Ấn Độ vừa có thêm một dấu mốc quan trọng trong phát triển quốc phòng, khi lần đầu tiên kết hợp thành công tên lửa không đối không Astra và máy bay chiến đấu Sukhoi-30 MKI.
Chủ nhiệm Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng (DRDO) thuộc Bộ Quốc phòng Ấn Độ, ông Avinash Chander, cho biết vụ phóng thử tên lửa Astra từ máy bay chiến đấu Sukhoi-30MKI đã được tiến hành ngày 4/5 và đáp ứng tất cả các mục tiêu đề ra.
Ông Chander nhấn mạnh đây là một bước tiến lớn trong công nghệ tích hợp tên lửa với máy bay. DRDO có kế hoạch sẽ tiến hành các vụ phóng thử tên lửa Astra từ máy bay chiến đấu hạng nhẹ Tejas trong tương lai gần.
Tên lửa Astra là tên lửa không đối không vượt tầm nhìn đầu tiên của Ấn Độ, có radar dẫn đường và động cơ đẩy không gây khói, đồng thời có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Với chiều dài 3,8m và trọng lượng 160kg, tên lửa này có thể mang đầu đạn thường 15kg. Tên lửa Astra được sử dụng để đánh chặn và phá hủy các máy bay có tốc độ siêu âm với tầm bay 80 km.
Được biết, tên lửa Astra sẽ bổ sung và thay thế dần cho các tên lửa không đối không tầm xa nhập khẩu từ Nga. Các tên lửa không đối không vượt tầm nhìn hiện trong phiên chế của Ấn Độ gồm có Debby (mua của Israel), R-77 (của Nga), Mica và Matra Super 530D (của Pháp).
Theo TTXVN/Vietnam+