Chủ Nhật, 06/10/2024 03:13 SA
Giải 3 cuộc thi truyện ngắn Báo Văn Nghệ:
Phú Yên lại “đạt đỉnh” truyện ngắn
Thứ Hai, 15/07/2013 14:30 CH

Dạy cấp 3 trường THPT huyện Phú Hòa, thầy giáo Nguyễn Phi Hùng (bút danh Phùng Hi) vừa đoạt giải 3 cuộc thi Truyện ngắn Báo Văn Nghệ 2011-2013 với tác phẩm “Phương Nam”. Với lối viết “mộc mộc, lạ lạ”, Phùng Hi đang tiếp tục “cày cuốc” ra sao trên “ruộng” văn đầy thử thách?

 

Phung-Hi.jpg

Nhà văn Phùng Hi (trái) và tác giả bài viết - Ảnh: MẠNH MINH TÂM

* Ông Mạc Can muốn gọi là “Người viết văn”, ông Ngô Phan Lưu muốn gọi là “Cây bút”. Còn anh…?

 

- Bây giờ ai muốn viết cái gì đều phải gõ máy tính, chẳng lẽ viết văn nay phải gọi là “gõ văn” sao? Không chừng “văn ngày nay” phải “gõ” nó mới chịu văng ra.

 

* Đang là thầy dạy Toán, vì sao anh “làm thêm” viết văn?

 

- Giáo viên bây giờ phải làm thêm nhiều thứ để bù vô đồng lương, tiếc là “viết văn” không giống làm thêm chút nào. Cụ thể hơn là nó chẳng bù gì vô lương, còn sinh lắm phiền toái. May mà văn chương không luôn là thuốc độc, nó còn là thuốc… an thần.

 

* Nhiều người bảo văn chương đang kém người đọc. Thế nhưng vẫn lắm người lao theo, trong đó có anh?

 

- Ồ, kém người đọc, chứ đâu có ít người viết! Xin nhắc lời nhà văn Khắc Trường hôm Báo Văn Nghệ tổ chức đoán giải: “Đến bây giờ mà người ta vẫn còn viết văn thì thật là… kinh khủng”. Ý là, người viết văn sao mà đông quá. Văn chương đã trải mấy nghìn năm, phủ tràn thế giới, có còn chỗ nào để viết nữa đâu? Vậy mà vẫn lắm người lao theo. Vâng, trong đó có tôi, thật là… kinh khủng!

 

* In truyện khá đều trên báo. Anh thấy thế nào khi “lộ diện” ở Giải truyện ngắn Báo Văn Nghệ?

 

- Tôi viết không nhiều, đến giờ vẫn chưa biết độc giả đánh giá mình ra sao. Thôi thì giải ba Báo Văn Nghệ kỳ này coi như một chứng chỉ hành nghề, nếu còn tiếp tục viết. Tôi xin gửi lời cảm ơn đến Báo Văn Nghệ.

 

* Lâu nay, đề tài truyện anh thường “vụn vụn đời thường”, sao mấy truyện dự thi (Phương Nam, Vua Bà…) đều có đề tài lịch sử?

 

- Tôi vẫn thích cái vụn vụn đời thường như anh nói nhưng chắc do duyên số. “Phương Nam” thì chưa nghe ai nói gì, chứ “Vua Bà” thì đã có người rầy thế này: “Chúng ta xưa nay ai cũng biết cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng ở Mê Linh năm 40 với những lý do rất cụ thể: nợ nước, thù chồng… Nhưng trong truyện Vua Bà thì không phải như vậy” (Giáo viên Văn, Hà Nguyên Tường, ở Gia Lai).

 

Tôi không nghĩ mình sở trường truyện với đề tài lịch sử nhưng nhà văn Sương Nguyệt Minh nhắn tôi là “anh cứ viết như Phương Nam thì sẽ có một giọng điệu riêng”. Biết đâu đấy.

 

* Nhiều người đọc thấy truyện ngắn đề tài lịch sử của Phùng Hi “đả phá” vào một số vấn đề tưởng chừng đã cũ…

 

- Văn chương chỗ nào cũng cũ. Thử nghĩ xem, anh viết cái gì mà người ta chưa viết? Người ta viết hết cả rồi, đi mòn cả rồi, nếu có làm mới chỉ là cái cách anh đi trên con đường mòn ấy: đi một chân, đi bằng đầu ngón chân, hay là đi lui…

 

* Anh vẫn viết về thế mạnh góc nhìn “một ông giáo sống ở nông thôn”?

