Thứ Tư, 02/10/2024 15:23 CH
Độc đáo văn hóa Lào
Thứ Ba, 02/10/2007 13:19 CH

Những chuyến du lịch đến Thái Lan, Campuchia, Lào... bây giờ không còn quá xa tầm tay du khách Việt Nam. Đến xứ sở hoa chăm-pa, bạn không nên bỏ qua cánh đồng chum trên cao nguyên Xiêng Khoảng; hãy thức dậy sớm ở Luông Pra-băng để xem các nhà sư khất thực trên đường, rồi thăm ngôi chùa Wat Xiêng đẹp nhất Đông Nam Á, hay vừa thả thuyền trên dòng Mekong vừa xem múa Lăm vông và sau đó lên bờ thưởng thức món xôi nếp nướng truyền thống của người Lào...

 

071002-Canh-dong-Chum1.jpg

Các cô gái Lào đứng trên một cái chum đá khổng lồ ở Xiêng Khoảng - Ảnh: wikipedia

Từ cửa khẩu Lao Bảo của Quảng Trị, du khách Việt Nam sẽ vượt cầu Hữu Nghị sang tỉnh Savannakhet của nước bạn Lào, đây cũng là quê hương của cố chủ tịch Cayxon Phonevihan. Tỉnh lỵ của tỉnh này là Savannakhet, thành phố lớn thứ 2 của Lào, sau thủ đô Viêng Chăn.

 

Savannakhet có khá nhiều những ngôi chùa mang motif đồng nhất về những hình tượng của rắn thần naga, của những mái đao cong vút, ánh vàng rực của những cánh cửa gỗ được chạm khắc tinh vi. Trong số những ngôi chùa nổi tiếng ở Savannakhet, In-hang là ngôi chùa cổ nhất, nổi tiếng nhất cả vùng Thái - Lào, với lịch sử khoảng 2000 năm. Ngôi chùa là một bảo tàng của hàng trăm pho tượng Phật xếp thành hàng thẳng tắp dọc theo bờ hành lang rực rỡ trong ánh bình minh.

 

Rời Savannakhet đến thủ đô Viêng Chăn (Vientiane), trung tâm lịch sử, văn hóa và tôn giáo của cả nước. Những di tích lịch sử của các triều đại xa xưa nay vẫn còn lại khá nhiều tiêu biểu như di sản văn hóa thế giới Tháp Luổng (Pha That Luang) với tháp chính cao 45m, đây được xem là biểu tượng của quốc gia Phật giáo Lào và là niềm tự hào của nhân dân thủ đô.

 

Trong các khách sạn ở Viêng Chăn hay ở khắp nơi trên đất Lào, bạn có thể thưởng thức điệu múa Lăm vông (Lam saravane) trong tiếng khèn dìu dặt- là thể loại phổ biến nhất của âm nhạc Lào. Điệu múa Lăm vông được những người Lào ở Thái Lan phát triển và phổ biến rộng rãi trên thế giới gọi là “mor lam sing”.

 

Khởi hành đi tỉnh Xiêng Khoảng (Xieng Khouang), tỉnh có nhiều núi non lớp lớp trùng điệp nhất miền Thượng Lào, nơi có cao nguyên nổi tiếng Mường Phuôn rộng mênh mông, một phần của cao nguyên được gọi là cánh đồng Chum. Hàng trăm chum đá lớn nhỏ nằm rải rác, nhiều nhất ở Bản Ang nơi tập trung khoảng 270 chum đá, chum lớn cao đến 2,5m, rộng 1,5m, nặng hàng chục tấn… Các nhà khảo cổ tin rằng các chum này có niên đại 1500 đến 2000 năm được những người thuộc nhóm Mon-Khmer mà nền văn hóa ngày nay không được người ta hiểu biết thấu đáo. Ngày nay, Cánh đồng chum là một trong những địa điểm khảo cổ nguy hiểm nhất thế giới, vì vẫn còn những quả bom chưa nổ sót lại sau khi không quân Mỹ đã rải bom dày đặc khu vực này thời chiến tranh.

 

Cố đô Luông Phra- băng (Louang Prabang) của Lào đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Nơi đây, bạn hãy thức dậy sớm vào buổi sáng để xem các nhà sư khất thực trên đường, một nét văn hóa độc đáo của người Lào. Sau đó, tham quan Cung Điện Hoàng Gia hiện nay là Bảo tàng quốc gia Lào (người Pháp xây dựng vào năm 1904 dành cho nhà vua Sisavang Vong và hoàng tộc), chùa Wat Mai (1821), chùa Phu Si (nằm ở đỉnh đồi nhìn xuống toàn cảnh cố đô), chùa Wat Xieng (1879) là ngôi chùa đẹp nhất ở Đông Nam Á. Bạn hãy thả thuyền dạo trên dòng Mekong để ngắm cảnh và chụp ảnh đời sống của người dân ở dọc ven sông.

 

Ẩm thực cũng là nét đặc sắc trong văn hoá Lào. Ẩm thực Lào khá đặc biệt với 3 vị chính là: cay, chua, ngọt. Chỉ riêng ớt có hàng chục món: từ ớt chiên giòn, ớt muối chua, ớt sa tế, ớt hầm, ớt luộc … Người Lào đặc biệt thích ăn nướng, từ thịt, cá, cơm đến cả rau củ và gia vị. Họ có thói quen luôn chừa lại một ít thức ăn trong đĩa và không ngồi ăn khi khách đã đứng dậy.

 

Xôi nếp là món ăn truyền thống rất được ưa thích. Xôi nếp của Lào thường đựng trong ống nứa, cho nước suối vào và nướng nguyên cái ống trên bếp than hồng. Khi cây nứa vừa cháy xém, cũng là lúc xôi cạn nước. Người nấu xôi sẽ gọt lớp vỏ nứa bên ngoài ra, chỉ để lại phần vỏ lụa ôm khít cục xôi nếp tròn trịa, dài dài, thơm thơm mùi lá rừng, để người ăn tự bốc lấy. Thức ăn chung với xôi nếp thường là gà nướng hay cá suối kho lạt với riềng và đọt bầu, đọt bí luộc sơ. Xôi nếp cũng có thể ăn với mắm Cheo gồm da trâu, ớt nướng, tỏi nướng, riềng nướng, đường cùng nhiều gia vị thảo mộc trộn lẫn. Hoặc mắm Muok gồm lòng cá trộn ớt, sả, củ hành… nướng. Món Tam Maak Hung còn gọi là nộm chay gồm dưa muối, đu đủ, đậu đũa, cà dĩa… cùng hàng chục gia vị ăn rất lạ miệng. Các món Lap, Mok… được chế biến rất công phu.

 

Thức uống của Lào có LauLao, Fanthong (gần giống với rượu cần), NaamSa (trà pha nhạt), cà phê… Đặc biệt là món dừa nướng. Dừa để nguyên trái nướng vừa phải, lột vỏ rồi ướp lạnh. Nước dừa có vị ngọt và thơm rất lạ, cơm dừa dẻo ăn rất ngon…

 

Nền văn hóa độc đáo và giàu bản sắc hình thành nên đất nước, con người Lào bình yên và giản dị đến lạ.

 

KHÁNH NGỌC (tổng hợp)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek