Chủ Nhật, 06/10/2024 13:25 CH
Cầm bút bằng niềm tự hào
Thứ Ba, 02/07/2013 14:30 CH

Tác phẩm Bà má miền Nam trong ký ức thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu của tác giả Nguyễn Thị Kim Hoa - Giám đốc Bảo tàng Phú Yên vừa đoạt giải tại cuộc thi “Ký ức chiến tranh và cuộc sống thời bình”. Đằng sau tác phẩm và giải thưởng này là nhiều điều để nói về một phụ nữ say mê viết lịch sử Đảng.

 

chi-kim-hoa130702.jpg

Chị Nguyễn Thị Kim Hoa (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Năm 1983, tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Huế, chị Nguyễn Thị Kim Hoa về công tác tại Đài Truyền thanh huyện Tuy An. Thích làm thơ, viết văn, chị hòa nhập vào môi trường báo chí rất nhanh và tích cực viết. Đặc biệt, chị chuyên viết lịch sử Đảng. Có lẽ đây là duyên nợ, lúc đầu chị không hứng thú với đề tài này. Nhưng ba chị, một người từng tập kết ra Bắc, sau ngày giải phóng trở về ông luôn nặng lòng với những đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường và thôi thúc con viết về các anh hùng, về những người đã đổ xương máu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Và chị Hoa đã làm theo lời cha.

 

Sau khi gặp gỡ nhiều nhân chứng sống trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chị Hoa xúc động trước tính thật thà, cách sống giản dị và tinh thần đồng đội của người lính Cụ Hồ. Từ đó, chị say mê viết và cho ra đời nhiều cuốn sách về lịch sử Đảng trên quê hương Tuy An thân yêu.

 

Sau 11 năm gắn bó với nghề báo, chị Hoa được chuyển sang làm Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tuy An. Đến năm 2005, chị làm Phó giám đốc Bảo tàng Phú Yên và hiện là Giám đốc Bảo tàng. Mặc dù làm công tác quản lý nhưng với niềm đam mê viết và những ý tưởng về đề tài lịch sử còn dang dở, chị Hoa quyết tâm mỗi ngày phải viết 3 trang giấy A4. Chị đã cho ra mắt độc giả các đầu sách lịch sử An Cư - Những năm tháng nhớ mãi (2001), Tuy An - Văn hóa và du lịch (2002), Quê hương đau thương và anh dũng (2003), Lịch sử Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phú Yên (2005), Phú Yên trong chiều sâu cội nguồn (2007)…

 

* Vì sao chị chọn viết về thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu để tham gia cuộc thi “Ký ức chiến tranh và cuộc sống thời bình”?

 

- Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu lúc bấy giờ là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông đã gợi ý và tặng mấy chiếc xe tăng cùng các hiện vật thể khối lớn tại Bảo tàng Hà Nội cho Bảo tàng Phú Yên. Đã 2, 3 năm trôi qua, tôi chưa có điều kiện ra Hà Nội để gặp và cảm ơn tấm lòng của thượng tướng. Cho đến ngày 9/4 vừa qua, nhân kỷ niệm một năm khánh thành Bảo tàng, tôi ra Hà Nội và đến gặp ông để cảm ơn ông. Tôi không có ý định viết bài và tham gia cuộc thi nào cả.

 

Khi gặp, thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cho biết ông vừa vô miền Nam để thăm lại má Sáu Ngẫu - người ngày trước chỉ đường cho ông tiến vô Sài Gòn. Tôi nghe ông kể và rất cảm động, vì đã 38 năm rồi mà ông vẫn còn nhớ. Và thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu gọi bà má miền Nam rất trân trọng. Chính tình cảm của thượng tướng đã thôi thúc tôi thu thập tư liệu và viết bài này. Viết xong, tôi gửi để đăng trong tập Ký ức người lính sẽ xuất bản vào tháng 8/2013 tới. Và mấy anh ở trong đó đưa bài này tham gia cuộc thi “Ký ức chiến tranh và cuộc sống thời bình” do Báo Cựu chiến binh TP Hồ Chí Minh phối hợp với Báo Quân khu 7 tổ chức.

 

* Trong quá trình thu thập thông tin, tư liệu để viết bài, điều gì khiến chị thích thú, tâm đắc?

 

- Tiếp xúc với thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, tôi thấy ông là người rất giản dị và có tình cảm rất sâu đậm đối với đồng bào miền Nam nói chung, với má Sáu Ngẫu ở vùng Lái Thiêu nói riêng. Tôi rất xúc động khi nghe ông kể chuyện má Ngẫu đã để dành trái cây chờ ông về mừng ngày giải phóng. Thượng tướng gọi má Ngẫu hết sức gần gũi, tình cảm y như là máu thịt. Chính điều đó làm cho tôi trân trọng ông và viết bài này. Sau khi viết bài này gửi đi, tôi viết tiếp 25 bài về lịch sử Đảng.

 

* Đã gần 10 năm chị rời xa nghề báo. Với vai trò Giám đốc Bảo tàng, bận bịu trong công việc quản lý, hẳn thời gian chị dành cho viết lách sẽ ít đi?

 

- Phương châm sống của tôi là chuyện gì vui thì nghĩ, chuyện gì buồn là không nghĩ đến. Và mục tiêu mà tôi đề ra hàng ngày là từ 4g30 sáng dậy viết đến 7g thì đi làm việc; tối từ 7g viết đến 9g. Tôi nghĩ bề dày thành thích của quân và dân ta trong chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và câu chuyện về các anh hùng, các trận đánh vẫn chưa được khai thác hết. Điều đó thôi thúc tôi viết nhiều hơn.

 

* Sắp tới, chị sẽ giới thiệu với bạn đọc đứa con tinh thần nào?

 

- Khi về Bảo tàng, tôi đã dành 3 năm để đọc tài liệu và tìm hiểu về dấu ấn của nhà Tây Sơn trên đất Phú Yên, về các anh hùng lực lượng vũ trang, các trận đánh tiêu biểu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tôi quan tâm thu thập tài liệu về các nội dung đó và chuyển tải đến người dân Phú Yên, góp phần để họ có cái nhìn toàn diện về Vũng Rô, Đồng khởi Hòa Thịnh…

 

* Xin cảm ơn chị!

 

KHÔI NGUYÊN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Thiếu nhi có nhiều lựa chọn
Chủ Nhật, 30/06/2013 14:00 CH
Có khả thi?
Chủ Nhật, 30/06/2013 10:00 SA
Bi Rain, ngôi sao đẳng cấp thế giới
Chủ Nhật, 30/06/2013 09:30 SA
Đội phường 4 đoạt giải nhất
Chủ Nhật, 30/06/2013 09:00 SA
Ấn tượng Festival Di sản Quảng Nam 2013
Chủ Nhật, 30/06/2013 08:00 SA
Lời ca, tiếng hát còn bay xa
Thứ Năm, 27/06/2013 14:30 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek