Theo Bộ Y tế Malaysia (MOH), vaccine Sinovac do Trung Quốc sản xuất sẽ được sử dụng cho trẻ vị thành niên từ 12-17 tuổi.
Trong tuyên bố ngày 1/10, MOH cho hay Malaysia đã chấp thuận có điều kiện cho Sinovac được phép sử dụng đối với trẻ vị thành niên. Bắt đầu từ tháng 9, thanh thiếu niên dưới 18 tuổi tại Malaysia đã được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 sau khi hơn 80% người trưởng thành đã hoàn thành việc tiêm chủng.
MOH khẳng định cơ quan quản lý dược phẩm Malaysia khuyến nghị ưu tiên sản phẩm của Sinovac cho những thanh thiếu niên không mắc nhiều chứng bệnh hoặc có các vấn đề dị ứng, hoặc những trường hợp được xác định không phù hợp với vắc xin Pfizer.
Tháng 7 vừa qua, Malaysia thông báo sẽ ngừng sử dụng Sinovac do hết nguồn cung vì quốc gia Đông Nam Á có đủ các loại vaccine khác cho chương trình tiêm chủng toàn quốc. Tuy nhiên, Malaysia đã tiếp tục nhận được các lô Sinovac bổ sung.
Ngày 27/9, Bộ Ngoại giao Malaysia cho hay Trung Quốc đã đồng ý tài trợ một triệu liều Sinovac sau khoản tài trợ 500.000 liều vào tháng 7.
Về điều kiện mở cửa biên giới đón du khách nước ngoài, phát biểu với báo giới tại lễ chuyển giao Cơ quan Kiểm soát biên giới (AKSEM) sang Cảnh sát Hoàng gia ngày 30/9, Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Hamzah Zainudin cho biết nước này vẫn đang ở giai đoạn coi COVID-19 là đại dịch và việc Malaysia có sẵn sàng chuyển sang giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu hay không dựa trên quyết định của Bộ Y tế.
Theo ông Hamzah Zainudin, Bộ Y tế sẽ tuyên bố khi nào đất nước sẵn sàng (cho việc chuyển sang giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu) và khi đó, Cục Di trú cùng Lực lượng Hành động Trung ương (GOF) sẽ sẵn sàng cho việc mở cửa biên giới trở lại.
Hiện Malaysia vẫn duy trì lệnh cấm đi lại xuyên bang, chỉ cho phép đi lại xuyên quận và thực hiện “bong bóng du lịch” ở đảo Langkawi đối với những người đã hoàn thành tiêm chủng ngừa COVID-19.
Trong cuộc họp ngày 27/9, Chủ tịch Hội đồng Hồi phục quốc gia Malaysia Muhyiddin Yassin cho biết chính phủ dự kiến vào đầu hoặc giữa tháng 10 sẽ cho phép người dân đi lại xuyên bang.
Khi đó, tỉ lệ hoàn thành tiêm chủng ở nhóm người từ 18 tuổi trở lên đạt gần 90%. Tuy nhiên, mọi người vẫn phải tuân thủ Trình tự vận hành tiêu chuẩn (SOP).
Theo quyết định của cơ quan công quyền Malaysia, trước ngày 1/11, tất cả công chức, viên chức đều phải tiêm chủng ngừa COVID-19, nếu không sẽ bị áp dụng biện pháp chế tài.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)