* LHQ đề xuất làm trung gian cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine
* Thêm một máy bay trực thăng quân sự Ukraine bị bắn rơi
Tân Hoa xã đưa tin Bộ Ngoại giao Nga ngày 5/5 đã công bố Sách Trắng về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Ukraine, chủ yếu nhằm vào giới chức Kiev và phương Tây.
Bản báo cáo dày 81 trang, được đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao Nga, bao gồm "nhiều sự thật" về tình trạng lạm dụng và vi phạm nhân quyền ở Ukraine từ cuối tháng 11/2013 tới cuối tháng 3/2014. Sách Trắng có đoạn viết: "Danh sách hiện nay về những vụ vi phạm trắng trợn nhất các quy tắc cơ bản của quốc tế về nhân quyền và luật pháp... cung cấp đủ căn cứ cho tuyên bố về tình trạng vi phạm (nhân quyền) tràn lan (ở Ukraine)".
Báo cáo cũng cáo buộc giới chức Kiev "thâu tóm quá nhiều quyền lực, đảo chính vi hiến, phá hủy các cơ cấu quyền lực hợp pháp... bài ngoại, tống tiền trắng trợn, đàn áp, ngược đãi phe đối lập chính trị". Nga còn trình bày các sự kiện theo thời gian khi các chính trị gia Mỹ và châu Âu "can thiệp" vào các vấn đề nội bộ của Ukraine, đồng thời đưa ra hàng chục bức ảnh liên quan. Khi chỉ ra những vi phạm nhân quyền mà tới nay "vẫn chưa bị trừng phạt" này, Nga đã bày tỏ hy vọng các tổ chức quốc tế hữu quan sẽ thừa nhận thực trạng kinh hoàng này. Bản báo cáo cho rằng nếu không được thừa nhận thì tình trạng này sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho "hòa bình và an ninh khu vực, dẫn tới tình trạng leo thang mâu thuẫn và xung đột quốc tế và giữa các sắc tộc".
Cùng ngày 5/5, Nga cảnh báo rằng thất bại trong việc chấm dứt bất ổn gia tăng ở Ukraine sẽ đe dọa nền hòa bình trên khắp châu Âu, đồng thời cáo buộc những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Ukraine vi phạm các quyền của người dân trên "quy mô lớn". Bộ Ngoại giao Nga ra báo cáo chỉ rõ: "Những nỗ lực chung của người dân Ukraine và cộng đồng quốc tế cần sớm chấm dứt tình trạng phân biệt chủng tộc, bài ngoại, phân biệt sắc tộc và ca ngợi những kẻ có tư tưởng phân biệt chủng tộc nếu không sẽ hủy hoại nền hòa bình, ổn định và phát triển dân chủ của châu Âu”. Tuyên bố còn nhấn mạnh lực lượng "theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, có quan điểm cực đoan quá khích và ủng hộ chủ nghĩa quốc xã mới" đã vi phạm các quyền "trên quy mô lớn" ở Ukraine.
Cũng trong ngày 5/5, Nga đã kêu gọi chính quyền Kiev ngừng sử dụng lực lượng vũ trang chống lại người dân nước này và tham gia các cuộc đối thoại nhằm giải quyết khủng hoảng. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Ukraine đang hiển hiện tại các thị trấn bị phong tỏa ở miền đông Ukraine, nơi các lực lượng vũ trang Ukraine đang cố đánh bật lực lượng ly khai ủng hộ Nga đang chiếm giữ các tòa nhà công quyền. Thông cáo nhấn mạnh: “Một thảm họa nhân đạo đang xuất hiện tại các thị trấn bị vây hãm, nơi hiện đang thiếu thuốc men và nguồn cung lương thực bắt đầu bị gián đoạn”. Moscow cũng hối thúc Kiev ngừng giết chóc, rút lực lượng của mình, ngồi vào bàn đàm phán và “bắt đầu một cuộc đối thoại bình thường” nhằm giải quyết khủng hoảng.
Trong diễn biến liên quan, hãng AFP đưa tin Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon ngày 5/5 đã đề xuất đứng ra làm trung gian cho việc chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Phát biểu tại Abu Dhabi, Tổng thư ký Ban Ki-moon hối thúc các bên liên quan trong cuộc khủng hoảng giải quyết vấn đề thông qua biện pháp hòa bình, đồng thời nhấn mạnh “sẵn sàng đóng góp sức lực của mình nếu cần thiết”. Cùng ngày 5/5, một nguồn tin từ Liên Hợp Quốc cho hay Phó tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Jeffrey Feltman đến thăm Moscow trong vòng vài giờ tới để hội bàn với các quan chức Nga về vấn đề Ukraine. Nguồn tin này cho biết thêm, ông Feltman hiện đã hoàn thành nhiệm vụ của mình ở Síp và đang trên đường đến Moscow. Dự kiến, ngày 6 và 7/5, ông Feltman sẽ đến thăm cả Kiev, Ukraine.
Trong diễn biến khác, theo báo Đức Tấm gương ngày 5/5, sau vụ các quan sát viên quân sự phương Tây bị bắt giữ ở miền đông Ukraine, Đức trước mắt sẽ không cử thêm binh sĩ tham gia các sứ mệnh quân sự của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại Ukraine. Tin từ Bộ Quốc phòng Đức cho biết cho tới khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Ukraine dự kiến vào 25/5 tới, Đức sẽ không cử thêm binh sĩ tới nước này. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen cũng thông báo sẽ xem xét lại sứ mệnh quan sát viên quân sự của OSCE do quân đội Đức chỉ huy ở Ukraine.
Trong khi đó, ngày 5/5, tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ) của Đức đưa tin Ngoại trưởng nước này Frank-Walter Steinmeier đã đưa ra kế hoạch 5 điểm nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine. Trong một bài báo viết cho FAZ, ông Steinmeier kêu gọi Ukraine, Nga, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục gặp nhau tại Geneva và tận dụng cơ hội này để gửi đi một “thông điệp chính trị mạnh mẽ” rằng các thỏa thuận đã đạt được tại hội nghị Geneva lần thứ nhất sẽ được triển khai trên thực tế. Vị ngoại trưởng trên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống tại Ukraine, dự kiến vào ngày 25/5 tới, giúp cho phép giới lãnh đạo tại Kiev “có được tính hợp pháp mới”. Ông Steinmeier cho rằng tất cả các bên trong cuộc xung đột cần khẩn trương đàm phán về cải cách hiến pháp với sự tham gia của mọi thành phần và nhằm đạt được sự đồng thuận trên toàn quốc.
Tại Ukraine, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết một máy bay trực thăng quân sự của nước này ngày 5/5 đã bị bắn rơi gần thành phố miền đông Slavyansk do lực lượng ly khai kiểm soát nhưng các phi công đã thoát chết. Theo bộ trên, chiếc Mi-24 đã rơi xuống một dòng sông sau khi hứng chịu hỏa lực dữ dội của súng máy và phi hành đoàn đã sơ tán đến một doanh trại gần đó. Như vậy, ít nhất 3 máy bay trực thăng khác đã bị phiến quân thân Nga bắn hạ kể từ khi cuộc nổi dậy nổ ra ở các khu vực miền đông Ukraine từ đầu năm nay.
Cùng ngày 5/5, Quyền Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov thông báo phía các lực lượng chính quyền Kiev có 8 người bị thương trong các cuộc đấu súng vừa diễn ra với tự vệ Slavyansk. Trong khi đó, theo thông tin mới nhất mà hãng tin Interfax có được từ đại diện lực lượng tự vệ Slavyansk, thống kê ban đầu cho thấy phía lực lượng tự vệ có 12-15 người bị thương. Ông Avakov cho biết, các lực lượng sức mạnh của Ukraine được lệnh tiếp tục chiến dịch chống khủng bố vốn được bắt đầu từ tuần trước.
Trong khi đó, Chính quyền Kiev ngày 5/5 đã điều thêm lực lượng cảnh sát đặc nhiệm tới khu vực thành phố cảng miền tây nam Odessa. Chính quyền Ukraine cho biết, lực lượng được điều tới Odessa sẽ thay thế lực lượng cảnh sát địa phương vốn thất bại trong việc ngăn cản những hành động của người biểu tình vào cuối tuần qua. Việc điều lực lượng cảnh sát đặc nhiệm này là một tín hiệu cụ thể từ Kiev cho thấy trong khi đang nỗ lực trấn áp người biểu tình ủng hộ Nga, chính quyền Kiev vẫn cố gắng tránh khả năng xảy ra nội chiến tại đây.
H. TRONG (Vietnam+)