Thứ Năm, 10/10/2024 07:26 SA
Chính trường Thái Lan có nguy cơ tê liệt
Thứ Hai, 23/04/2007 15:00 CH

Một số nhà phân tích vừa lên tiếng cảnh báo chính trường Thái Lan đang đối mặt với nguy cơ bị tê liệt do những khủng hoảng mới có thể xảy ra trước thềm cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào cuối năm nay. Nhà phân tích chính trị Panitan Wattanayagorn cho biết: “Chính trường Thái Lan đang ở vào thời điểm chuyển tiếp.

070423- Thai Lan.jpg

Thủ tướng Surayud Chulanont (phải) và giới lãnh đạo quân sự Thái Lan có thể sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức sắp tới Ảnh: REUTERS

Tình hình chính trị trong vài tháng tới là rất mong manh và bất ổn”. Hai nguy cơ chính có thể dẫn đến tình trạng trên, theo ông Panitan, là số phận chưa rõ ràng của hai đảng phái lớn nhất nước và bản dự thảo hiến pháp mới.

Tòa án Hiến pháp dự kiến sẽ phán quyết về những cáo buộc gian lận bầu cử đối với Đảng Thai Rak Thai của ông Thaksin Shinawatra, người bị quân đội lật đổ năm ngoái, và Đảng Dân chủ đối lập vào ngày 30/5 tới. Nếu bị kết tội, hai đảng này sẽ bị giải tán, đồng thời những lãnh đạo đảng bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm. Điều này có nghĩa là những đảng này sẽ không thể tham gia các cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 12 như cam kết của giới lãnh đạo quân sự. Ông Michael Nelson, giảng viên chính trị tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, cho rằng nếu cuộc bầu cử vẫn diễn ra sau khi hai đảng trên bị giải tán, Thái Lan có thể được lãnh đạo bởi những đảng nhỏ. Khi đó, theo ông Nelson, chính trường Thái Lan có thể rơi vào tình cảnh “trống vắng” vì “lấy đâu ra người tài để đảm nhận các vị trí trong nội các”

Một cuộc khủng hoảng khác có thể đến từ bản dự thảo hiến pháp mới vừa được công bố vào tuần rồi. Nhiều nhà hoạt động đang kêu gọi bác bỏ nó vì cho rằng giới quân sự muốn hạn chế vai trò của cử tri, chẳng hạn như điều khoản thượng nghị sĩ là người được bổ nhiệm, không phải được bầu cử. Vì thế, ông Panitan cho rằng cuộc trưng cầu dân ý về bản hiến pháp mới vào tháng 9 tới có thể quyết định số phận của chính phủ lâm thời. Nếu bản hiến pháp bị người dân bác bỏ, Thủ tướng Surayud Chulanont có thể phải từ chức.

Khi đó, theo ông Panitan, giới lãnh đạo quân sự có thể chọn và chỉnh sửa một trong những bản hiến pháp cũ và buộc thực thi nó mà không cần thông qua trưng cầu dân ý. Ngoài ra, bầu cử mới có thể cũng sẽ bị trì hoãn. Ông Ukrist Pathmanand, một giảng viên khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn, lo ngại: “Chúng ta có thể sẽ chứng kiến tình hình chính trị lộn xộn nghiêm trọng cũng như cuộc đối đầu mạnh mẽ giữa những nhóm ủng hộ và chống đối giới lãnh đạo quân sự.”

Theo NLĐ

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek