Thứ Bảy, 05/10/2024 08:30 SA
Di dân châu á thành đạt trên đất Mỹ
Thứ Bảy, 11/08/2007 07:10 SA

Người di cư châu Á, bất kể là người Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ hay Thái Lan, đều được coi là những người chăm chỉ và thành đạt. Họ đã học tập tốt và sau đó chuyển sang đảm nhiệm những công việc chuyên môn, thông thường là trong các lĩnh vực kỹ thuật. Họ được xem là những ví dụ về sự hội nhập, đối lập với những vấn đề xã hội và kinh tế mà các nhóm người da đen và dân châu Mỹ Latin gặp phải.

 

070811-AWIB.jpg

Bà Bonnie Wong, Chủ tịch Hiệp hội nữ doanh nhân châu Á tại Mỹ (thứ 2 từ trái sang) trong một Talk-show của Đài phát thanh châu Á tại Mỹ (AAV – Asian America Voice) – Ảnh: asianamerica.com

 

Theo số liệu điều tra dân số của Mỹ năm 2005, thu nhập của một hộ gia đình trung lưu gốc Á gần gấp đôi các gia đình người da đen và cao hơn so với đáng kể các hộ gia đình da trắng. Người châu Á cũng có nhiều khả năng học tới bậc cao đẳng hơn và cơ hội nhận được công việc chuyên môn và quản lý cũng cao hơn.

 

Henry Tang, một cựu giám đốc ngân hàng đầu tư và là người sáng lập “Uỷ ban 100”, một tổ chức nổi tiếng của người Mỹ gốc Trung Quốc, nói: “Một điều rất quan trọng đối với người châu Á là họ học tập theo định hướng nghề nghiệp. Trọng tâm của việc học là làm một điều gì đó có ích trong cuộc đời sau này hơn là nghiên cứu chỉ để nghiên cứu”.

 

Howard Winant, trưởng dự án nghiên cứu chủng tộc mới tại đại học California Santa Barbara nhận định: “Một trong những thành công của người châu Á là họ đã được mệnh danh như những người Do Thái mới”.

 

Một ví dụ điển hình về sự thành công của dân di cư châu Á là Shashi Anand, gốc Ấn Độ. Năm 1975, “bà” goá trẻ 25 tuổi cùng 2 cô con gái đã tới Mỹ chỉ với số vốn liếng vẻn vẹn 80 USD và tấm bằng trung học. Nhưng cuộc đời Anand đã từ giẻ rách biến thành giàu có khi cô đang điều hành một công ty thời trang dành cho trẻ em có tên Simonia Fashions với doanh thu hàng năm vào khoảng 18-20 triệu USD. Anand cho rằng thành công của người châu Á rõ ràng mang tính chất văn hoá. Cô nói: “Nếu xuất thân từ một gia đình châu Á, bạn nghĩ sẽ gửi về nhà 50 USD nếu kiếm được gấp 4 lần số đó. Khi đi ăn tại nhà hàng, bạn sẽ ăn những món giá cả hợp lý hơn và dành tiền gửi về nhà. Bạn phải làm việc chăm chỉ để tiết kiệm tiền và có cuộc sống tốt hơn. Còn người da trắng luôn luôn túng quẫn trong những ngày cuối tuần”.

 

Seong Ohm, gốc Hàn Quốc, tới Mỹ năm 1975 khi lên 11 tuổi. Cha cô là một kỹ sư làm việc trong quân đội Hàn Quốc. Seong Ohm du học tại New York ngành thần kinh học nhưng lại ham thích kinh doanh nên đã lấy bằng MBA. Kể từ đó, cô làm việc cho một số công ty lớn của Mỹ như GE và AT&T. Seong Ohm hiện là phó chủ tịch Sam’s Club, một chuỗi cửa hàng thành viên của Wal-Mart. Cô cho rằng người châu Á giờ đây thành đạt hơn rất nhiều so với khi cô bắt đầu lập nghiệp 21 năm về trước.

 

Sự thành công đang lên của các nền kinh tế châu Á đã hỗ trợ cho dân di cư. Seong nhận thấy lai lịch Hàn Quốc đã giúp cô trong các mối quan hệ với các nhà cung cấp châu Á khác. Tuy nhiên, Seong cũng cho rằng người châu Á còn một chặng đường dài để được tham gia đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp của Mỹ. Theo số liệu gần đây từ “Uỷ ban 100”, năm 2006, chỉ 1,5% số ghế trong ban lãnh đạo của 500 công ty hàng đầu thế giới do tạp chí Fortune xếp hạng là do người châu Á đảm nhận, tăng 50% kể từ năm 2004, trong khi dân di cư châu Á chiếm 4,3% dân số Mỹ.

 

(Theo Financial Times, DTO)

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek