Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 2/10, thế giới đã ghi nhận 235.037.953 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 4.805.053 ca tử vong. Số người bình phục là 211.783.219 người, tuy nhiên hiện vẫn còn 88.621 ca phải điều trị tích cực.
Mỹ, Ấn Độ và Brazil là ba nước bị ảnh hưởng nhất thế giới, với số ca nhiễm lần lượt là 44.442.984 ca, 33.789.398 ca và 21.445.651 ca. Về số ca tử vong, Mỹ đứng đầu với 718.982 ca, Brazil đứng thứ hai với 597.292 ca và Ấn Độ đứng thứ ba với 448.605 ca.
Cơ quan liên bang Nga về phòng, chống bệnh lây nhiễm mới cho biết số ca nhiễm mới COVID-19 trong ngày 1/10 tại nước này tăng lên mức gần 25.000 ca, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên hơn 7,5 triệu. Đây là con số cao nhất kể từ ngày 19/7.
Nga cũng ghi nhận 887 trường hợp tử vong mới vì COVID-19, tăng so với mức 867 ca một ngày trước đó, và đây đã là ngày thứ 4 liên tiếp số ca tử vong tại Nga đạt kỷ lục mới. Các vùng có số ca nhiễm mới cao là thủ đô Moscow với gần 4.000 trường hợp, TP St-Peterburg với hơn 2.200 trường hợp, thành phố Samara với hơn 600 trường hợp.
Tại Ba Lan, Bộ trưởng Y tế nước này Adam Niedzielski cho rằng làn sóng COVID-19 thứ 4 tại quốc gia Trung Âu này dự kiến lên đến đỉnh điểm vào tháng 11 hoặc tháng 12. Bộ trưởng Niedzielski nhấn mạnh làn sóng COVID-19 thứ 4 nhiều khả năng nhất sẽ lên đến mức đỉnh điểm với 20.000 ca bệnh mới mỗi ngày vào tháng 11, song số người phải nhập viện sẽ không tăng nhanh nhờ chương trình tiêm chủng quốc gia.
Đáng chú ý, số người tự nguyện tiêm vắc xin ngừa COVID-19 ở Ba Lan hiện có xu hướng gia tăng. Việc áp dụng các biện pháp hạn chế sẽ phụ thuộc chủ yếu vào số lượng ca COVID-19 phải nhập viện. Theo số liệu của Bộ Y tế Ba Lan, quốc gia Trung Âu đã ghi nhận 1.300 ca COVID-19 mới, trong đó có 16 người tử vong.
Bộ Y tế Singapore ngày 1/10 cho biết nước này đã ghi nhận 2.909 ca mới mắc COVID-19, con số cao nhất kể từ khi bùng phát đại dịch, trong khi số ca tử vong là 8 ca mới. Số ca mới mắc COVID-19 tăng cao thời gian qua đã buộc Singapore phải trì hoãn kế hoạch mở cửa trở lại, bất chấp việc hơn 80% dân số nước này đã được tiêm vắc xin.
Trong khi đó, Chính phủ Israel đã quyết định dỡ bỏ cảnh báo đi lại với Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Bulgaria kể từ ngày 4/10. Đây là 3 quốc gia cuối cùng trong danh sách “đỏ” bị hạn chế đi lại với Israel. Những công dân Israel đã tiêm đầy đủ vắc xin hoặc phục hồi sau khi mắc COVID-19 có thể xuất cảnh tới bất cứ quốc gia nào và khi về nước không cần phải tự cách ly như thời gian trước đây.
Bộ Y tế Israel hồi tuần trước giải thích quy định những người đã được tiêm đầy đủ vắc xin tức là đã được tiêm 2 liều hoặc liều thứ 3 trong 6 tháng qua hoặc những người đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng gần nhất hay những người đã khỏi bệnh và sau đó được tiêm mũi bổ sung trong vòng 6 tháng qua.
Những người thuộc diện này khi nhập cảnh vào Israel từ các quốc gia “màu cam” sẽ được yêu cầu tự cách ly tại nơi ở trong vòng 24 giờ hoặc cho đến khi nhận được kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Công dân Israel hoặc người nước ngoài được phép nhập cảnh Israel sẽ phải xét nghiệm PCR trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay. Phiếu xét nghiệm âm tính phải được xuất trình tại sân bay. Những hành khách đã khỏi COVID-19 trong vòng 3 tháng gần đây nhất không còn phải xét nghiệm PCR, nhưng có thể xuất trình giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm dương tính (trước đó) tại sân bay.
Đáng chú ý, PCR là hình thức xét nghiệm duy nhất được chấp nhận khi nhập cảnh vào Israel, trong khi xét nghiệm nhanh kháng nguyên không được áp dụng. Ngoài ra, những người nhập cảnh cũng bắt buộc phải thực hiện thêm 1 lần xét nghiệm PCR khác tại sân bay của Israel.
Liên quan đến vấn đề vắc xin, theo báo cáo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), trước những thách thức, cơ hội và sự cần thiết, khu vực Mỹ Latin và Caribe cần phải tự sản xuất riêng vắc xin để vượt qua đại dịch COVID-19.
Sản lượng vắc xin ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm trên thế giới vẫn còn hạn chế dẫn tới việc chậm chễ trong khâu đảm bảo thời gian giao hàng theo các hợp đồng ký kết. Do vậy, theo UNESCO, phải đến năm 2022 Mỹ Latin mới có thể hoàn thành tiêm chủng cho 70% dân số.
Cũng theo báo cáo của UNESCO, trong cuộc chạy đua để có vắc xin ngừa COVID-19, Argentina, Brazil và Mexico là những nhà sản xuất một phần hoặc toàn bộ một số sinh phẩm ngừa virus SARS-CoV-2, nhưng không đủ cho nhu cầu hiện tại.
Argentina và Mexico đã ký thỏa thuận hợp tác với Oxford-AstraZeneca để xản xuất vắc xin, mục tiêu dự kiến là sản xuất 250 triệu liều để cung cấp cho khu vực. Bên cạnh đó, ngoài việc tham gia sản xuất vắc xin AstraZeneca cùng với Argentina, Mexico cũng hợp tác với Nga để sản xuất vắc xin Sputnik V, kể từ tháng 6/2021.
Đồng thời, một số quốc gia, gồm Brazil, Cuba, Mexico, Argentina, Chile và Colombia, đang nỗ lực nghiên cứu và phát triển vắc xin ngừa COVID-19 riêng. Tuy nhiên, UNESCO khuyến cáo các quốc gia trong khu vực cần chung sức, tăng cường hợp tác, chia sẻ công nghệ, chuyển giao kiến thức, thực hiện các thỏa thuận cung cấp chung, nhằm nâng cao năng lực và hình thành các liên minh để tối ưu hóa sản xuất trong khu vực bị bị đánh giá là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19.
Cũng trong ngày 1/10, công ty Biomm, một trong những doanh nghiệp hàng đầu Brazil trong lĩnh vực dược phẩm sinh học, ngày 1/10 thông báo đã đạt được thỏa thuận với hãng dược phẩm Cansino Biologics của Trung Quốc về việc nhập khẩu vắc xin ngừa COVID-19 mang tên Convidecia do tập đoàn này phát triển và bào chế.
Theo đại diện của Biomm, ngoài thỏa thuận nhập khẩu trực tiếp ký với Cansino Biologics, hãng dược phẩm của Brazil cũng lên kế hoạch sản xuất vắc xin Convidecia tại nhà máy Nova Lima ở bang Minas Gerais, miền Đông nước này.
Trong trường hợp được Cơ quan Giám sát Vệ sinh Quốc gia (Anvisa) cấp phép sử dụng, vắc xin Convidecia sẽ được triển khai tiêm chủng đại trà đồng thời với các loại vắc xin ngừa COVID-19 khác tại Brazil - như của các hãng Pfizer, AstraZeneca, Sinovac và Johnson & Johnson.
Đại diện của Biomm cũng dẫn số liệu sơ bộ cho thấy vắc xin Convidecia có hiệu quả ngừa COVID-19 lên tới 95,74%. Ngoài ra, loại vắc xin này còn giúp đơn giản hóa quy trình tiêm chủng do chỉ cần 1 mũi tiêm, trong khi phần lớn các loại vắc xin ngừa COVID-19 khác đều cần đến 2 mũi tiêm. Hiện tại, vắc xin Convidecia cũng đang được sử dụng tại các quốc gia khác trong khu vực Mỹ Latin - bao gồm Argentina, Mexico, Chile và Ecuador.
Ngày 1/10, Chính phủ Argentina cho biết Cơ quan quản lý dược phẩm, lương thực và công nghệ y học (ANMAT) đã cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp vắc xin ngừa COVID-19 của tập đoàn Sinopharm (Trung Quốc) cho việc tiêm chủng cho trẻ em từ 3 đến 11 tuổi, nhóm tuổi duy nhất chưa bắt đầu quá trình tiêm chủng tại quốc gia Nam Mỹ này.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Y tế Argentina Carla Vizzotti cho biết để có thể cấp phép sử dụng vắc xin của Sinopharm cho nhóm tuổi trên, ANMAT đã xem xét và đánh giá kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 đối với trẻ em tại Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), cũng như tham khảo kinh nghiệm của Chile trong việc triển khai tiêm chủng cho trẻ em tại nước này.
Bà Vizzotti khẳng định đây là một bước tiến quan trọng trong việc triển khai chương trình tiêm chủng đại trà. Với khoảng 5,5 đến 6 triệu trẻ em trong độ tuổi trên, hiện Argentina đã có trong kho lưu trữ gần 10 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 của Sinopharm và dự kiến sẽ tiếp nhận thêm khoảng 2,75 triệu liều nữa vào tuần tới, đủ để tiêm đầy đủ hai mũi theo phác đồ cho nhóm tuổi trên trong thời gian tới.
Liên quan đến vấn đề an toàn vắc xin, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 1/10 xác định có thể có mối liên quan giữa tình trạng huyết khối hiếm gặp trong tĩnh mạch sâu với vắc xin ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson (J&J), đồng thời khuyến cáo liệt kê tình trạng này là tác dụng phụ của vắc xin.
Bên cạnh đó, EMA cũng cho rằng cần bổ sung tình trạng giảm tiểu cầu miễn dịch (ITP) - một chứng rối loạn đông máu, do lượng tiểu cầu trong máu giảm bởi hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào tiểu cầu khỏe mạnh - là phản ứng bất lợi, với tần suất chưa xác định, trên thông tin sản phẩm vắc xin ngừa COVID-19 của J&J và của hãng AstraZeneca.
J&J cho biết nguy cơ gặp phải tình trạng này là rất thấp, song hãng sẽ cập nhật thông tin sản phẩm và sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng, trong đó có EMA.
Tuyên bố của J&J khẳng định ủng hộ mạnh mẽ việc nâng cao nhận thức về các dấu hiệu và triệu chứng hiếm gặp nhằm đảm bảo xác định nhanh chóng tác dụng phụ cũng như chữa trị hiệu quả.
Vắc xin của hãng AstraZeneca cũng từng vấp phải sự lo ngại sau khi các báo cáo về tác dụng phụ hiếm gặp nói trên xuất hiện trên toàn cầu. Tuy nhiên sau đó, vắc xin này tiếp tục được khuyến nghị nên tiêm do hiệu quả và lợi ích vượt xa nguy cơ.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)