Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 1/5 hối thúc tất cả các bên nỗ lực hướng tới thỏa thuận ngừng bắn và kiến tạo hòa bình lâu dài.
Trong bài viết đăng trên mạng xã hội X được phóng viên TTXVN tại Geneva trích dẫn, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng Israel sẽ gây ra một thảm họa nhân đạo nếu tiếp tục chiến dịch quân sự ở TP Rafah của Gaza.
Ông viết: “Một chiến dịch toàn diện vào Rafah sẽ là một thảm họa nhân đạo. Chúng tôi kêu gọi Israel không tiến hành chiến dịch này và tất cả các bên nỗ lực để đạt được lệnh ngừng bắn và hòa bình lâu dài”.
Tình hình ở Trung Đông ngày càng leo thang sau vụ tấn công và bắt giữ con tin của Hamas từ Gaza vào Israel hôm 7/10 năm ngoái, và chiến dịch quân sự đáp trả mà Tel Aviv tiến hành nhắm vào dải đất hẹp này trong 6 tháng qua. Theo giới chức y tế tại Dải Gaza, cuộc xung đột giữa Hamas và Israel tính đến hết tháng 4 vừa qua đã khiến hơn 34.000 người Palestine thiệt mạng và hơn 77.000 người khác bị thương.
Trong khi đó, phía Israel ghi nhận hơn 1.200 người thiệt mạng kể từ khi căng thẳng với Phong trào Hồi giáo Hamas leo thang trở lại. Xung đột cũng đã tàn phá hạ tầng trên quy mô lớn, bao gồm hơn một nửa số nhà cửa, 65% hệ thống đường bộ và 60% lượng phương tiện giao thông tại dải Gaza, đồng thời gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng trong khu vực.
LHQ ước tính số gạch vụn, mảnh vỡ từ hạ tầng bị phá hủy tại mảnh đất hẹp ven biển này là 37 triệu tấn và sẽ cần 14 năm để dọn dẹp. LHQ và cộng đồng quốc tế đã nhiều lần cảnh báo về một thảm họa nhân đạo nếu quân đội Israel tấn công vào Rafah, nơi “trú ẩn cuối cùng” của khoảng 1,4 triệu người Palestine trong tổng số 2,3 triệu dân của Gaza.
Trong diễn biến khác, phát biểu họp báo sau chuyến thực địa tới cửa khẩu Kerem Shalom giữa Israel và Dải Gaza ngày 1/5 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhận định tiến độ đưa hàng cứu trợ vào Dải Gaza là “có thực và mang nhiều ý nghĩa”, nhưng vẫn cần được đẩy nhanh hơn nữa.
Theo tường thuật của phóng viên TTXVN tại Israel, ông Blinken đánh giá cao việc Israel gần đây đã mở lại cửa khẩu Erez, giúp đưa thêm hàng viện trợ trực tiếp vào miền Bắc Gaza. Tuy nhiên, để đánh giá tình hình có cải thiện hay không cần chờ đợi xem hàng viện trợ có đến tay những người cần thiết hay không.
Về đàm phán ngừng bắn, trao đổi con tin giữa Israel và phong trào Hamas, Ngoại trưởng Mỹ cho rằng Israel đã có những nhượng bộ quan trọng và thỏa thuận này hiện phụ thuộc vào Hamas.
Trước đó, ông Blinken đã có các cuộc hội đàm riêng rẽ với Tổng thống Israel Isaac Herzog và Thủ tướng Benjamin Netanyahu để thảo luận về triển vọng thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn cũng như các hậu quả của kế hoạch của quân đội Israel tấn công đổ bộ vào TP Rafah, được coi là “nơi trú ẩn cuối cùng” của 1,4 triệu người trong số 2,3 triệu dân Palestine sinh sống tại Gaza.
Cùng ngày 1/5, lực lượng Hamas của Palestine tuyên bố các cuộc đàm phán về việc ngừng bắn với Israel sẽ bị đình chỉ nếu Israel tấn công TP Rafah ở phía Nam Dải Gaza. Ông Osama Hamdan, một quan chức cấp cao của Hamas, cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn với đài truyền hình al-Manar có trụ sở tại Libăng rằng Hamas sẽ dừng mọi cuộc đàm phán gián tiếp với Israel nếu nước này tiến hành các hoạt động quân sự nhằm vào Rafah. Quan chức Hamas khẳng định rằng lực lượng này vẫn có đủ sức mạnh để bảo vệ người dân Palestine.
Trong khi đó, cũng trong ngày 1/5, Israel đã mở lại cửa khẩu Erez để tạo điều kiện cho các xe tải chở hàng viện trợ tiến vào Gaza. Động thái được đưa ra sau khi Mỹ yêu cầu Tel Aviv nỗ lực nhiều hơn nữa nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở khu vực này.
Bộ Thông tin thuộc chính quyền Hamas tại Dải Gaza ước tính thiệt hại sau gần 7 tháng xảy ra cuộc tấn công của Israel vào dải đất này lên tới xấp xỉ 33 tỉ USD, và khiến 90% người dân tại đây phải sống dưới ngưỡng nghèo khổ.
Theo báo cáo công bố, các cuộc tấn công của Israel đã phá hủy cơ sở hạ tầng của 15 lĩnh vực kinh tế tại Gaza, bao gồm y tế, giáo dục, xây dựng, nhà ở, dịch vụ đô thị, hành chính, công nghiệp và thương mại, điện lực, giao thông. Tỉ lệ thất nghiệp tăng lên 75%, tăng gần 30% so với trước thời điểm xảy ra chiến tranh ngày 7/10/2023.
Tính đến ngày 1/5 đã có tới 34.568 người Palestine thiệt mạng tại Dải Gaza và 77.765 người bị thương do các cuộc tấn công của quân đội Israel. Văn phòng Truyền thông của Dải Gaza ngày 1/5 thông báo, số lượng xe tải chở hàng viện trợ vào dải đất này trong tháng 4 đã “tăng lên một cách hạn chế”, đạt 164 xe/ngày, vẫn thấp hơn nhiều so với nhu cầu.
Thông báo cho biết trong tháng đã có tổng cộng 4.887 xe tải chở hàng vào Gaza, bao gồm 1.166 xe đi qua cửa khẩu Rafah nối với Ai Cập, phần còn lại đi qua cửa khẩu Kerem Abu nối với Israel. Trong số trên, chỉ có 419 xe (chiếm 8%) tới được miền Bắc Gaza, nơi cuộc khủng hoảng nhân đạo đang cấp bách với khoảng 700.000 người Palestine cần cứu trợ khẩn cấp. Thông báo nêu rõ: “Israel vẫn duy trì tốc độ gần như trước và tìm cách thuyết phục thế giới rằng tình hình cứu trợ đã thay đổi”.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)