 

- Tôi thấy chẳng có thế mạnh nào. Sống ở đâu cũng là nơi đi về, rảnh chút thì ngắm nghía cuộc đời, rảnh hơn chút nữa thì ngắm nghía mình, rồi mài mình ra mà viết, vậy mà vẫn cứ đụng chạm đâu đó…

 

* Hình như anh đã “chen chân” được vào chốn văn đàn lắm thị phi…

 

- Tôi thấy thời bây giờ chỗ nào cũng thị phi, không cứ gì văn đàn. Vào chốn văn đàn mà anh bảo là “chen chân”, ồ khá thú vị. Đã là “chen chân” thì khi cần “lủi ra” để tránh phiền phức chắc cũng dễ, nhân chẳng ai để ý anh lặng mất tăm luôn…

 

* À, đợt thi truyện ngắn Văn Nghệ kề qua (2006-2007), Phú Yên có nhà văn “nông dân” Ngô Phan Lưu đoạt giải nhất. Vậy “Thám hoa” với “Trạng nguyên” có… phục nhau không?

 

- Này, văn nhân tương khinh đó (cười). Nói cho vui, chứ với nhà văn Ngô Phan Lưu tôi coi như bậc thầy về chữ nghĩa. Mà theo Harold Bloom khi xây dựng lý thuyết về thơ nói đại ý là, người cầm bút nào trong thâm tâm cũng vừa thán phục và vừa ghen tỵ với những bậc thầy của mình, một kiểu mặc cảm Oedipus trong nghề văn… Nói chung, anh em xứ Nẫu vui vì Phú Yên lại “đạt đỉnh” truyện ngắn.

 

* Có vẻ làm ông “giáo quê” vất vả nhưng vui vẻ. Sau giải thưởng văn chương này, anh dự định gì mới?

 

- Tôi chưa bao giờ coi nghề giáo là vất vả. Được làm nghề giáo, tôi trau dồi kiến thức hằng ngày. Thời gian trước đây tôi dạy Toán ở trường trung học phổ thông, với đối tượng là học sinh phổ thông, chương trình phổ thông và tôi đã có nhiều bài viết về chuyên môn trên tạp chí Dạy và Học, Toán học và Tuổi trẻ, Thế giới trong ta… Nay, tôi công tác ở Trung tâm dạy nghề cấp huyện, tôi không còn hứng thú đào sâu chuyên môn. Sau giải thưởng, trước mắt tôi sẽ dồn sức viết xoay quanh tiêu cực, tham nhũng, bất cập, xuống cấp… của ngành giáo dục.

 

* Anh quan niệm văn chương thế nào?

 

- Cho tôi được không trả lời câu này.

 

* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

 

Phùng Hi (Nguyễn Phi Hùng) sinh ngày 13/6/1964. Quê quán: xóm Bến Lội, thôn Long Tường, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa. Tốt nghiệp Đại học sư phạm Toán khóa 7, Đại học sư phạm Quy Nhơn. Dạy miền núi có, đồng bằng có, chỉ chưa dạy ở thành phố.

 

Tác phẩm in chung:

 

- Chú chim lạc mẹ (NXB Giáo dục, 2001)

- Thơ truyện dành cho Bé (NXB Giáo dục, 2005)

- Mối tình đầu của tôi (NXB Dân Trí, 2011)

- Truyện ngắn hay Tuổi trẻ cuối tuần 2010-2011 (NXB Trẻ)

 

ĐÀO ĐỨC TUẤN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đưa sách ngoại văn vào trường học
Chủ Nhật, 14/07/2013 14:00 CH
Brad Pitt, ngôi sao quyền lực
Chủ Nhật, 14/07/2013 08:46 SA
Làm du lịch dưới chân Lang Biang
Thứ Sáu, 12/07/2013 13:00 CH
Thắng cảnh thác Bạc
Thứ Sáu, 12/07/2013 09:50 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek