưởng ông đã 60, hóa ra ông sinh năm 1966. Hồi đấy tôi đã cầm súng chiến đấu ở đây rồi.

 

* Những người viết văn xuôi thường bắt đầu bằng truyện ngắn, sau khi tích lũy kha khá “vốn liếng” mới viết tiểu thuyết. Riêng anh thì vừa cầm bút đã viết tiểu thuyết ngay.

 

- Ừ, nếu viết truyện ngắn thì vừa sức hơn là tiểu thuyết.

 

* Trong số các tác phẩm của anh đã xuất bản, tiểu thuyết nhiều hơn truyện ngắn. Anh viết nhiều tiểu thuyết như vậy có bao giờ cảm thấy đuối sức?

 

- Có chứ. Một lúc nào đó mình cảm thấy hụt hơi. Nhưng rồi mình lại nạp năng lượng và tiếp tục viết, cặm cụi viết, tất nhiên cộng với việc thu nạp thêm hiện thực cuộc sống. Bây giờ nghĩ lại, khó mà viết một cuốn tiểu thuyết ba bốn trăm trang như trước. Có lẽ thời trẻ có nhiều sức bật hơn. Ngày trước, cụ Nguyễn Trọng Phụng viết Số đỏ năm hăm mấy tuổi. Cụ Nam Cao cũng thành công trước năm 30 tuổi. Nhiều người nói rất đúng, khi còn trẻ làm được cái gì thì nên làm, với văn chương cũng thế. Đừng nghĩ rằng bây giờ mình bận kiếm cơm, bận làm việc để nuôi con cái, không có thời gian viết, thôi thì để về hưu hẵng viết. Điều đó hoàn toàn sai lầm! Đến khi có thời gian rất nhiều nhưng chưa chắc đã viết được, bởi lúc đó tuổi già sức yếu, hơn nữa năng lực cũng cạn đi theo năm tháng.

 

Tiểu thuyết đòi hỏi sự đầu tư cả về trí tuệ lẫn thời gian. Thành ra lâu rồi, từ năm 2007 đến giờ, sau tiểu thuyết Miền trăng, tôi không có thời gian viết tiểu thuyết nữa, chỉ túc tắc viết truyện ngắn bên cạnh công việc quản lý.

 

* Anh đã có những truyện ngắn tạo dấu ấn và làm cho người đọc nhớ như Chị Mịch, Ao làng trong vắt, Ra ngõ gặp ba người…

 

- Năm 26 tuổi, tôi viết truyện Chị Mịch, cũng ghi được dấu ấn. Truyện ấy đưa mình qua vòng thi đầu tiên để sau đó được vào Trường Viết văn Nguyễn Du. Nhà văn Nguyên Ngọc và nhà văn Nguyễn Khắc Trường đọc cũng thích truyện ấy. Hồi đó, được học Trường Viết văn Nguyễn Du là niềm ao ước của nhiều người, và khóa này ra thì trường mới tuyển sinh khóa khác. Nhiều người thi trượt khóc nức nở, nghĩ rằng mình không còn cơ hội để học. Môi trường này đã khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho rất nhiều nhà văn.

 

“CŨ HAY MỚI THÌ VẪN PHẢI HAY”

 

* Tập truyện ngắn mới nhất của anh Đổ tiếng chuông chùa khai thác những đề tài gai góc trong đời sống. Anh viết vì sự thôi thúc trước hiện thực đời sống hay vì muốn tìm một lối đi riêng để tạo dấu ấn riêng?

 

- Nhà văn có thể đổi mới cho khác đi nhưng thường thì mỗi người có một tạng viết riêng. Tôi nghĩ đổi mới là điều rất tốt, nhưng đổi mới không phải là làm dáng về câu chữ, về hình thức như kiểu lòe bạn đọc. Riêng mình đổi mới về tư tưởng và nội dung phản ánh, chứ hình thức thì chưa đổi mới nhiều. Cũng chẳng sao cả, mỗi người có một thế mạnh, có “mảnh đất” riêng để viết, với một giọng điệu riêng. Mình thành công ở “mảnh đất” riêng đó là tốt rồi, không cứ gì phải thế này thế kia. Hơn nữa, văn chương đa giọng điệu mới hay. Bạn đọc này thì thích kiểu viết này, bạn đọc kia thích kiểu viết khác. Vấn đề là cũ hay mới thì vẫn phải hay. Anh cứ viết tràng giang đại hải, không chấm phẩy, không xuống dòng rồi bảo là đổi mới, thế thì bạn đọc cũng tắc tị. Điều quan trọng là anh viết ra có người đọc, để lại trong lòng họ ấn tượng gì, và người ta nhớ thì đấy là thành công rồi.

 

* Anh muốn gửi gắm điều gì đến độc giả qua Đổ tiếng chuông chùa?

 

- Đổ tiếng chuông chùa là hiện thực sinh động của cuộc sống, diễn ra muôn màu muôn vẻ, dưới góc nhìn của một nhà văn. Có một nhà văn tên tuổi, đọc xong Đổ tiếng chuông chùa đã điện thoại cho mình, bảo: Tôi rất thích tập truyện ngắn này. Tất cả các truyện đều gây ấn tượng với tôi, truyện nào cũng được đẩy lên rất cao.

 

* Cảm giác khi hoàn thành một truyện ngắn khác như thế nào với cảm giác khi hoàn thành một tiểu thuyết sau nhiều tháng nhiều ngày cặm cụi viết, thưa anh?

 

- Hoàn thành một tiểu thuyết hay truyện ngắn, cuối cùng vẫn quay về với câu hỏi: Nó có hay không? Nếu là tiểu thuyết, anh viết 500 trang mà không hay thì cũng không bằng một truyện ngắn hay.

 

* Xin cảm ơn nhà văn!

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek