Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 1/10 đã nhắc lại cam kết của Mỹ về việc tham gia tiến trình đối thoại với Triều Tiên, nhấn mạnh rằng Washington sẵn sàng thảo luận “mọi vấn đề” với Bình Nhưỡng.
Phát biểu tại một buổi họp báo, bà Psaki nêu rõ: “Chúng tôi vẫn sẵn sàng thảo luận mọi vấn đề với Triều Tiên. Chúng tôi đã đưa ra những đề xuất cụ thể về đối thoại với Triều Tiên nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời”. Thư ký báo chí Nhà Trắng cũng khẳng định Mỹ sẽ ủng hộ tiến trình đối thoại giữa hai miền Triều Tiên.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 29/9 cũng đã ra tuyên bố khẳng định nước này "không có ý định thù địch" với Triều Tiên và vẫn để ngỏ ý tưởng đối thoại sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từ chối đề xuất đối thoại vô điều kiện của Washington.
Cũng liên quan đến tình hình Triều Tiên, phiên họp khẩn chiều 1/10 tức rạng sáng 2/10 theo giờ Việt Nam, được tổ chức theo hình thức họp kín, của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã không thể đưa ra được tuyên bố chung sau khi cuộc họp kết thúc.
Phiên họp được tiến hành theo yêu cầu của Mỹ, Pháp và Anh. Pháp muốn Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa ra thông cáo chung, song vấp phải sự phản đối từ Nga và Trung Quốc, 2 quốc gia giữ ghế ủy viên thường trực khác tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, bởi cả Moscow và Bắc Kinh đều cho rằng cần có thêm thời gian để phân tích tình hình.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã 3 lần áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế hà khắc đối với Triều Tiên kể từ năm 2017, nhưng cũng kể từ đó tới nay, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc luôn không đạt được tiếng nói chung trong vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Trong diễn biến khác, ngày 1/10, các quan chức quốc phòng cấp cao của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã thảo luận một loạt vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, đồng thời cam kết hợp tác chặt chẽ để ứng phó với các mối đe dọa từ Bình Nhưỡng.
Theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, trong cuộc điện đàm 3 bên, Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Man-ki, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Ely Ratner và ông Kazuo Masuda, quan chức của Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã chia sẻ đánh giá về tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên và trong khu vực, trong đó có các vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên. Ba bên nhất trí hợp tác chặt chẽ với nhau về cách thức phản ứng những vấn đề này trong tương lai.
Trong những tuần gần đây, Triều Tiên đã liên tục phóng tên lửa, trong khi từ chối đề nghị đối thoại của Mỹ. Trước đó cùng ngày, Triều Tiên tuyên bố phóng thử tên lửa phòng không. Theo thông báo được Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải, tên lửa này do Học viện khoa học quốc phòng Triều Tiên phát triển và mục đích vụ phóng thử nhằm khẳng định tính thực tiễn trong hoạt động của bệ phóng, radar và phương tiện chỉ huy chiến đấu cũng như hiệu suất chiến đấu toàn diện của tên lửa mới.
Cùng ngày 1/10, Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong đã bác yêu cầu của Triều Tiên về việc Hàn Quốc và Mỹ phải từ bỏ “chính sách thù địch”, gọi đây là hành động “đơn phương”, đồng thời nhắc lại rằng Seoul và Washington không có chính sách như vậy đối với Bình Nhưỡng.
Trả lời câu hỏi liệu Hàn Quốc và Mỹ có đáp ứng lời kêu gọi của Triều Tiên về việc từ bỏ cái mà Bình Nhưỡng gọi là chính sách thù địch và “tiêu chuẩn kép” hay không, Ngoại trưởng Chung nói: “Tôi đánh giá rằng tuyên bố của bà Kim Yo-jong (em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un) kêu gọi ngừng áp dụng các tiêu chuẩn kép là một yêu sách đơn phương của Triều Tiên, điều chúng tôi không mong chờ. Hàn Quốc và Mỹ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng chúng tôi không có bất kỳ chính sách thù địch nào đối với Triều Tiên”.
Trong khi đó, cùng ngày, một quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết Bình Nhưỡng vẫn không trả lời các cuộc gọi của Seoul qua đường dây quân sự và liên lạc liên Triều sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đề nghị khôi phục đường dây liên lạc vào đầu tháng 10.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)