Thứ Năm, 28/11/2024 14:49 CH
Khai mạc Hội nghị Trung Đông Annapolis
Thứ Ba, 27/11/2007 15:40 CH

50 quốc gia và các tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị nay với số lượng đông đảo nhất từ trước đến nay của các quốc gia Trung Đông.

Hôm nay (27/11), Hội nghị quốc tế Hoà bình Trung Đông (do Mỹ bảo trợ) khai mạc tại thành phố Annapolis (Mỹ) với sự tham dự của 50 quốc gia và các tổ chức quốc tế.

 

Ngay trước thềm hội nghị, chính phủ Mỹ đã đề xuất sách lược "Ba bước đồng thời" nhằm tạo chuyển biến cho tiến trình hoà bình vốn bị đình trệ nhiều năm nay. Tuy nhiên, xét trên thực tế, mục tiêu của hội nghị lần này khó có thể thành công khi các bên tham dự đều có những tính toán riêng.

 

Ngày 25/11, Syria đã quyết định tham dự Hội nghị, được đánh giá là dấu hiệu khả quan. Nói như vậy là vì thứ 7 tuần trước Syria vẫn không khẳng định nước này có tham dự hội nghị tại Annapolis hay không, bất chấp việc Mỹ tuyên bố sẽ đưa vấn đề cao nguyên Golan vào thảo luận. Do vậy, sự thay đổi thái độ của Syria, dù nước này chỉ cử đại diện ở cấp Thứ trưởng, là một “dấu hiệu thoả hiệp” giữa hai nước. Các sự kiện này cho thấy sự nhượng bộ của Mỹ để khẳng định khả năng tổ chức và uy tín của nước chủ nhà, nhưng nó cũng phản ánh nhu cầu thực tế của Syria là muốn đóng vai trò nhất định đối với vấn đề hoà bình Trung Đông.

 

Một nhà ngoại giao nhận xét: "Rõ ràng đã có một sự thoả hiệp. Mỹ muốn Syria tham dự để chứng tỏ rằng hội nghị này thu hút được tất cả các bên chủ chốt tham gia".

 

Tương tự như vậy, mối lợi ích ràng buộc lẫn nhau cũng đã hình thành ở các bên liên quan khác. Israel đến dự hội nghị Hoà bình Annapolis với tham vọng các bên công nhận sự tồn tại của Nhà nước Do Thái. Trong khi đó, Thủ tướng Israel Olmert cho biết, ông hy vọng hội nghị này sẽ cho phép các bên tham gia "các cuộc thương lượng nghiêm túc về tất cả các vấn đề để cuối cùng có thể có hai nhà nước cho hai dân tộc Palestine và Israel".

 

Về phần mình, Palestine đến dự Hội nghị với mong muốn sẽ giải quyết dứt điểm những tồn tại trong mối quan hệ với Israel, như vấn đề đường biên giới Palestine – Israel, quy chế Đông Jerusalem, quy chế về người tỵ nạn Palestine… Nói tóm lại, với đại diện của gần 50 quốc gia và các tổ chức quốc tế, trong đó có những nước A-rập chủ chốt như Arabia Saudi, Ai Cập, Syria, Hội nghị Annapolis có sự hiện diện đông đảo nhất từ trước đến nay của các quốc gia Trung Đông, và đại diện các bên liên quan khi mỗi bên đều ấp ủ những kỳ vọng lớn tại hội nghị lần này.

Xét trên thực tế, có lẽ mục tiêu xây dựng một nhà nước Palestine độc lập tồn tại song song với Nhà nước Do Thái khó có thể đạt được. Tuy có những ràng buộc lẫn nhau, nhưng lợi ích của các bên lại quá khác biệt. Sự có mặt giữa đại diện các nước luôn mâu thuẫn với Israel dự báo những tranh cãi mới về quan điểm mà Mỹ không thể hàn gắn. Thực tế cho thấy nếu so sánh với Hội nghị Hòa bình Trung Đông lần đầu tiên tại Madrid (Tây Ban Nha) năm 1991, Hội nghị Annapolis khó nhận được sự ủng hộ ngay từ đầu của các nước A-rập, bởi những “đòi hỏi chính” của các nước này để đảm bảo một hội nghị thành công đến nay vẫn chưa được đáp ứng. Các nước A-rập đã yêu cầu Israel ngừng xây dựng các khu định cư Do Thái trên phần lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine và dỡ bỏ các trạm kiểm soát, coi đây như một bằng chứng về thái độ nghiêm túc của Israel đối với các cuộc thương lượng hòa bình. Tuy nhiên, cho đến nay, những yêu sách này được Israel đáp trả bằng những hàng động hiếu chiến. Hơn nữa “dấu hiệu chẳng lành” đã xuất hiện khi các cuộc đàm phán giữa PalestineIsrael về một văn kiện chung thất bại bất chấp những nỗ lực hàn gắn hai bên của Ngoại trưởng Mỹ C.Rice.

 

Các nhà phân tích cho rằng tính toán riêng của mỗi bên khiến Hội nghị Hòa bình Trung Đông Annapolis, dù chưa bắt đầu nhưng có vẻ đang đi chệch hướng. Tổng thống Mỹ Bush mong muốn tổ chức hội nghị này như một “nước cờ” cuối cùng vớt lại uy tín trước khi từ nhiệm, với hy vọng hội nghị sẽ tạo đà cho việc thành lập một Nhà nước Palestine độc lập.

 

Về phần mình, Syria muốn ép Mỹ đưa vấn đề cao nguyên Golan vào bàn đàm phán không chỉ đòi lại quyền lợi của mình đồng thời chứng tỏ “tầm ảnh hưởng” trong khu vực. Trong khi đó, chính quyền Israel hiện nay và cá nhân Thủ tướng Olmert lại không đủ mạnh để đưa ra các quyết định then chốt nhằm giải quyết cuộc xung đột Trung Đông. Một mình Tổng thống Abbas, dù đại diện cho chính phủ hợp pháp của Palestine, cũng khó có thể giải quyết hết các vấn đề liên quan đến lợi ích của người dân Palestine… Do vậy, mục tiêu ký Hiệp định hòa bình toàn diện cho Trung Đông trước khi ông Bush kết thúc nhiệm kỳ như mong muốn của ngoại trưởng Mỹ Rice, xem ra vẫn xa vời và chưa có gì bảo đảm chắc chắn. Có lẽ kết quả duy nhất đang chờ đợi Mỹ từ hội nghị này là nó sẽ mở ra quá trình thương lượng mới về hòa bình Trung Đông sau 7 năm tê liệt.

 

Theo VOV

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek