Với chuyến công du trong tuần đầu tháng 5 đến Pháp, Brazil và Paraguay, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio được cho là đang thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao nhằm thể hiện vai trò chủ động hơn của Tokyo trên trường quốc tế.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Ảnh: Kyodo/TTXVN |
Trong chặng dừng chân đầu tiên tại Pháp, Thủ tướng Kishida sẽ tham dự hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) với vai trò chủ trì các cuộc đối thoại có sự tham gia của 58 quốc gia.
Cùng với 38 thành viên OECD hầu hết là các nước phát triển, các quốc gia Nam bán cầu mới nổi và đang phát triển như Nam Phi và Zambia cũng sẽ tham gia khuôn khổ này.
Với việc Nhật Bản giữ cương vị Chủ tịch OECD năm 2024, Thủ tướng Kishida sẽ dẫn dắt các cuộc thảo luận giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Theo giới chuyên gia, việc Nhật Bản thể hiện vai trò định hướng các cuộc thảo luận về các thách thức kinh tế và xã hội tại OECD là nhằm hiện thực hóa mục tiêu “duy trì và củng cố trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên quy định của pháp luật” mà Tokyo thúc đẩy trong chủ trương ngoại giao của mình.
Thủ tướng Kishida sẽ tuyên bố thành lập khuôn khổ đối thoại cấp bộ trưởng về khử carbon. Ông nhấn mạnh cuộc đối thoại cấp bộ trưởng nhằm cung cấp nền tảng cho các nước tham gia chia sẻ công nghệ khử carbon và dữ liệu môi trường, qua đó mở rộng hợp tác để đạt được các mục tiêu do mỗi quốc gia đặt ra.
Giới chuyên gia kỳ vọng khuôn khổ này sẽ đẩy mạnh các chính sách khử carbon bằng cách thu hút sự tham gia của các khu vực có dân số và tăng trưởng công nghiệp đáng kể.
Tại OECD lần này, Thủ tướng Kishida sẽ ủng hộ các quy tắc quốc tế mới bao gồm cả nền kinh tế toàn cầu, trí tuệ nhân tạo sáng tạo và biến đổi khí hậu. Các chuyên gia cho rằng Nhật Bản muốn đưa thêm nhiều nước Đông Nam Á vào khuôn khổ nhằm khuyến khích Mỹ và châu Âu tăng cường tham gia vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Hoạt động quan trọng tiếp theo của Thủ tướng Kishida tại Pháp là cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để trao đổi quan điểm về quan hệ song phương và các vấn đề quốc tế.
Chủ tịch Ủy ban Trao đổi kinh tế Pháp - Nhật (CEFJ) Dominique Restino nhận định Nhật Bản và Pháp có thể cung cấp “môi trường kinh doanh và khuôn khổ kinh doanh hiệu quả, có thể trở thành một hình mẫu cho quan hệ giữa châu Âu và châu Á.
Theo ông, “sự ổn định trong quan hệ giữa các quốc gia là quan trọng” để thiết lập “các mối quan hệ kinh tế tích cực” và "chắc chắn Nhật Bản cùng với Pháp có thể mang lại sự ổn định này".
Quan chức Pháp đánh giá Nhật Bản đầu tư nhiều nhất vào Pháp trong số các quốc gia châu Âu và Tokyo là một cánh cửa cho Paris mở lối vào châu Á để từ đó mở rộng sang các nước khác như Hàn Quốc. Đối với Nhật Bản, vai trò trung tâm của Pháp tại châu Âu là yếu tố để thúc đẩy sự hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực.
Đánh giá về quan hệ hai nước, Đại sứ Nhật Bản tại Pháp, Makita Shimokawa, cho rằng quan hệ song phương đã phát triển chắc chắn và ổn định trong những năm gần đây với sự hợp tác chặt chẽ và đôi bên cùng có lợi.
Giới chuyên gia nhận định Pháp và Nhật Bản có chung quan điểm về hầu hết các vấn đề chính trị trên thế giới. Tổng thống Emmanuel Macron và Thủ tướng Kishida từng cam kết “thúc đẩy sự hợp tác song phương về lĩnh vực an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Sau Pháp, Thủ tướng Kishida sẽ đến Brazil và Paraguay nhằm tăng cường quan hệ kinh tế với các nước Nam Mỹ, trong bối cảnh Trung Quốc và Nga gia tăng hiện diện tại đây.
Trước đó, trong chuyến đi chính thức tới Washington đầu tháng 4, nhà lãnh đạo này từng khẳng định Nhật Bản sẵn sàng chia sẻ với Mỹ gánh nặng duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Thuyết phục các nước mới nổi và đang phát triển ở Nam bán cầu là một phần của nỗ lực này.
Trong năm nay, Brazil đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Peru là Chủ tịch Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Đây là năm của Mỹ Latinh và là tâm điểm chú ý của thế giới. Vì vậy, Nhật Bản muốn nắm bắt cơ hội này để tăng cường quan hệ với các nước Mỹ Latin.
Tại Brazil, Thủ tướng Kishida sẽ hội đàm với Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, có bài phát biểu về chính sách đối ngoại của Nhật Bản đối với châu Mỹ Latinh và vùng Caribe.
Hai nước dự kiến sẽ ký kết các thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực từ biến đổi khí hậu đến khử carbon và các vấn đề môi trường khác.
Giới chuyên gia tại Tokyo đánh giá Brazil là quốc gia có tiếng nói hàng đầu ở Nam bán cầu và là thành viên của nhóm BRICS cùng với Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Nhiều quốc gia Nam Mỹ có mối liên kết kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc.
Brazil coi Trung Quốc là đối tác lớn nhất cả về xuất khẩu lẫn nhập khẩu. Đó là lý do khiến Nhật Bản đang thúc đẩy các nỗ lực công - tư nhằm khuyến khích các quốc gia này giảm sự phụ thuộc về kinh tế và chuỗi cung ứng vào Bắc Kinh.
Chính vì vậy, tháp tùng Thủ tướng Kishida trong chuyến công du này có một phái đoàn đại diện cho khoảng 40 công ty, nhằm đẩy mạnh đầu tư vào Brazil để tăng cường hợp tác song phương về công nghệ xanh. Tháng trước, Toyota, tập đoàn ô tô hàng đầu của Nhật Bản thông báo kế hoạch đầu tư 2,2 tỉ USD để tăng cường sản xuất xe hybrid ở Brazil.
Tại điểm dừng chân cuối cùng là Paraguay, Thủ tướng Kishida dự kiến có cuộc hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Santiago Pena, nêu bật các giá trị chung để thúc đẩy mối quan hệ song phương bền chặt hơn.
Paraguay hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Mercosur, một liên minh hải quan khu vực gồm năm nước Brazil, Argentina, Paraguay, Uruguay và Bolivia. Mercosur có kế hoạch đàm phán với Nhật Bản để thiết lập thỏa thuận hợp tác kinh tế, nhằm mở rộng xuất khẩu nông sản.
Paraguay cũng có ý định tăng cường hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực năng lượng và công nghệ tái tạo, bao gồm cả truyền thông. Các nhà quan sát nhận định Paraguay sẽ duy trì chủ trương ngoại giao hiện tại chừng nào chính phủ của Tổng thống Santiago Pena còn điều hành đất nước.
Theo nhiều chuyên gia, Nhật Bản đã tập trung nhiều nỗ lực ngoại giao hơn vào Nam bán cầu kể từ khi tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima năm ngoái, nơi Nhật Bản mời các nhà lãnh đạo từ các nước như Indonesia và Brazil tham gia các phiên họp mở rộng.
Điều này cũng cho thấy nỗ lực của Thủ tướng Kishida thúc đẩy khái niệm "ngoại giao chủ nghĩa hiện thực cho một kỷ nguyên mới" nhằm xác định lợi ích chung với các nước khác trong các lĩnh vực như năng lượng và cơ sở hạ tầng để tăng cường quan hệ song phương.
Trước thềm chuyến công dài ngày lần này, Thủ tướng Kishida đã khẳng định: “Lãnh đạo Nhật Bản sẽ thúc đẩy các nỗ lực biến đổi khí hậu xuyên biên giới. Chúng tôi sẽ cố gắng trở thành ‘bạn đồng hành’ cho sự tăng trưởng và phát triển của các nước mới nổi”.
Tuyên bố thể hiện rõ chủ trương của Tokyo trong việc đẩy mạnh các nỗ lực nhằm thể hiện một Nhật Bản ngày càng đóng vai trò chủ động trong giải quyết các vấn đề quốc tế.
Theo TTXVN/Vietnam+