Theo số liệu do hãng tin Reuters công bố sáng 2/10 (theo giờ Việt Nam), số ca tử vong vì COVID-19 trên thế giới đã vượt qua ngưỡng 5 triệu ca, trong bối cảnh biến thể Delta đang khiến số ca nhiễm và tử vong tăng cao, chủ yếu ở những người chưa tiêm phòng.
Phân tích của Reuters cho thấy nếu mốc 2,5 triệu ca tử vong đầu tiên đã được ghi nhận trong hơn một năm kể từ khi bùng phát dịch, thì mốc 2,5 triệu ca tiếp theo được ghi nhận chỉ trong 236 ngày.
Hơn một nửa số ca tử vong toàn cầu được ghi nhận ở Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Nga và Mexico. Trong tuần qua, trung bình 8.000 ca tử vong được ghi nhận mỗi ngày trên toàn cầu, tức là 5 ca/phút.
Số liệu của Reuters cao hơn một chút so với số liệu trên trang thống kê worldometers.info. Tính đến 11 giờ ngày 2/10 (theo giờ Việt Nam), số ca tử vong trên thế giới theo trang thống kê worldometers.info là 4.805.876 ca.
Reuters dẫn số liệu từ trang thống kê Our World in Data cho thấy hơn một nửa dân số toàn cầu hiện đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin ngừa COVID-19. Đây là kết quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ ở các cấp quốc tế cũng như từng quốc gia.
Trên phạm vi quốc tế, hoạt động hợp tác, chia sẻ vắc xin, đặc biệt thông qua cơ chế toàn cầu COVAX, đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về COVID-19, diễn ra ngày 22/9 tại New York (Mỹ) nhân tuần lễ cấp cao Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, Mỹ thông báo sẽ ủng hộ thêm 500 triệu liều vắc xin của hãng Pfizer/BioNTech cho các nước trên thế giới, nâng tổng số vắc xin nước này viện trợ cho quốc tế lên 1,1 tỉ liều.
Nhật Bản cũng cam kết sẽ cung cấp bổ sung 30 triệu liều vắc xin phòng COVID-19, qua đó nâng tổng số vắc xin viện trợ cho các nước lên 60 triệu liều. Ý tuyên bố cung cấp 45 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 trước cuối năm nay, gấp 3 lần cam kết ban đầu.
Tại kỳ họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 76, các nhà lãnh đạo thế giới đặt mục tiêu tham vọng, theo đó đến thời điểm tổ chức khóa họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2022 sẽ có 70% dân số thế giới được tiêm vắc xin. Theo Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, thế giới chỉ có thể đạt được mục tiêu này nếu có ý chí chính trị và tinh thần hợp tác để có thể cùng nhau thích ứng an toàn với COVID-19.
Trong khi đó, từ tháng 10 này, Chính phủ Nhật Bản sẽ bắt đầu thí điểm sử dụng chứng nhận tiêm vắc xin phòng COVID-19 như là điều kiện để tới nhà hàng và một số địa điểm công cộng khác. Những người tới nhà hàng, sân vận động, sự kiện âm nhạc quy mô nhỏ và nhà hát buộc phải trình chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin hoặc có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước đó, đồng thời phải khai báo y tế.
Giới chức Nhật Bản nhấn mạnh biện pháp này nhằm xem xét liệu việc kiểm tra chứng nhận tiêm chủng hoặc chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính có khả quan hay không. Trước mắt, việc kiểm tra chứng nhận tiêm phòng và chứng nhận xét nghiệm sẽ thí điểm tại 13 tỉnh gồm Hokkaido, Saitama, Chiba, Kanagawa, Aichi, Ishikawa, Shiga, Kyoto, Osaka, Hyogo, Fukuoka, Kumamoto và Okinawa.
Theo giới chức Nhật Bản, việc thí điểm áp dụng chứng nhận tiêm chủng là nhằm hạn chế áp dụng các biện pháp hạn chế trên diện rộng và tạo điều kiện nối lại các hoạt động kinh tế kể cả trong trường hợp xảy ra làn sóng dịch mới trong trương lai. Chính phủ Nhật Bản cũng có kế hoạch thử nghiệm áp dụng những chứng nhận này trong lĩnh vực du lịch trong thời gian tới.
