Đến với tác phẩm Ngồi khóc trên cây của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, chúng ta gặp lại một Nguyễn Nhật Ánh quen thuộc qua cách kể chuyện hấp dẫn, một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, nhân hậu và dí dỏm. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy một Nguyễn Nhật Ánh khác lạ hơn.
Bìa sách Ngồi khóc trên cây - Ảnh: Internet
Nguyễn Nhật Ánh đã xây dựng nên một thế giới cổ tích gần gũi, thân thuộc nhưng đầy màu sắc kỳ ảo. Nhân vật trẻ thơ nhuốm màu bi kịch và phải gánh chịu những nỗi đau định mệnh một cách vô thức. Mọi nỗi oan trái ngổn ngang của cuộc sống đa đoan dồn xuống đôi vai gầy guộc khiến các em phải “oằn lưng trả những món nợ đời trước trót vay một cách vô tội vạ và cuộc sống tồn tại bằng cách vượt qua những thách thức đó để tiến về phía trước”. Phải chăng đó cũng là một thông điệp tích cực mà nhà văn muốn nhắn gửi qua tác phẩm của mình?
Ngồi khóc trên cây có cốt truyện hấp dẫn với khá nhiều tình tiết bất ngờ, dẫn dắt người đọc đi từ đầu đến cuối tác phẩm với một sức hút thật lớn. Khi cầm cuốn sách trên tay, bạn khó có thể dừng lại, bởi nó chạm tới những sợi dây nhạy cảm nhất trong tâm hồn con người. Những cảm xúc tinh khôi, trong trẻo được diễn tả một cách hồn nhiên như hơi thở, như khí trời. Lứa tuổi học trò sẽ thấy ở đây những rung động đầu đời nguyên sơ, thánh thiện, đẹp như cổ tích nhưng cũng đầy nước mắt cay đắng. Người lớn sẽ tìm lại được những cảm xúc đã bị lãng quên, hoặc bị cất giấu ở một nơi sâu thẳm nào đó. Khi đọc Ngồi khóc trên cây, tất cả như bị đánh thức trở lại, hầu như bao giờ cũng ở sau những giọt nước mắt.
Người kể chuyện xưng “tôi”, tên là Đông, một chàng thanh niên 18 tuổi đa sầu đa cảm. Kỳ nghỉ hè năm đó Đông về quê, ngôi làng Đo Đo thân quen, gần gũi gắn liền với bao kỷ niệm thời thơ ấu. Ở đây, Đông gặp Rùa, một cô bé thông minh, hồn nhiên nhưng cũng đầy bí ẩn, khác lạ. Cha Rùa mất sớm, mẹ bỏ làng ra đi. Cô bé sống với ông bà nội.
Rùa sống cô đơn, lủi thủi với cảnh ngộ của mình. Nhưng bù lại, Rùa có một sự tinh tế, nhạy cảm khác thường. Cô sống hòa đồng với thiên nhiên, cây cỏ. Cô là bạn thân thiết, là người che chở cho bầy thú nhỏ sống trong rừng. Và trí tưởng tượng phong phú của Rùa đã biến ngôi làng Gaulois ở nước Pháp xa xôi thành ngôi làng Đo Đo thân thuộc thần tiên như một xứ sở cổ tích. Ở nơi đó bốn mùa trong năm được gọi tên bằng những trò chơi con trẻ: mùa nắp keng, mùa giấy kính, mùa thả diều, mùa chong chóng... Nơi đó luôn phảng phất mùi dạ lý hương mỗi khi chiều xuống…
Tình cảm thân thiết đã nảy sinh giữa đôi bạn. Tình bạn ư? Tất nhiên rồi. Tình yêu ư? Cũng không thể khác. Chỉ có điều là Rùa còn nhỏ quá. Và họ đành hứa hẹn, chờ đợi với lời nhủ thầm: Dài nhanh lên với/ Tóc xõa ngang mày/ Lớn nhanh lên với/ Bé bỏng chiều nay. Chúng ta sẽ được chứng kiến những khoảnh khắc tận cùng mất mát, đau đớn. Chúng ta chạm tới nỗi đau ở khoảng cách rất gần. Cảm thấy thế giới rạn vỡ trong nhịp đập rối bời của con tim. Ngồi trên cây để mơ mộng. Ngồi trên cây để khóc. Để tin rằng có thể chờ đợi những điều tốt đẹp của cuộc đời.
Với 20.000 bản in bìa mềm giá 99.000 đồng và 3.000 bản in đặc biệt bìa cứng giá 191.000 đồng đã có chủ. Do số lượng người đặt mua Ngồi khóc trên cây quá lớn nên NXB Trẻ đã cho in thêm 3.000 cuốn bìa mềm và 2.000 cuốn bìa cứng, nâng tổng số lượng phát hành đợt đầu tiên của Ngồi khóc trên cây lên đến 28.000 bản in.
HUỲNH TRẦN (tổng hợp)