Thứ Năm, 10/10/2024 05:13 SA
Tăng cường quan hệ hợp tác Việt Nam - Trung Ðông - châu Phi
Thứ Năm, 26/04/2007 16:30 CH

Quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các nước Trung Ðông - châu Phi đã có từ lâu. Những năm gần đây, quan hệ hợp tác kinh tế giữa nước ta với các nước khu vực nói trên có những bước phát triển mới.

 

Quan hệ hợp tác kinh tế giữa nước ta với các nước Trung Đông, châu Phi có những bước phát triển mới, nhất là từ sau cuộc Hội thảo "Cơ hội hợp tác và phát triển Việt Nam - châu Phi đầu thế kỷ 21" tổ chức tại Hà Nội tháng 5-2003 và nước ta chủ trương thực hiện "Chương trình hành động quốc gia thúc đẩy hợp tác Việt Nam - châu Phi giai đoạn 2004 - 2010".

 

Hội nghị toàn quốc "Thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Trung Ðông - châu Phi" ngày 25/4 tại Hà Nội nhằm đẩy mạnh thêm một bước việc thực hiện chương trình đó.

 

TIỀM NĂNG VÀ VỊ TRÍ

 

Trung Ðông - châu Phi chiếm một khu vực rộng lớn trên thế giới, gồm 72 nước và vùng lãnh thổ, diện tích 39 triệu km2, số dân hơn một tỷ người. Ðây là khu vực rất giàu tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt về dầu mỏ, khí đốt và các loại nguyên liệu quý hiếm, trong đó Trung Ðông chiếm 68% trữ lượng dầu mỏ thế giới (khoảng 724 tỷ thùng) và cung cấp hơn 50% nhu cầu dầu mỏ cho Mỹ, 90% cho Nhật Bản, 36% cho EU, 45% cho Trung Quốc; Nigeria ở châu Phi là một trong tám nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, mỗi ngày sản xuất 2,5 triệu thùng, cung cấp 5% nhu cầu cho Mỹ.

 

Châu Phi có 17 loại khoáng sản có trữ lượng đứng đầu thế giới: kim cương (50%), cô-ban (70%), vàng (67%), crôm (97%), măng-gan (50%) và urani (56%), ngoài ra còn đồng (14%), dầu mỏ (20%)...

 

Trung Ðông và châu Phi có vị trí hết sức quan trọng về địa-chiến lược và địa-chính trị. Trung Ðông là ngã ba giữa châu Á - châu Âu - châu Phi, có kênh Suez nối liền Ðịa Trung Hải với Ấn Ðộ Dương, là con đường hàng hải ngắn nhất từ Ðông sang Tây.

 

Châu Phi là lục địa lớn thứ hai trên thế giới sau châu Á, là địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng và lợi ích chiến lược của các nước lớn và là châu lục có số ghế thành viên LHQ đông nhất. Cũng như Trung Ðông, châu Phi là nơi tập trung nhiều các mâu thuẫn và xung đột nóng trên thế giới. Trong bối cảnh thế giới hiện nay, Trung Ðông và châu Phi ngày càng chiếm ưu tiên cao trong tính toán chiến lược của tất cả các nước. Xây dựng quan hệ hợp tác nhiều mặt cùng có lợi với các nước khu vực Trung Ðông - châu Phi không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn góp phần ngăn ngừa và xử lý khủng hoảng an ninh trong quan hệ đối ngoại của tất cả các nước, trong đó có Việt Nam.

 

MỘT NỀN KINH TẾ KHỞI SẮC

 

Sau chiến tranh lạnh, các cuộc xung đột và nội chiến ở Trung Ðông - châu Phi dần dần đi vào giải pháp, các nước ngày càng coi trọng việc tập trung thực hiện cải cách chính trị và kinh tế, phát triển kinh tế thị trường và đẩy mạnh liên kết khu vực và quốc tế. Nỗ lực của các nước và sự hỗ trợ của quốc tế đã mang lại những bước tiến mới cho nền kinh tế khu vực.

 

Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của châu Phi đạt hơn 5%. Tại Trung Ðông, trừ một số nước do khủng hoảng kéo dài, còn phần lớn các nước vùng Vịnh đều đạt tốc độ tăng trưởng cao, có nguồn vốn dư thừa lớn, như các nước vùng Vịnh hiện dư thừa từ 800 đến 1.000 tỷ USD do giá dầu lửa tăng cao.

 

Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các nước trong khu vực ở trong tình trạng khan hiếm hàng hóa và lương thực, thực phẩm trong khi nguyên liệu dồi dào, đất đai phì nhiêu. Mỗi năm, các nước châu Phi phải nhập khẩu tới hơn 71% hàng công nghiệp, các nước Tây Phi phải nhập 75% số nhu cầu về gạo. Châu Phi thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ lao động kỹ thuật và thiếu nhiều chuyên gia như giáo viên, kỹ sư, bác sĩ, v.v.

 

Vì vậy, khu vực Trung Ðông - châu Phi đang là thị trường hấp dẫn cho các hoạt động thương mại, hợp tác đầu tư, xuất khẩu lao động và hợp tác chuyên gia, thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nước lớn. Mỹ, EU, Pháp, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, v.v. đều đang có chính sách và biện pháp nhằm chạy đua mở rộng ảnh hưởng của mình vào khu vực này như liên tục tăng viện trợ, tuyên bố xóa nợ, ban hành đạo luật cho các nước châu Phi hưởng ưu đãi thuế quan tại thị trường Mỹ và châu Âu.

 

SỰ HỢP TÁC TỐT ĐẸP

 

Với sự đồng cảm và tương đồng lịch sử, trong hơn nửa thế kỷ qua, nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước khu vực châu Phi - Trung Ðông luôn luôn gắn bó với nhau, dành cho nhau sự ủng hộ to lớn và tinh thần sẵn sàng hợp tác.

 

Cho tới nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với tất cả 16 nước ở Trung Ðông và với 48/54 nước ở châu Phi, ký gần 100 hiệp định hợp tác ở cấp Chính phủ với 14 nước khu vực Trung Ðông và 28 nước ở châu Phi, đồng thời đẩy mạnh việc trao đổi đoàn thăm lẫn nhau, nhất là các đoàn cấp cao.

 

Việt Nam đã tham gia nhiều diễn đàn đa phương quan trọng như Diễn đàn "Ðối thoại châu Á - Trung Ðông" (AMED), Diễn đàn "Ðối tác chiến lược mới Á - Phi" và những diễn đàn khác. Kim ngạch buôn bán hai chiều Việt Nam - châu Phi không ngừng tăng, từ 360 triệu USD năm 2003 lên 918 triệu USD năm 2005 và một tỷ USD năm 2006.

 

Kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Ðông cũng tăng từ 138 triệu USD năm 2001 lên một tỷ USD năm 2006. Việc xuất khẩu lao động và hợp tác chuyên gia của Việt Nam với nhiều đối tác trong khu vực đã khôi phục.

 

Việt Nam đã đưa gần mười nghìn lao động sang Libya và các nước vùng Vịnh, cử chuyên gia tới Senegan, Angola, Mozambique và một số nước khác trong khuôn khổ hợp tác ba bên (với một bên thứ ba là LHQ hoặc một nước tài trợ).

 

Quỹ Kuwait cho Việt Nam vay các khoản tín dụng trị giá gần 100 triệu USD, tập đoàn cảng Dubai ký cam kết đầu tư xây dựng cảng Hợp Phước với số vốn 230 triệu USD, cầu dây văng Cửa Ðại trị giá 300 triệu USD, tập đoàn SAMA Dubai của các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất đã ký xây dựng khu nghỉ mát Hội An trị giá 700 triệu USD, và nhiều nước khác đang thăm dò khả năng đầu tư vào một số lĩnh vực như ngân hàng, tài chính, bưu chính viễn thông.

 

Trong khi đó, Petro Việt Nam đã đầu tư khai thác dầu khí ở Algeria trị giá hơn 200 triệu USD và tiến hành đàm phán để triển khai hợp tác về dầu khí với Nigeria, Madagascar. Năm 2006, Tổng công ty tàu thủy Việt Nam Vinashin ký được hợp đồng đóng tàu trị giá hơn một tỷ USD với I-xra-en.

 

Nhìn chung, có những bước tiến bộ trong quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Ðông - châu Phi song điều đó chưa tương xứng với tiềm năng của cả hai phía vì tỷ trọng trong kim ngạch xuất khẩu của cả hai bên còn quá thấp, hợp tác về đầu tư, du lịch, lao động xuất khẩu còn rất hạn chế, trong khi A-rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất và Qatar mỗi nước có nhu cầu tiếp nhận từ 50 đến 100 nghìn lao động Việt Nam trong vài năm tới.

 

Nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Trung Ðông - châu Phi, phương châm chủ đạo là cần lựa chọn lĩnh vực và đối tác trọng điểm làm khâu đột phá để hợp tác mang lại hiệu quả thiết thực, qua đó mở rộng ra các lĩnh vực khác. Về phương hướng, Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực hợp tác kinh tế, đầu tư, trao đổi thương mại, xuất khẩu lao động và hợp tác chuyên gia, hợp tác trên lĩnh vực du lịch, khoa học kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, văn hóa và thể dục thể thao.

 

Với vị trí địa-chiến lược quan trọng và một nền kinh tế đang phát triển năng động, Việt Nam ngày càng thu hút sự quan tâm của các nước Trung Ðông và châu Phi. Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, nhiều nước vùng Vịnh như Qatar, Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất, A-rập Xê-út và các nước châu Phi rất quan tâm triển vọng đầu tư vào Việt Nam và hợp tác với Việt Nam.

 

Vị thế của Việt Nam đã tăng lên đáng kể, sức phát triển của Việt Nam cũng tăng lên, khiến các nước trên đều muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam. Năm 2007 là thời điểm và cơ hội thuận lợi để đưa quan hệ Việt Nam với các nước Trung Ðông - châu Phi đi vào chiều sâu, phục vụ thiết thực lợi ích của nhân dân ta, đồng thời tăng cường mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa nhân dân ta với các nước bè bạn trên thế giới.

 

Theo NDO

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek