Thứ Năm, 10/10/2024 09:24 SA
Hôm nay, 22/4, bầu cử tổng thống Pháp:
Thăm dò dư luận: Chính xác cỡ nào?
Chủ Nhật, 22/04/2007 14:30 CH

Như thường lệ, gần đến ngày bầu cử tổng thống Pháp, những cuộc thăm dò dư luận được tổ chức rầm rộ kiểu “kỳ sau nhiều hơn kỳ trước”. Bầu cử tổng thống (TT) năm 2002 có tất cả 193 cuộc thăm dò dư luận. Năm nay, tính đến cuối tháng 3, đã có đến 250 kết quả thăm dò dư luận được công bố. Lượng tăng nhưng chất hình như không được cải thiện tương xứng.

 

070422- doi thu.jpg

Sarkozy và Royal: Kỳ phùng địch thủ

Sáu ngày trước bầu cử, kết quả hai cuộc thăm dò (của CSA-Cisco và LH2) công bố hôm 16/4 cho thấy ông Nicolas Sarkozy thuộc Đảng UMP cầm quyền và bà Ségolène Royal của Đảng Xã hội, ngang cơ (50-50%) với nhau trong vòng hai. Đây là lần đầu tiên bà Royal đuổi kịp ông Sarkozy kể từ một tháng qua và hai cuộc thăm dò cho cùng một kết quả.

Tuy nhiên ở vòng một, theo cuộc thăm dò của CSA, ông Sarkozy vẫn dẫn đầu với 27% và bà Royal được 25%, trong khi ông Bayrou chỉ có 19% và ông Le Pen (Đảng Mặt trận Dân tộc (FN) cực hữu) 15,5%. Cuộc thăm dò của TNS-Sofres – theo đơn đặt hàng của báo Le Figaro, đài RTL và LCI - thực hiện trong hai ngày 11 và 12/4 cũng cho kết quả gần giống : 30% cho ông Sarkozy, 26% cho bà Royal và 17% cho ông Bayrou.

18 triệu cử tri, một ẩn số lớn

Có một hiện tượng đáng chú ý là số cử tri chưa biết bầu cho ai năm nay lớn hơn tất cả mọi lần bầu cử trước đây. Người ta ước tính cứ 5 người thì có đến 2 (40%) thuộc số này, tương đương với 18 triệu cử tri. Một con số khá lớn có thể làm đảo lộn mọi kết quả thăm dò dư luận. Trong cuộc bầu cử TT Pháp 2002, chính lực lượng cử tri thầm lặng này đã làm bẽ mặt các viện thăm dò dư luận nổi tiếng nhất của Pháp.

Năm ấy tất cả các cuộc thăm dò đều phản ánh sai vị trí của Jean-Marie Le Pen, ứng viên Đảng FN cực hữu. Sự kiện Le Pen được vào vòng hai cạnh tranh với ông Jaques Chirac là một quả bom tấn làm chấn động nước Pháp. Năm nay cũng không có cuộc thăm dò dư luận nào cho thấy Le Pen có cửa vào vòng hai nhưng mới đây ông này tiên đoán sẽ lập lại thành tích cũ.

Như vậy, có thể đặt bao nhiêu lòng tin vào những kết quả nói trên? Theo tuần báo L’Express, năm nay người dân Pháp tỏ ra dè dặt hơn bao giờ hết. Kinh nghiệm những năm trước chứng minh rằng những cuộc thăm dò dư luận không làm nên kết quả bầu cử. Chúng chỉ là công cụ dùng để “chụp ảnh” dư luận vào một thời điểm nhất định. Hơn thế nữa người ta còn “chỉnh sửa” tấm ảnh đó với mục đích càng sát sự thật càng tốt nhưng cũng không loại trừ những trường hợp bóp méo thông tin như ví dụ dưới đây.

Theo tuần báo Le Nouvel Observateur, cơ quan mật vụ RG, trực thuộc Tổng cục Cảnh sát quốc gia Pháp, đã âm thầm thực hiện một cuộc điều tra 15.000 cử tri với ý đồ làm nhiễu thông tin. Tờ báo cho biết thêm RG đang có trong tay kết quả một cuộc điều tra mang tên Mercure (thủy ngân), theo đó ứng viên Royal bị loại khỏi vòng một (!).

Vòng hai sẽ là cuộc chạy đua giữa ứng viên số một Sarkozy (được 26% người ủng hộ) với hai ứng viên Bayrou ( 19%) hoặc Le Pen (19%) mà kết quả ai cũng biết Sarkozy sẽ thắng áp đảo. Tuy nhiên, kết quả cuộc điều tra này không được công bố vì sợ bị phản phé: bị sốc, cử tri cánh tả sẽ dồn phiếu cho bà Royal, đe dọa vị thế của Sarkozy.

RG phủ nhận nguồn tin trên của tờ Le Nouvel Observateur nhưng ban biên tập tờ báo khẳng định là có bởi nó được một cộng tác viên của báo đang công tác ở bộ nội vụ cung cấp. RG khẳng định rằng họ đã ngưng chuyện tiên đoán kết quả bầu cử từ ngày 15-7-2004 vì trái luật. Vậy thì tại sao có tin giật gân này? Theo RG, Đảng Xã hội đã tung tin đồn thổi này để hạ uy tín của ông Sarkozy (nguyên là bộ trưởng Bộ Nội vụ), có lợi cho bà Royal.

Nói một đằng làm một nẻo

Nhiều cử tri nói chung có tâm lý không muốn nói thật mình sẽ bầu cho ai khi được hỏi ý kiến. Roland Cayrol, giám đốc nghiên cứu ở Trung tâm Nghiên cứu chính trị của Trường Science Po và cộng tác viên của viện thăm dò dư luận CSA, giải thích hiện tượng này như sau:

Một số cử tri có ý định không đi bầu nhưng không bao giờ nói ra điều này vì đi bầu là một nghĩa vụ công dân. Một số khác có ý định bầu phiếu cho Đảng cực hữu FN nhưng lại trả lời sẽ bỏ phiếu cho Đảng UMP cầm quyền vì không muốn người khác biết khuynh hướng chính trị thật của mình. Cuối cùng những người chưa biết bầu cho ai lại nói sẽ bầu cho Đảng Xanh vì nói như thế “vô thưởng vô phạt”. Như thế, đã có một sự “đánh giá thừa” Đảng UMP và Đảng Xanh và “đánh giá thiếu” Đảng FN. Bởi vậy, những cuộc thăm dò dư luận không phản ánh đúng 100% thực tế ai sẽ bầu cho ai. Xác suất bao giờ cũng dao động trên dưới 2% - 3%.

Vậy thì các viện sẽ xử lý những thông tin trên như thế nào cho sát thực tế hơn? Vẫn theo chuyên gia Roland Cayrol, chuyên gia các viện dùng kỹ thuật gọi là tái hiện lịch sử. Những người được hỏi là những người đã từng trả lời trong các kỳ bầu cử năm 2002. Những câu trả lời hôm nay được so sánh với câu trả lời ở kỳ bầu cử trước. Từ đó họ cân nhắc kỹ để giảm thiểu sự cách biệt giữa những lời tuyên bố và thực tế. Tuy nhiên, kỹ thuật này kém hiệu quả vì có nhiều người đã quên lần trước bầu mình cho ai. Cho nên, ngoài kỹ thuật nêu trên, các chuyên gia dùng thêm chỉ số xác suất bầu phiếu cho ứng viên nào đó.

Với những nội tình như thế, không lạ gì người Pháp nghi ngờ tính trung thực một số viện thăm dò ý kiến. Câu chuyện sau đây đã được ông giám đốc một viện thăm dò ý kiến kể lại trên tờ L’Express: “Tôi đi taxi. Trò chuyện qua lại, sau khi biết tôi làm nghề thăm dò dư luận, bác tài nói liền: “À, thì ra ông là nhà đạo diễn những con số”.

Châu Âu thích Pháp có nữ tổng thống

 

Nhân dân của bốn thành viên lớn nhất của Liên hiệp châu Âu muốn bà Ségolène Royal lên làm tổng thống (TT) Pháp. Đó là các nước Đức, Anh, Ý và Tây Ban Nha. Viện thăm dò dư luận Harris đã được báo Financial Times đặt hàng làm một cuộc điều tra dư luận ở bốn nước này từ ngày 28-3 đến 12-4 về cuộc bầu cử TT ở Pháp.

 

Harris đã hỏi 5.526 người đại diện cho dân chúng bốn nước vừa kể. Kết quả cuộc điều tra mang tính thăm dò dư luận đăng trên tờ Financial Times số ra ngày 16-4-2007 với kết quả như sau:

 

16% những người được hỏi nói bà Royal , ứng viên Đảng Xã hội, sẽ là một TT tốt nhất cho nước Pháp. Trong khi đó 7% chọn ông Nicolas Sarkozy, ứng viên Đảng UMP cầm quyền.

 

Tuy nhiên, một cuộc điều tra tương tự thực hiện ở Pháp cho thấy ông Sarkozy chiếm được nhiều cảm tình cử tri hơn với 23% nhưng bà Royal cũng chỉ thua sít sao 1% với 22%.

 

Tây Ban Nha và Ý là hai nước có số dân ủng hộ bà Royal mạnh nhất. Người ta giải thích vì họ đang có một chính quyền thiên tả tại quê nhà mình. Tại Tây Ban Nha, thủ tướng Jose Luis Rodriguez Zapatero là người ủng hộ bà Royal nhiệt tình nhất. Theo ông, việc bà đắc cử sẽ là một điều tốt lành cho cả châu Âu.

Theo Nguyễn Cao- NLĐ

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek