Chủ Nhật, 06/10/2024 00:40 SA
Hai “lão thơ” và tấm tình biển đảo
Thứ Ba, 16/07/2013 14:00 CH

Có một mối thâm tình giữa hai nhà thơ “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn” và “Hào phóng thềm lục địa”. Họ cũng chính là hai người lính đang tiếp tục “đánh vật” với khí thiêng biển đảo Việt.

 

Mung130716.jpg

Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng (giữa) đi thực tế với Bộ đội Biên phòng tại Vũng La (TX Sông Cầu) - Ảnh: Đ.Đ.TUẤN

Trần Đăng Khoa là “lính đảo hát tình ca” Trường Sa, Nguyễn Thanh Mừng là lính công binh, thuộc Trung đoàn 842, đóng quân ở Lộc Ninh. Tập truyện “Đảo chìm” của Trần Đăng Khoa mà Lê Lựu gọi là “thần bút” là một cuốn sách cực thật về đời sống của lính hải quân Trường Sa. Đến nay, cuốn này đã 25 lần tái bản; bạn đọc có thể đọc một mạch cười đấy rồi khóc đấy, xúc động với hiện thực sinh động đầy khốc liệt qua ngòi bút trứ danh. Vụ này, Truyền hình Quân đội có làm phim.

 

Năm 1979, trong âm vang lệnh Tổng động viên, khi Nguyễn Thanh Mừng lóp ngóp dưới đêm mưa trong hào công sự bờ biển Đồng Hới, Trần Đăng Khoa đã lều bạt chung chiêng giữa nước giữa trời viết: “Lần đầu tiên, tôi mới hiểu vì sao nước biển lại mặn đến thế. Và có lẽ không ở đâu nước biển mặn như ở đảo chìm. Mặn như máu...” (Đảo chìm). Nhật ký Nguyễn Thanh Mừng: “Mỗi đêm được đổi mật khẩu một lần vào phiên tập trung đại đội, khoảng 7 giờ. Không đúng ám hiệu, được quyền bắt, được quyền nổ súng. Lệnh giới nghiêm ban ra cho cả vùng. Mọi quân nhân đều được đặt trong tình trạng báo động, không khí căng như dây đàn. Cứ khoảng 2 hoặc 3 giờ sáng, tiếng kẻng vang lên là bật dậy. Lội nước, hướng dẫn dân làng xuống các giao thông hào xong, quân nhân đến các điểm tập kết, nghếch súng vào màn đêm căng mắt nhìn ra phía trước. Khi kẻng báo yên vang lên, thường trời đã rạng sáng…” (Thế giới ở ngay trước ngõ nhà mình).

 

Năm trước, “Lão Khoa” làm một việc giàu ý nghĩa là đi nói chuyện về thơ biển đảo do lão sáng tác, mà thơ biển đảo của lão thì từ tuổi hai mươi, lão đã đoạt giải Nhất Báo Văn nghệ, còn tài nói chuyện của lão thì chẳng những lôi cuốn khán giả ngồi đến phút cuối cùng mà còn muốn nán lại nếu lão còn đủ sức nói tiếp, như kiểu yêu cầu ca sĩ mình ngưỡng mộ hát chừng nào khản giọng thì thôi! Lòng nhiều khán giả trẻ không thể không bật lên ca khúc mùi mẫn: “Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên/ Cơn bão chưa ngưng trong tâm hồn biết bao người/ Anh đứng gác trời khuya đảo vắng/ Biển một bên và em một bên”…

 

Chính khi trả lời phỏng vấn về mình, “Lão Mừng” cũng bày tỏ sự khâm phục đoạn đường chiến binh và hồn thơ biển đảo của “Lão Khoa”. Nguyễn Thanh Mừng nổi tiếng với “dựng câu thơ thành cột mốc chủ quyền” trong bài Hào phóng thềm lục địa đoạt liền hai giải “trạng nguyên” của Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2010 và của Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân 2011, báo chí gọi hai lần trở thành trạng nguyên. Được biết, lão rất thân thiết với cán bộ chiến sĩ Hải quân, đặc biệt là Lữ đoàn 171 Vũng Tàu và Nhà giàn DK1. Đại tá Nguyễn Văn Ngự - nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự khu 5, Thiếu tướng Lê Ngọc Sanh - Phó giám đốc Học viện Lục quân Đà Lạt, Đại tá Đỗ Anh Tịnh - nguyên Chính ủy trường Sĩ quan Hải quân… đều viết cho “lão” những dòng quý mến bài thơ “Hào phóng thềm lục địa”. Có lần, trong đêm thơ trường Sĩ quan Hải quân, họ yêu cầu lão đọc thơ biển đảo, lão còn tếu táo ứng tác: “Tuổi tôi đã quá U5/ Khi đứng U4, khi nằm U3/ Đến khi ra tận Trường Sa/ Thì tôi trẻ lại còn là U2”…

 

Năm rồi, bộ phim “Ký sự biển đảo” do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Báo Biên phòng và Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện, đạo diễn Trần Tuấn Hiệp đã mời Mừng làm nhân vật cho tới 3 tập (đoạn Bình Định - Phú Yên) trong mấy chục tập từ Móng Cái tới Kiên Giang. Đặc biệt ở tập 34, lão độc diễn thơ ca từ đầu đến cuối góp phần cung cấp cho công chúng nhiều kiến thức bổ ích về lịch sử, địa lý, văn hóa, kinh tế - xã hội... của biển đảo Tổ quốc. Kỳ này, với chức Phó giám đốc sở “4T” Bình Định, Mừng còn tiếp xúc với bà con ngư dân đánh bắt xa bờ tận Hoàng Sa, Trường Sa vì lão phối hợp Trung tâm Tần số vô tuyến điện của Bộ TT-TT triển khai các huyện duyên hải, cấp phép tần số tàu công suất cao cho bà con liên lạc với đất liền khi nguy biến.

 

Bạn đọc, bạn nghe đài không quan tâm tới lão Khoa lãnh đạo Đài Trung ương hay lão Mừng lãnh đạo Sở Bình Định, mà họ quan tâm tới thơ của hai lão. Nói đến đây, chợt nhớ, hai lão đều tự nhận mình là… nông dân. Nhà thơ của “Hào phóng thềm lục địa” ra biển lại nhớ đồng, so sánh: “Biển không phải cánh đồng - Sóng không là những đường cày vỡ - Dòng hải lưu khác lúa khóm khoai vồng”. Nhà thơ của “Đảo chìm” nói về nông dân rằng, có phủ lên vai họ tấm áo bào lộng lẫy của vua thì họ cũng không thể thành được ông vua. Dù nói về nông dân hay người lính, họ cũng như nói về thân phận chính họ. Hai “nông dân” này đã đem được “hạt lúa thơ” gieo trên “luống cày” biển đảo từ ngày “ấu nông” cho đến lúc “lão nông”!

 

Rằm Giêng năm trước, khi trên bầu trời Văn Miếu - Quốc Tử Giám thiêng liêng, Hội Nhà văn thả 100 câu thơ của 50 nhà thơ, có câu Trần Đăng Khoa: “Muốn làm làn mây trắng/ Bay cho chiều bình yên” và câu Nguyễn Thanh Mừng: “Lối mòn khuất khuất khói mây/ Tiếng chim nhỏ nhỏ tàn cây buồn buồn”; thì dưới mặt đất, hai “lão nông” có những hoạt động thơ ca dạt dào tình yêu biển đảo. Hai “lão nông” hình như “thề non hẹn biển” với niềm thơ Tổ quốc ở đại dương cho đến ngày “không biển nữa, chỉ còn anh với cỏ!”.

 

ĐÀO ĐỨC TUẤN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
16 thí sinh nhận giải thưởng vòng 1
Thứ Ba, 16/07/2013 08:00 SA
Mai một nhà mồ
Thứ Hai, 15/07/2013 18:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek