Bà Doris Lessing, nữ văn sĩ Anh, nhận được giải Nobel văn học 2007 rất muộn màng, ở tuổi 88. Cuộc đời của bà trải qua ba lục địa và một cuộc thế chiến.
|
Nhà văn đoạt giải Nobel văn chương 2007 đang ký tặng cho độc giả |
Doris May Lessing sinh ngày 22/10/1919 tại Persia (nay là Iran). Cha mẹ của bà đều là người Anh. Cha bà, đại úy Alfred Tayler, là một thương binh thế chiến thứ nhất, chỉ còn một chân. Phải nói rằng ông là người vô cùng may mắn. Bởi 10 ngày sau khi ông nằm viện để cưa chân, toàn bộ đại đội của ông đều hy sinh tại chiến trường Passchendaele, Đức. Trong thời gian chữa bệnh ở Bệnh viện Royal Free ở London, ông gặp nữ y tá Emily Maude McVeagh và ngỏ lời cầu hôn.
Bất mãn với sự thờ ơ của chính quyền Anh đối với lính trẻ chiến đấu không biết mệt mỏi ở chiến hào, ông Alfred từ bỏ nước Anh đưa vợ đến Persia. Trước khi đi lính, ông từng làm việc ở một ngân hàng Anh. Thế chiến thứ nhất chấm dứt, ông xin làm việc ở chi nhánh của ngân hàng này tại Persia. Ông trở thành giám đốc Imperial Bank of Persia của Anh ở thị trấn Kermanshah. Đó là nơi chào đời của Doris Lessing.
HAI LẦN DANG DỞ
|
Nhà văn Doris Lessing |
Năm 1925, ở Nam Rhodesia (nay là Zimbabwe), thuộc địa của Anh, những người trồng bắp giàu có rất mau. Hy vọng làm giàu ở vùng đất mới, hai vợ chồng ông Alfred mang đứa con gái 6 tuổi đến Nam Rhodesia tìm cơ hội làm giàu. Ông mua 400 ha rừng khai hoang để trồng bắp ở Banket, vùng Lomagundi. Nam Rhodesia lúc bấy giờ còn hoang sơ. Nông trường nằm xa thị trấn mấy chục cây số. Giữa các nông trường lại không có đường giao thông đàng hoàng. Bà Lessing nhớ lại: “Phần lớn tuổi thơ của tôi là sống một mình trong một phong cảnh thiếu vắng con người”. Tại đây, Doris có thêm một đứa em trai là Harry.
Ước mơ biến rừng thành nông trường bắp trù phú và cuộc sống của những thổ dân lạc hậu thành cuộc sống văn minh của vương triều Edward VII đã không biến thành sự thật. Bà Emily, vốn là một người quyết tâm rèn luyện con gái mình thành một thiếu nữ gia giáo, đã áp đặt những luật lệ và tiêu chuẩn vệ sinh hết sức khắt khe đối với các con, nhất là con gái.
Lessing được mẹ gửi vào trường con gái của tu viện dòng Đa Minh ở thành phố Salisbury (nay là thủ đô Harare của Zimbabwe). Tại đây cùng với việc học chữ, Lessing bị các bà sơ làm cho kinh hãi với những câu chuyện tội đày ở địa ngục. Các bà còn dụ dỗ bà bỏ đạo Tin lành của gia đình. Chịu không nổi, năm 13 tuổi Doris bỏ học.
Bà Lessing tự học với những cuốn sách mua từ London. Những tác giả yêu thích nhất của bà là Dickens, Scott, Kipling, Stevenson. Sau đó, bà đọc tiếp D.H.Lawrence, Dostoievski, Stendhal, Tolstoy. Những câu chuyện kể của mẹ trước khi ngủ cũng hấp dẫn bà và Harry. Chuyện của cha toàn là những ký ức buồn trong thế chiến thứ nhất. Bà đã từng viết: “Tất cả chúng tôi là con đẻ của chiến tranh. Tâm hồn chúng tôi méo mó, quằn quại cũng vì nó”.
15 tuổi, bà Lessing bắt đầu đi làm bảo mẫu. Một hôm, tên anh rể của chủ lợi dụng ban đêm chui vào giường bà làm bậy. Chính trong thời gian này, bà bắt đầu viết truyện lãng mạn bán cho các tạp chí ở Nam Phi. Bà phát hiện ra rằng viết văn mang đến cho bà cảm giác tự do hơn những người phụ nữ như mẹ bà cả đời chỉ biết chuyện chồng con.
Năm 18 tuổi, bà đến Salisbury làm điện thoại viên. Một năm sau, bà lấy Frank Wisdom, một công chức bình thường và có với ông này hai con. Cuộc hôn nhân này kết thúc năm 1943. Vài năm sau, cảm thấy bị trói buộc vào một cá tính có thể hủy hoại đời mình, bà từ bỏ gia đình lên Salisbury sống tự lập. Bà gia nhập câu lạc bộ Left Book, một tổ chức của Đảng Cộng sản bị cấm hoạt động ở Nam Rhodesia. Tại đây bà yêu Gottfried Lessing, nhân vật nòng cốt của câu lạc bộ. Hai người cưới nhau và có một đứa con chung. Nhưng cuộc hôn nhân này cũng không tồn tại được bao lâu. Năm 1949, hai người chia tay. Gottfried Lessing sau này làm đại sứ nước Cộng hòa Dân chủ Đức tại Uganda. Năm 1979, ông và người vợ thứ ba bị giết khi quân nổi loạn chống Tổng thống Idi Amin Dada làm binh biến.
Năm 1949, bà trở về London với đứa con trai út mang theo bản thảo tác phẩm đầu tiên. Năm 1950, bà cho xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay The Grass is Singing (Cỏ hát). Bối cảnh câu chuyện là Nam Rhodesia. Nhân vật chính là Mary Turner, một nhà nông da trắng sống với một người chồng bạc nhược. Mary ngoại tình với Moses, một người ở da đen và sau đó bị chính người tình này giết chết. Tác phẩm này đánh dấu cuộc đời viết văn chuyên nghiệp của bà Lessing.
TỪ TRUYỆN XÃ HỘI ĐẾN TRUYỆN KHOA HỌC VIỄN TƯỞNG
|
Một tiểu thuyết của bà Lessing |
Danh vọng không đến với bà Lessing ngay tức thì. Mãi đến năm 1962, tác phẩm The Golden Notebook (Cuốn sổ tay màu vàng) của bà mới được coi là bước đột phá quan trọng. Sự nghiệp văn chương của bà Lessing phân ra ba thời kỳ rõ rệt: Đề tài cộng sản (1944-1956) viết về các xung đột xã hội; đề tài tâm lý (1956-1969) và đề tài đạo Sufi dưới hình thức tiểu thuyết khoa học viễn tưởng với loạt truyện Canopus in Argos. Việc bà chuyển sang lĩnh vực khoa học viễn tưởng không được hoan nghênh mặc dù bà cho rằng đó là những tác phẩm quan trọng nhất của bà. Trong khi đó cuốn The Golden Notebook được một số học giả coi là tác phẩm kinh điển viết về phụ nữ thì lại bị bà phản bác.
Ngoài tiểu thuyết, bà Lessing còn viết truyện ngắn, làm thơ, viết kịch nói. Sức lực sáng tác của bà rất đáng nể. Tác phẩm mới nhất của bà mang tên The Cleft (Khe nứt) vừa xuất bản trong năm nay. Giải Nobel 2007 đến với bà hoàn toàn bất ngờ vì bà không trông mong nhận được vinh dự lớn lao này sau khi được đề cử nhiều lần nhưng không đậu.
Theo NLĐ