Ngày 30/4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá có nguy cơ virus cúm gia cầm H5N1 lây lan ở các đàn bò tại những quốc gia khác ngoài Mỹ sau khi các trường hợp mắc bệnh đầu tiên được báo cáo ở Mỹ khi nguồn lây là từ những loài chim di cư.
Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh giới chức Mỹ đang tìm cách thẩm định mức độ an toàn của sữa bò sau khi phát hiện virus H5N1 ở 34 đàn bò sữa tại 9 bang trên cả nước (tính từ cuối tháng 3 vừa qua) và 1 ca bệnh ở người tại bang Texas.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ), Giám đốc Chương trình cúm toàn cầu của WHO, Wenqing Zhang, cho biết do các loài chim hoang dã có thể mang theo virus cúm gia cầm đi khắp nơi nên có nguy cơ các đàn bò ở những quốc gia khác sẽ nhiễm virus.
Bà Zhang tái khẳng định WHO vẫn đánh giá nguy cơ sức khỏe cộng đồng do virus cúm gia cầm hiện vẫn ở mức thấp nhưng các nước cần cảnh giác.
Quan chức WHO cũng hoan nghênh giới chức y tế Mỹ đã phối hợp cung cấp thông tin cập nhật định kỳ về tình hình dịch bệnh và chia sẻ thông tin phân tích chuỗi gene virus từ sớm để cơ quan này có thể giám sát tình hình và điều chỉnh các biện pháp chuẩn bị ứng phó cần thiết.
Trước đó, Chính phủ Mỹ thông báo cơ quan chức chức năng nước này đang lấy mẫu thịt bò xay tại các cửa hàng bán lẻ ở các bang có ổ dịch cúm gia cầm ở bò sữa để tiến hành xét nghiệm, nhưng vẫn tin tưởng nguồn cung cấp thịt an toàn.
Các quan chức liên bang đang tìm cách xác minh sự an toàn của sữa và thịt sau khi xác nhận virus H5N1 ở 34 đàn bò sữa trên 9 tiểu bang kể từ cuối tháng 3 và ở một người tại Texas.
Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) Mỹ và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đều cho rằng hiện nguy cơ từ H5N1 đối với sức khỏe cộng đồng nói chung là thấp, nhưng cao hơn đối với những người tiếp xúc với động vật bệnh.
Trong khi đó, các nhà khoa học tin rằng dịch bệnh cúm gia cầm đang lan rộng ở bò sữa nhiều hơn so với báo cáo chính thức dựa trên việc tìm thấy virus H5N1 trong khoảng 20% mẫu sữa thương mại.
Trước đó, ngày 26/4, Cơ quan An toàn thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ thông báo các kết quả xét nghiệm PCR tiêu chuẩn cho thấy quá trình thanh trùng đã tiêu diệt virus cúm gia cầm trong sữa.
Tại Mỹ, bò sữa khi già sẽ bị mổ lấy thịt. Theo thông báo của Chính phủ Mỹ, Bộ Nông nghiệp được giao nhiệm vụ phân tích các mẫu thịt bò xay bán lẻ bằng các xét nghiệm PCR để xác định có tồn tại virus H5N1 trong các sản phẩm thịt hay không, đồng thời tiến hành thêm 2 nghiên cứu an toàn khác.
Ngày 29/4, Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng áp dụng quy định yêu cầu sữa bò phải có kết quả xét nghiệm âm tính với H5N1 mới được đưa ra thị trường tiêu thụ.
Bộ trên hiện cũng đang thu thập các mẫu thịt bò tại các cơ sở giết mổ bò sữa đã bị tiêu hủy để xác định sự hiện diện của virus H5N1. Bộ khẳng định bất kỳ xét nghiệm PCR dương tính nào đối với mẫu bán lẻ hoặc mẫu giết mổ đều sẽ được xác định là virus sống.
Tuần trước, Bộ Nông nghiệp Mỹ thông báo đã tìm thấy cúm gia cầm trong mẫu mô phổi từ một con bò sữa không triệu chứng được gửi đi giết mổ từ một đàn bị nhiễm bệnh. Theo thông báo, con vật này không được đưa vào nguồn cung cấp thực phẩm.
Trong một nghiên cứu an toàn khác, thịt bò xay chứa "virus thay thế" sẽ được nấu ở các nhiệt độ khác nhau để đánh giá mức độ khả năng vô hiệu hóa virus khi thịt được nấu chín. Cơ quan này cho biết việc nấu thịt đến một nhiệt độ nhất định sẽ tiêu diệt vi khuẩn và virus.
Trường hợp người nhiễm virus H5N1 là một công nhân nông trại ở Texas. Người này bị viêm kết mạc sau khi tiếp xúc với bò sữa.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)