Thứ Năm, 10/10/2024 17:23 CH
Thái Lan: thông qua 5 vấn đề lớn của hiến pháp mới
Thứ Năm, 12/04/2007 09:30 SA

Phong trào đấu tranh dân chủ ở Thái Lan đã có những thắng lợi nhất định nhằm gạt bỏ ý định tăng cường can dự vào chính quyền của lực lượng quân sự.

Ngày 10-4, Ủy ban soạn thảo hiến pháp Thái Lan (CDC) đã bỏ phiếu quyết định năm vấn đề lớn của hiến pháp mới, trong đó có vấn đề lựa chọn thủ tướng, qui mô hạ viện và cách thức thành lập thượng viện.

070412- Thai Lan.jpg
Kiểm tra an ninh tại nhà ga xe lửa ở Bangkok ngày 10-4 - Ảnh: Reuters

Theo kết quả bỏ phiếu, CDC thống nhất thủ tướng phải là một thành viên của hạ viện được lựa chọn qua bầu cử (Hội đồng an ninh quốc gia - CNS - từng tìm mọi cách gây sức ép để có điều khoản thủ tướng thông qua chỉ định, mở đường cho sự can thiệp của giới quân sự). CDC cũng đồng ý giảm số lượng nghị sĩ từ 500 xuống 400 người, trong đó 320 đại biểu sẽ được bầu từ các khu vực bầu cử và 80 đại biểu còn lại sẽ từ danh sách của các đảng. Ngoài ra, CDC cũng đồng ý hạ thấp chuẩn để cho phép các đảng nhỏ cũng có thể tham gia quốc hội.

Một vấn đề gây tranh cãi khác là việc thượng viện gồm 160 thành viên (giảm 40 người) sẽ được thành lập do chỉ định chứ không qua bầu cử. Một ủy ban gồm bảy người sẽ được thành lập để lựa chọn các thành viên thượng viện. Trong ủy ban này sẽ có chủ tịch Tòa án hiến pháp, chủ tịch văn phòng tổng kiểm toán, chủ tịch ủy ban bầu cử, đại diện từ các cơ quan độc lập. Tuy vậy, việc tước quyền luận tội thủ tướng và quyền chỉ định người đứng đầu các cơ quan độc lập cũng đã gạt bỏ phần lớn quyền lực của thượng viện nước này.

Ủy ban soạn thảo hiến pháp cũng thông qua việc thành lập ủy ban các vấn đề khủng hoảng nhằm giải quyết các bế tắc chính trị ở Thái Lan. Ủy ban 11 thành viên này sẽ bao gồm người đứng đầu các tòa án, người đứng đầu đảng đối lập và chủ tịch các tổ chức độc lập. Ngoài ra, để tránh tình trạng lạm quyền, con cái các chính trị gia Thái Lan bị cấm không được làm người ủy quyền cho bố mẹ mình hoặc sở hữu, điều hành các công ty của bố mẹ. Nếu có cổ phần ở các công ty đó, con cái các chính trị gia phải chuyển cổ phần đó cho người thứ ba.

Dự kiến bản dự thảo đầu tiên sẽ được hoàn tất trong ngày 19-4. Sau đó CDC sẽ gửi đề xuất đến 100 thành viên của Hội đồng viết hiến pháp (CDA) và đón nhận góp ý từ phía người dân.

Những vấn đề trên chỉ là những điểm gây tranh cãi nhất đã được CDC bỏ phiếu thông qua. Cho đến nay mọi người vẫn chưa được tiếp cận với bản dự thảo hiến pháp chính thức với 317 điều. Báo chí hôm qua phát hiện rằng điều 299 của hiến pháp có nói về việc ân xá cho những người thực hiện đảo chính hồi năm ngoái với qui định rằng “những gì đã được thừa nhận là hợp pháp và hợp hiến theo hiến pháp lâm thời năm 2006... sẽ vẫn hợp pháp trong hiến pháp này”. Ngoài ra, một điều khác của hiến pháp yêu cầu chính phủ phải ủng hộ ba lực lượng của quân đội: bộ binh, không quân và hải quân luôn có các vũ khí tối tân nhất - một điều có lợi cho phe quân sự.

Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Boonrawd Somtas hôm qua cảnh báo biểu tình lớn có thể xảy ra trong ngày 16 và 17-4, với cớ là phản đối hiến pháp mới. Ông cho rằng trong trường hợp tình hình vượt quá tầm kiểm soát, nhiều khả năng chính phủ của ông Surayud Chulanont sẽ phải từ chức. Đã có suy đoán rằng lý do ông Surayud (vừa xuất viện chiều 11-4) có thể rút lui vì lý do sức khỏe do giữa ông và CNS ngày càng có những bất đồng.

Theo TTO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek