Đúng vào dịp kỷ niệm sinh nhật thứ 40, ASEAN đã đặt một mốc lịch sử mới trong tiến trình phát triển của Hiệp hội: Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 13 với chủ đề “Một ASEAN ở trái tim của châu Á năng động” tại Singapore đã ký Hiến chương ASEAN, mở ra một thời kỳ phát triển mới, đẩy nhanh tiến trình liên kết nội khối, phấn đấu cho mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 với ba trụ cột là chính trị- an ninh, kinh tế và văn hóa- xã hội.
Lãnh đạo các quốc gia thuộc ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN 13 |
Hiến chương ASEAN đánh dấu sự ra đời của bộ quy chế có tính ràng buộc đầu tiên kể từ khi thành lập khối, góp phần đưa ASEAN trở thành một tổ chức liên chính phủ ở khu vực, có tư cách pháp nhân, hợp tác và liên kết chặt chẽ hơn, đoàn kết, thống nhất hơn. Đây là văn kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đặt ra khuôn khổ pháp lý và thể chế cho hợp tác ASEAN trong tương lai, qua đó hỗ trợ thiết thực không chỉ cho quá trình hướng tới Cộng đồng ASEAN mà còn nâng cao vị thế của Hiệp hội với các đối tác và các tiến trình khác ở khu vực hiện nay cũng như về lâu dài. Hiến chương là kết quả đúc kết các mục tiêu và nguyên tắc cơ bản của ASEAN, cũng như kết quả hoạt động và phát triển của ASEAN suốt 40 năm qua. Để Hiến chương sớm có hiệu lực và đi vào cuộc sống, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đã ký Tuyên bố khẳng định quyết tâm chính trị của các nước sớm tiến hành các thủ tục phê chuẩn.
Nhận định về sự kiện này, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã nhấn mạnh: “Các nhà lãnh đạo ASEAN đã cùng nhau tiến một bước lịch sử trong sự hội nhập và hợp tác, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của các thế hệ hiện tại cũng như tương lai ở khu vực này”. Nhiều nước trên thế giới cũng hoan nghênh việc các nhà lãnh đạo ASEAN ký Hiến chương đầu tiên, đồng thời tin tưởng rằng dưới sự dẫn dắt của Hiến chương ASEAN, toàn khối sẽ không ngừng thúc đẩy tiến trình nhất thể hóa, đóng góp lớn hơn vào sự nghiệp thúc đẩy hòa bình, phát triển của khu vực và thế giới.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thảo luận và cho ý kiến chỉ đạo về phương hướng thúc đẩy triển khai một cách hiệu quả và đồng bộ các chương trình, kế hoạch hành động hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN trên cả 3 trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế, văn hoá - xã hội, đảm bảo mục tiêu hoàn thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và phát huy được vai trò chủ đạo của ASEAN trong các cơ chế hợp tác ở Châu Á - Thái Bình Dương. Hội nghị đã thông qua Đề cương thúc đẩy triển khai xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và ký Tuyên bố về Đề cương Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Các vấn đề có tính toàn cầu như năng lượng, môi trường, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững cũng được Hội nghị tập trung thảo luận và đề ra phương hướng và biện pháp tăng cường hợp tác nội khối cũng như mở rộng hợp tác với các bên đối thoại để phòng ngừa và đối phó với thảm hoạ thiên tai do quá trình biến đổi khí hậu gây ra, tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Trên tinh thần đó, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký hai Tuyên bố và cùng với các đối tác bên ngoài ký tuyên bố về chủ đề biến đổi khí hậu, môi trường và năng lượng; Tuyên bố chung về hợp tác Đông Á và Tuyên bố chung về cấp cao kỷ niệm ASEAN - EU.
Ngoài các vấn đề hợp tác nội khối, trong các hội nghị cấp cao với các bên đối thoại và Cấp cao Đông Á lần thứ 3, các nhà lãnh đạo cũng dành nhiều thời gian thảo luận về phương hướng và biện pháp nhằm thúc đẩy và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa ASEAN với các bên đối thoại, thông qua việc đẩy nhanh và thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận về đối tác - hợp tác toàn diện, với trọng tâm là hợp tác kinh tế - thương mại và hợp tác phát triển thông qua việc ký kết các thoả thuận thiết lập khu vực mậu dịch tự do (FTA).
Trong thảo luận, các nhà lãnh đạo của các bên đối thoại đều ủng hộ những cố gắng của ASEAN trong việc xây dựng cộng đồng, thu hẹp khoảng cách phát triển và xóa đói giảm nghèo để tăng cường liên kết và hội nhập khu vực; ủng hộ vai trò chủ đạo của ASEAN trong các tiến trình hợp tác khu vực do ASEAN khởi xướng như ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF); nhất trí cần tích cực phối hợp chặt chẽ để phát huy hơn nữa vai trò tại các diễn đàn khu vực và quốc tế quan trọng khác như ASEM, APEC, Liên hợp quốc.
Trong quá trình hội nghị, với tinh thần chủ động, xây dựng và trách nhiệm, Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đã đóng góp tích cực vào các công việc trọng tâm của hội nghị và vào việc duy trì đoàn kết, thống nhất, củng cố các nguyên tắc cơ bản của ASEAN, nhất là đồng thuận và không can thiệp; tập trung thúc đẩy hợp tác trong ASEAN và giữa ASEAN với các bên đối thoại, hướng theo mục tiêu hoàn thành việc xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Chúng ta đã nêu sáng kiến tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Môi trường Đông Á vào cuối năm 2008 tại Hà Nội, khi chúng ta đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN và ASEAN + 3.
Hiến chương ASEAN là văn bản quan trọng với sự nhất trí chung của 10 nước thành viên, trong đó có sự đóng góp tích cực của Việt
Với những kết quả đạt được tại Hội nghị Cấp cao 13, ASEAN đã chứng tỏ những bước chuyển mình mạnh mẽ để thích ứng với tình hình thế giới mới, hướng tới một Đông Nam Á hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
(Theo TTXVN)