Theo kế hoạch, Nhật Bản cũng sẽ triển khai việc kiểm tra chứng nhận tiêm phòng tại các sự kiện quy mô lớn từ ngày 6/10 tại một trận đấu bóng đá ở giải J-League diễn ra tại tỉnh Aichi. Dự kiến, hơn 10.000 cổ động viên sẽ tới xem trận đấu này. Giới chức Nhật Bản nõi rõ đối với các sự kiện trực tiếp quy mô lớn như vậy, nhà chức trách sẽ áp dụng công nghệ giúp xác định mật độ người tham gia, độ ồn của đám đông và tỉ lệ người đeo khẩu trang.
Những biện pháp mới trên được đưa ra sau khi Chính phủ Nhật Bản dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp và các biện pháp phòng dịch trọng điểm vào ngày 30/9, đúng theo thời hạn dự kiến ban đầu khi mà số ca mắc mới tại quốc gia này giảm mạnh trong nhiều tuần qua.
Tại Mỹ, ngày 1/10, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo sẽ chuyển giao hơn 8 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 cho Bangladesh và Philippines. Một quan chức Nhà Trắng cho hay Mỹ sẽ bàn giao 5 đợt vận chuyển với tổng cộng 5.575.050 liều vắc xin cho Philippines vào tuần tới, và 2.508.480 liều khác sẽ được chuyển đến Bangladesh vào đầu tuần tới.
Toàn bộ số vắc xin này đều của hãng Pfizer và được viện trợ cho hai nước trên thông quan cơ chế COVAX của Liên Hợp Quốc. Quan chức này cũng khẳng định quan điểm của Chính phủ My rằng để chấm dứt đại dịch COVID-19 thì phải loại bỏ dịch bệnh này trên khắp thế giới.
Theo thống kê, mới chỉ khoảng 10% trong tổng số 170 triệu dân Bangladesh đã tiêm đủ liều. Quốc gia Nam Á này đã áp đặt nhiều biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Trong khi đó, tại Philippines, hơn 25% dân số trưởng thành nước này đã tiêm đủ liều trong bối cảnh chương trình tiêm chủng diễn ra chậm. Giới chức nước này cảnh báo nền kinh tế Philippines sẽ phải mất 1 thập kỷ để phục hồi sau đại dịch.
Bộ trưởng Kế hoạch kinh tế Philippines Karl Kendrick Chua cho biết gần 70% hoạt động kinh tế, với khoảng 23,3 triệu người lao động, đang chịu tác động của các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt.
Ngày 1/10, bang California tại Mỹ ra quy định bắt buộc tiêm vắc xin đối với toàn bộ sinh viên ở các hệ thống trường đại học công và tư trong bang này. Đây là bang đầu tiên ở Mỹ đưa ra quy định này trong bối cảnh tình trạng do dự tiêm vắc xin đang làm chậm lại các nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Kế hoạch trên sẽ thực hiện được vì Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) đã cấp phép đầy đủ cho việc tiêm vắc xin của hãng Pfizer/BioNTech cho người từ 16 tuổi trở lên. Thống đốc Gavin Newsom cho biết: "Các trường học của chúng tôi đã yêu cầu tiêm vắc xin phòng sởi, quai bị và hơn thế nữa. Vì vắc xin có hiệu quả. Đây chính là cách để đảm bảo trẻ em được an toàn và khỏe mạnh”.
Ông cho biết thêm rằng khi FDA phê chuẩn tiêm vắc xin cho các độ tuổi khác, từ 12 tuổi (nghĩa là học sinh từ lớp 7-12), bang cũng sẽ áp dụng yêu cầu tương tự trong giai đoạn tiếp theo. Quy định mới sẽ ảnh hưởng tới 6 triệu sinh viên ở bang đông dân nhất nước Mỹ này, nơi 84% người đủ tuổi tiêm đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin ngừa COVID-19.
Tại Thái Lan, số ca tử vong vì COVID-19 theo ngày đã giảm xuống dưới ngưỡng 100, trong khi số ca mắc với tại thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận cũng đang giảm. Bộ Y tế Thái Lan sáng 2/10 cho biết quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận 87 trường hợp tử vong vì COVID-19 và 11.375 ca mắc mới trong 24 giờ qua. Như vậy, kể từ đầu mùa dịch, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 1.626.604 ca mắc COVID-19, trong đó có 16.937 người không qua khỏi.
Hầu hết các ca mắc mới và tử vong tại Thái Lan được ghi nhận trong làn sóng COVID-19 thứ ba kể từ đầu tháng 4 tới nay. Số ca mắc mới cao nhất theo ngày từng được ghi nhận là 23.418 ca vào ngày 13/8, trong khi số ca tử vong theo ngày cao nhất được ghi nhận vào ngày 18/8 với 312 ca.
Trợ lý phát ngôn viên Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) Apisamai Srirangson cho biết trong buổi thông báo tin tức chiều 1/10 rằng các ca mắc mới ở Bangkok và các tỉnh lân cận đang giảm xuống, đặc biệt là ở thủ đô.
Thái Lan dự kiến bắt đầu tiêm chủng ngừa COVID-19 cho học sinh vào đầu tuần tới. Hiện đã có ít nhất 3,68 triệu học sinh nộp đề nghị được tiêm vắc xin Pfizer. Bộ Y tế Thái Lan có kế hoạch cung cấp loại vắc xin này cho 70% học sinh các trường trung học và dạy nghề vào cuối tháng này trước khi các em trở lại lớp học vào tháng 11.
Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Giáo dục để lấy ý kiến phụ huynh nhằm kiểm tra số lượng học sinh sẽ được tiêm chủng, với mục tiêu đề ra là tiêm chủng cho 5,04 triệu học sinh từ 12-17 tuổi. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Thái Lan (FDA) gần đây đã phê duyệt việc tiêm vắc xin Pfizer cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên và cũng đang cân nhắc đề xuất tiêm vắc xin Sinopharm cho trẻ em trên 3 tuổi.
Ngày 1/10, một số bang của Đức đã thông báo dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp hạn chế chống dịch COVID-19, theo đó các sự kiện tổ chức tại sân vận động và các câu lạc bộ được phép hoạt động trở mà không cần đeo khẩu trang hay thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo số ca mắc mới có thể tăng cao trở lại khi có ngày càng nhiều người tham gia vào các hoạt động trong nhà trong những tháng mùa đông tới.
Từ ngày 1/10, các bang Nordrhein-Westfalen, Bayern và Saarland của Đức đang dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế còn lại. Giới chức y tế cho biết số ca lây nhiễm mới đã giảm xuống mức thấp, đủ để các biện pháp này được dỡ bỏ.
Tại bang đông dân nhất của Đức - Nordrhein-Westfalen, các sự kiện lớn đã mở trở lại và quy định đeo khẩu trang sẽ không bị bắt buộc nhưng vẫn được khuyến khích thực hiện. Quy định giới hạn số người được tham dự các trận đấu bóng đá, sự kiện sân vận động và các buổi hòa nhạc cũng đang dần dỡ bỏ nốt trong tiểu bang.
Tại bang Bayern, các câu lạc bộ, vũ trường… sẽ mở cửa trở lại ở khu vực miền Nam sau một năm rưỡi đóng cửa. Bayern được biết đến là nơi áp đặt nhiều hạn chế đi lại nghiêm ngặt nhất.
Cũng từ ngày 1/10, "quy tắc 3G" sẽ được áp dụng trong các câu lạc bộ, vũ trường… Điều này có nghĩa là những người đến câu lạc bộ sẽ phải được xét nghiệm nhanh, có chứng chỉ tiêm phòng hoặc có bằng chứng phục hồi sau khi mắc COVID19.
Riêng nhân viên trong các cơ sở có tiếp xúc với khách hàng sẽ phải thực hiện xét nghiệm PCR ít nhất 2 lần/tuần nếu họ chưa được tiêm chủng.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)