Thứ Hai, 25/11/2024 06:52 SA
IMF đưa ra khuyến nghị mới cho nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á
Thứ Năm, 02/05/2024 10:38 SA

Người dân mua hàng tại siêu thị Grand Lucky, Indonesia. Ảnh: TTXVN

* IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ lên 6,8%

 

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã lên tiếng về các dự báo kinh tế của Indonesia trong giai đoạn chính phủ chuyển tiếp từ Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) sang Tổng thống đắc cử Prabowo Subianto.

 

Giám đốc IMF châu Á và Thái Bình Dương, Krishna Srinivasan cho biết IMF chú trọng nhiều hơn vào tính liên tục của chính sách. Ông cũng đưa ra những lưu ý về việc tăng chi ngân sách và các bước tăng thu ngân sách.

 

“Vì vậy, câu hỏi đặt ra là, chúng ta phải xem xét chi tiết các kế hoạch tài chính của Indonesia trong chính phủ tiếp theo dưới sự lãnh đạo của Tổng thống mới Prabowo Subianto”, ông nói trong cuộc họp báo Triển vọng kinh tế khu vực châu Á và Thái Bình Dương của IMF ngày 30/4.

 

Nhìn chung, ông thấy rằng có sự liên tục trong cải cách chính sách giữa thời kỳ của hai ông Jokowi và Prabowo, thể hiện ở cách Indonesia đã đạt được những tiến bộ được coi là tốt cho đến nay. Điều này được phản ánh qua nền tảng kinh tế vững mạnh của Indonesia.

 

Trong khi đó, Phó Giám đốc Vụ châu Á và Thái Bình Dương của IMF, Thomas Heflin, cho rằng Chính phủ Indonesia phải đóng vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng và giáo dục cũng như khuyến khích cải cách quản trị.

 

IMF giữ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Indonesia ở mức 5% và năm 2025 tăng lên 5,1%. Ngoài giáo dục và cơ sở hạ tầng, ông Heflin cho rằng một cải cách quan trọng khác là cải cách thu ngân sách nhà nước.

 

Indonesia có tỉ lệ thuế thấp 10% so với nhu cầu chi tiêu cơ cấu cho giáo dục, cơ sở hạ tầng và mạng lưới an sinh xã hội. Vì vậy, cải cách doanh thu là rất quan trọng đối với chính phủ mới. Mặt khác, IMF nhận thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Indonesia khá mạnh, nên đã đưa ra dự đoán về mức tăng trưởng khá của nước này trong 2 năm tới.

 

Các nguyên tắc cơ bản vĩ mô của Indonesia, bao gồm cả thâm hụt tài chính, cũng nằm dưới giới hạn trên. Lạm phát cũng được coi là nằm trong phạm vi mục tiêu. Ông Heflin cho rằng 5% là tốc độ tăng trưởng rất mạnh và Indonesia đã hoạt động tốt, tăng trưởng rất gần với tiềm năng trong hơn một thập kỷ qua. Ông nhấn mạnh: “Từ lâu, chúng tôi đã nhấn mạnh rằng Indonesia có tiềm năng tăng trưởng cao hơn, đặc biệt là với các chính sách cơ cấu phù hợp”.

 

Trong khi đó, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ trong năm tài chính hiện tại từ 6,5% (được đưa ra hồi tháng Một) lên mức 6,8%, chủ yếu nhờ đầu tư công.

 

Ông Krishna Srinivasan, Giám đốc Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IMF nêu rõ: “Ở Trung Quốc và Ấn Độ, chúng tôi cho rằng đầu tư đóng góp một cách không cân xứng vào tăng trưởng - phần lớn là đầu tư công, đặc biệt là ở Ấn Độ”. Ngoài ra, IMF đã nâng triển vọng tăng trưởng trong năm tài chính 2024 của Ấn Độ lên 7,8%, cao hơn ước tính 7,6% của Chính phủ Ấn Độ.

 

Báo cáo của IMF nhấn mạnh rằng "Ấn Độ và Philippines là nguồn gốc của những bất ngờ tăng trưởng tích cực liên tục, được hỗ trợ bởi nhu cầu nội địa mạnh mẽ, ổn định”. Về lạm phát, IMF dự đoán tình hình sẽ thuận lợi hơn đối với các thị trường mới nổi, nơi lạm phát đã hoặc gần mục tiêu.

 

Báo cáo nêu rõ: "Lạm phát lõi phần lớn dự kiến sẽ được kiểm soát. Đối với lạm phát chung, một số nền kinh tế có thể giảm thêm do giá năng lượng giảm trong khi ở các nước khác (ví dụ: Ấn Độ), áp lực giá lương thực - đặc biệt đối với gạo - có thể làm chậm lại quá trình giảm phát".

 

Tỉ lệ lạm phát của Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 10 tháng là 4,9% trong tháng 3, mặc dù lạm phát thực phẩm vẫn duy trì ở mức trên 8%. IMF duy trì dự báo tỉ lệ lạm phát ở Ấn Độ là 4,6% cho năm tài chính 2025 và 4,2% cho năm tài chính 2026.

 

Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (ngân hàng trung ương) dự đoán lạm phát sẽ giảm xuống 4,5% trong năm tài chính hiện tại. Ngoài triển vọng tích cực của Ấn Độ, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng cho khu vực châu Á và Thái Bình Dương lên 4,5% so với mức dự báo 4,2% trước đó vào tháng 10.

 

IMF lưu ý rằng tình trạng suy thoái kinh tế của khu vực vào năm 2024 dự kiến sẽ ít nghiêm trọng hơn dự đoán ban đầu do áp lực lạm phát tiếp tục giảm bớt, đồng thời nhấn mạnh rằng rủi ro đối với triển vọng ngắn hạn sẽ cân bằng hơn.

 

Liên quan đến lạm phát, IMF đã đề xuất những chính sách khác biệt với lập trường chặt chẽ hơn trong thời gian dài hơn ở các nền kinh tế có lạm phát tăng cao và những chính sách vĩ mô phù hợp ở các nền kinh tế có tình trạng suy thoái đáng kể.

 

Theo TTXVN/Vietnam+

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek