Festival Di sản Quảng Nam lần thứ 5/2013 bế mạc đã để lại nhiều ấn tượng qua từng hoạt động, sự kiện văn hóa, du lịch. Festival Di sản đã khắc họa đậm nét văn hóa về đất và người xứ Quảng. Tại đây, những giá trị văn hóa Việt được tôn vinh trong một không gian chung. Dòng chảy văn hóa từ Bắc chí Nam được hình thành liền mạch, xuyên suốt.
Rất đông du khách trong và ngoài nước tham quan Không gian nhà Việt (Vina house) tại xã Điện Minh (Điện Bàn - Quảng Nam) - Ảnh: T.QUỚI
THẤM ĐẪM VĂN HÓA VIỆT
“Festival Di sản Quảng Nam 2013 diễn ra từ ngày 21-26/6, là nơi hội tụ các di sản văn hóa và nền văn hóa của cả nước” - một đồng nghiệp ở Báo Quảng Nam đã nói như vậy. Quả đúng như thế, từ Lũng Cú (Hà Giang) đến tận mũi Cà Mau, dòng chảy văn hóa Việt được “kết nối” với cả tinh hoa văn hóa các nước trong khu vực ASEAN mang đến người thưởng ngoạn một cách gần gũi nhất thông qua Triển lãm “Không gian di sản văn hóa Việt Nam - ASEAN”.
Không cần phải đến tận Hà Giang mới được thưởng thức điệu khèn, nhấp chút rượu ngô Mèo Vạc, cũng không cần phải đến tận miệt Nam Bộ mới được nghe đờn ca tài tử. Ngay ở Hội An, trong những ngày của festival, tất cả đều hội tụ. 22 ngôi nhà rường là không gian đặc biệt để giới thiệu 22 bản sắc văn hóa đặc trưng vùng miền, từ hình ảnh, trang phục, sản phẩm lưu niệm đến cả những loại hình nghệ thuật diễn xướng.
Trong không gian văn hóa Hà Giang, ngoài hình ảnh về cao nguyên đá Đồng Văn - được UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu, khách tham quan còn bắt gặp những bộ trang phục của các dân tộc ở vùng cao Đông Bắc như Mông, Tày, Nùng, Thái… Cùng những sắc phục ấy là nhạc cụ truyền thống, công cụ lao động của từng tộc người được quy tụ về không gian văn hóa này, giúp người xem hình dung được nét văn hóa của đồng bào nơi đây. Rồi các địa phương như: Phú Thọ, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Ninh Bình mỗi nơi mang đến những di sản, có giá trị văn hóa riêng của vùng Bắc Bộ. Nếu như ở không gian văn hóa Ninh Bình là những hình ảnh về Tràng An, về hát xẩm thì đến với không gian văn hóa Phú Thọ là hào khí Vua Hùng từ thuở dựng nước và di sản văn hóa phi vật thể - hát Xoan (được UNESCO công nhận).
Cũng từ không gian văn hóa này, đến khu vực miền Trung, người xem sẽ tìm hiểu thêm về Thành nhà Hồ (Thanh Hóa), không gian văn hóa Huế với Nhã nhạc cung đình, Đô thị cổ Hội An, Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm (Quảng Nam) hay Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) là những di sản văn hóa được gìn giữ bởi chính con người nơi đây. Ngược lên Tây Nguyên, người xem được thưởng ngoạn “Không gian văn hóa Tây Nguyên” với rượu cần, cồng chiêng cùng nét huyền bí, thâm u của đại ngàn.
Vùng đất nổi tiếng với đờn ca tài tử cùng những nếp sinh hoạt “rặt phương Nam” cũng được đưa về Hội An. Ở đây, người xem được hòa mình trong “tính cách, tinh hoa” Nam Bộ một cách cởi mở chân thành, hiểu sâu sắc hơn về vùng “đất ngụ cư” được nhiều người lựa chọn. Những chiếu đờn ca tài tử cộng với kiểu nhậu bình dân của vùng Nam Bộ này đã níu chân nhiều du khách trong nước và quốc tế. Họ bày chiếu, pha sẵn bình rượu và người nghệ sĩ Nam Bộ say sưa “kể” cho khán giả nghe những câu chuyện tình lục tỉnh qua làn điệu ca ra bộ, cải lương.
TÔN VINH VĂN HÓA, PHÁT TRIỂN DU LỊCH
Tất cả các hoạt động tại Festval Di sản Quảng Nam đều nhằm kết nối và tôn vinh giá trị văn hóa các vùng miền của Việt Nam cũng như các nước. Các hoạt động, sự kiện văn hóa mang tầm vóc quốc gia và quốc tế như: Liên hoan Hợp xướng quốc tế với 15 đoàn hợp xướng đến từ 9 quốc gia, vùng lãnh thổ; Không gian di sản văn hóa Việt Nam - ASEAN với sự hội ngộ của các di sản văn hóa và thiên nhiên tiêu biểu của 22 tỉnh, thành phố và các nước trong khu vực Đông Nam Á; Liên hoan nghệ thuật các dân tộc Việt Nam với sự góp mặt của 15 tỉnh, thành đại diện các vùng miền; Cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam... Qua đó tạo cơ hội giao lưu, giới thiệu với bạn bè trong và ngoài nước nét đặc trưng văn hóa, đa dạng và phong phú của từng vùng miền; đồng thời tác động mạnh mẽ đến kinh tế du lịch.
Theo thống kê sơ bộ của Sở VH-TT-DL Quảng Nam, trong 6 ngày diễn ra festival (21-26/6) có gần 60.000 lượt khách trong nước và quốc tế đến Quảng Nam tham quan, du lịch. Trung bình mỗi ngày có khoảng 10.000 lượt khách, riêng hoạt động vòng chung kết Cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam và triển lãm “Không gian di sản văn hóa ASEAN - Việt Nam” đã thu hút hơn 30.000 lượt khách. Ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, dù không phải là cao điểm mùa du lịch nhưng nhờ có sự kiện festival nên lượng khách đến Hội An tăng 30% so với cùng kỳ năm trước, các khách sạn, resort đều trong tình trạng “cháy” phòng trong thời gian diễn ra Festival.
Bên cạnh những sự kiện văn hóa lớn, Festival Di sản Quảng Nam đã lồng ghép một cách nhẹ nhàng, giới thiệu nhiều sản phẩm du lịch mới: Không gian nhà Việt, làng du lịch nhà vườn Triêm Tây và Bảo tàng Điện Bàn; Trung tâm du khách Hội An; bãi tắm du lịch Hạ Thanh (Tam Kỳ); khu du lịch sinh thái tắm khoáng Phú Ninh, làng du lịch cộng đồng Bhờ Hôồng, Đhờ Rôồng (Đông Giang), làng dệt thổ cẩm Zara và đường Hồ Chí Minh (Nam Giang)...
Làm văn hóa nhưng lại “thắng đậm” du lịch, đó là mục tiêu thứ hai nhưng không kém phần quan trọng. Festival Di sản Quảng Nam không chỉ là dịp để tôn vinh di sản, hợp tác và giao lưu quốc tế, mà còn là dịp để Quảng Nam khai thác, phát huy di sản, củng cố và hoàn thiện cơ sở hạ tầng phát triển du lịch một cách mạnh mẽ và bền vững. Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường nói: “Di sản và du lịch có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ. Du lịch không chỉ dựa vào di sản mà còn mang sứ mệnh tôn vinh giá trị di sản, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị tinh hoa của tiền nhân. Di sản là tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ, là động cơ tác động đến quyết định tiêu dùng của du khách. Do vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản có nhiều ý nghĩa không chỉ là tôn vinh tiền nhân, giá trị của di sản mà còn có ý nghĩa về mặt kinh tế”.
TRẦN QUỚI - XUÂN ÁNH