* Châu Âu chưa sẵn sàng trừng phạt kinh tế bổ sung với Nga
Theo AFP/Reuters, Bộ Nội vụ Ukraine ngày 6/5 thông báo đã có 30 tay súng thuộc lực lượng ly khai bị bắn chết trong cuộc giao tranh gần Slavyansk, miền đông nước này.
Trên trang mạng xã hội Facebook, quyền Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov tuyên bố: "Theo ước tính của chúng tôi, đã có hơn 30 phần tử khủng bố thiệt mạng”. Ông Avakob khẳng định trong số các tay súng phía lực lượng tự vệ địa phương có một số người Nga, Chechnya và cả một số người từ Crimea, vùng đất mới được sáp nhập vào Nga hồi tháng 3.
Phóng viên AFP ở Slavyansk cho hay trung tâm thị trấn với hơn 110.000 dân này khá yên tĩnh vào sáng 6/5 nhưng các đồ dùng thiết yếu và thực phẩm ngày càng thiếu thốn vì quân đội thắt chặt vòng vây. Trước đó, ngày 5/5, Moscow đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở miền đông Ukraine giữa lúc quân đội tăng cường hoạt động mà Kiev gọi là "chiến dịch chống khủng bố." Cũng trong ngày 6/5 thông báo đã ngừng tất cả các chuyến bay đến và đi từ thành phố Donetsk ở miền đông nước này, song không nêu rõ lý do.
Cùng ngày 6/5, Quốc hội Ukraine tiến hành phiên họp kín thảo luận về tình hình căng thẳng ở khu vực miền đông và nam nước này. Phát biểu với báo giới trước phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Ukraine Aleksander Turchinov khẳng định chiến dịch quân sự mang tên "chống khủng bố" ở miền đông nước này sẽ vẫn tiếp tục. Đã có 7 tiểu đoàn được phiên chế ở các địa phương của Ukraine để điều động tới miền đông. Ngoài ra, người đứng đầu quốc hội Ukraine thừa nhận việc tiến hành chiến dịch quân sự ở miền đông đất nước đang gặp nhiều khó khăn do đa số người dân khu vực này ủng hộ liên bang hóa.
Cùng ngày, hai ngân hàng của Ukraine gồm Ukrsibbank - chi nhánh con của BNP Paribas Group và UniCredit Bank - thông báo tạm thời đóng cửa một loạt chi nhánh ở khu vực đông và nam Ukraine, như ở Slavyansk, Konstyantynivka, Kramatorsk, cùng 10 chi nhánh khác tại Odessa. Cũng trong ngày 5/5, ngân hàng Raiffeisen Bank Aval cũng tạm ngừng hoạt động của 3 chi nhánh tại khu vực Lugansk, cùng 22 chi nhánh ở Donetsk. Trong khi đó, Privatbank, ngân hàng lớn nhất của Ukraine, ngày 5/5 cũng ngừng các giao dịch tại Donetsk và Lugansk vì cho rằng tình hình tại miền đông Ukraine đe dọa an toàn của nhân viên.
Tại tỉnh Kharkov đã ngừng bán vé các phương tiện giao thông công cộng đi tới Donetsk và Lugansk, sau khi ngành đường sắt thay đổi hành trình của 17 tuyến tàu hỏa chạy đường dài theo hướng đông. Ngoài ra, người dân Kharkov cũng không thể đi xe buýt đến các tỉnh Lugansk và Donetsk.
Trong diễn biến khác cùng ngày, "thống đốc nhân dân" của khu vực Luhansk ở miền đông Ukraine, ông Valery Bolotov đã chỉ thị tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 11/5 tới để quyết định quy chế tự trị của nước Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng. Ông Bolotov hy vọng người dân ở khu vực này sẽ được tự do bày tỏ nguyện vọng của họ.
Trong khi đó, Reuters và Itar-Tass dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Áo ngày 6/5 cho biết ngoại trưởng Nga và Ukraine đã cuộc gặp chớp nhoáng bên lề một hội nghị của Hội đồng châu Âu (EC) tại thủ đô Vienna. Một người phát ngôn bộ trên xác nhận Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và quyền Ngoại trưởng Ukraine Andriy Deshchytsia đã "có cuộc đối thoại chớp nhoáng tối 5/5".
Theo Reuters/AFP, ngày 6/5, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố nước này sẽ bổ sung cho hạm đội biển Đen các tàu ngầm và tàu chiến mới, tiếp sau sự kiện Moscow sáp nhập Crimea. Hãng Interfax dẫn lời ông Shoigu xác nhận: "Trong năm nay, các tàu ngầm mới và tàu thủy thế hệ mới sẽ được bổ sung cho hạm đội Biển Đen". Một phần của hạm đội này đóng tại Crimea.
Trong diễn biến khác, ngày 5/5, người phát ngôn Hội đồng châu Âu cho biết kết thúc cuộc họp tại Brussels (Bỉ), đại diện 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã không nhất trí áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga. Dự kiến ngoại trưởng các nước EU sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề này vào ngày 12/5 tới tại Brussels. Theo các nguồn tin ngoại giao, các nước Hy Lạp, Cyprus, Bulgaria, Hungary, Luxembourg, Áo, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Malta hiện vẫn phản đối áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế-tài chính cứng rắn đối với Nga.
Cùng ngày, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đến từ vùng Lazio và Campania của Ý đã gửi thư kêu gọi chính phủ nước này không áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga. Các doanh nghiệp Ý cho rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga sẽ có tác dụng tiêu cực, trước hết là đối với nền kinh tế Ý và ảnh hưởng đến chính người dân nước này. Báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp Ý chỉ ra rằng trong vòng 5 năm tới, Nga sẽ là một trong những thị trường xuất khẩu chính đối với các sản phẩm chất lượng cao của Ý.
Trong một diễn biến liên quan, từ 6-9/5, Thứ trưởng Tài chính Mỹ David Cohen sẽ tới Đức, Pháp và Anh nhằm thảo luận các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga, trong đó bao gồm mở rộng trừng phạt các công ty thuộc những lĩnh vực khác của nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ, các tập đoàn công nghệ thông tin của nước này đang tiếp tục hợp tác với Nga.
H.TRỌNG ( tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)