Chủ Nhật, 13/10/2024 07:22 SA
NATO triển khai một đơn vị phản ứng nhanh tới Đông Âu
Thứ Sáu, 18/04/2014 16:55 CH

* Chính phủ lâm thời Ukraine chưa rút quân khỏi miền đông

 

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 17/4 cho biết đang triển khai một đơn vị phản ứng nhanh của hải quân tới Biển Baltic, nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của các đồng minh tại Đông Âu trước cuộc khủng hoảng đang leo thang ở Ukraine.

 

Kiev-140418.jpg

Binh lính Ukraine ngồi trên các xe thiết giáp đang được điều động đến TP Slavyansk, miền đông Ukraine. - Ảnh: AP

Người phát ngôn của Tư lệnh Hải quân NATO cho biết một nhóm gồm 4 tàu phá ngư lôi và 1 tàu cứu hộ sẽ sớm được triển khai tới vùng biển Baltic và duy trì tại đây để phục vụ các mục đích đã được tính đến trong tương lai. Các tàu trên của Na Uy, Hà Lan, Bỉ và Estonia, tạo nên 1 trong 4 nhóm tàu cấu thành lực lượng phản ứng khẩn cấp của hải quân NATO. Tuy ngừng hoạt động từ tháng 1/2014, nhưng tuần trước, đơn vị hải quân này đã được gọi trở lại nhận nhiệm vụ theo lệnh của Tổng tư lệnh lực lượng NATO tại châu Âu, tướng Mỹ Philip Breedlove. Trong một tuyên bố, ông Breedlove nhấn mạnh quyết định triển khai nhóm tàu phản ứng nhanh tới biển Baltic là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh có nhiều diễn biến căng thẳng tại Đông Âu. Đây là một phần trong gói kế hoạch hoạt động ở nước ngoài của lực lượng hải quân, không quân và lục quân NATO. Lầu Năm góc cũng cho biết sẽ triển khai thêm các máy bay chiến đấu F-16 tới Ba Lan vào cuối năm nay, đồng thời khuyến khích các thành viên NATO khác tích cực hỗ trợ những hoạt động quân sự của khối. Hiện Mỹ triển khai 12 máy bay chiến đấu F-16 và khoảng 200 binh lính tại Ba Lan. 

 

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel ngày 17/4 cho biết Mỹ sẽ kéo dài thời gian lưu trú của lực lượng không quân và các quân nhân nước này tại Ba Lan qua hết năm 2014.  Mặc dù khẳng định không có ý định can thiệp quân sự tới Ukraine - quốc gia không phải là thành viên NATO, song NATO ngày 16/4 tuyên bố sẽ ngay lập tức triển khai thêm các lực lượng quân sự tới Đông Âu nhằm cam kết với các nước thành viên về khả năng đối phó của liên minh quân sự này trước các mối đe dọa xuất hiện ở biển Baltic.

 

Cùng ngày 17/4, trong buổi họp báo sau cuộc đàm phán 4 bên giữa Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine tại Geneva (Thụy Sĩ), quyền Ngoại trưởng Ukraine Andriy Deshchytsya cho biết Kiev chưa có ý định rút quân khỏi miền đông-nam, bất chấp thỏa thuận đã đạt được về giảm leo thang xung đột tại nước này. Theo ông Deshchytsya, quân đội đã được điều động tới khu vực Đông Nam trong khuôn khổ chiến dịch "chống khủng bố" mà Kiev triển khai. Tuy nhiên, sự có mặt của binh sĩ không có nghĩa là họ phải hành động, có thể không cần sử dụng tới quân đội nếu như tình hình được "hạ nhiệt". Về vấn đề này, ông Deshchytsya nhấn mạnh vai trò quan trọng của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) trong việc "tháo ngòi" căng thẳng đang diễn biến phức tạp tại miền Đông-Nam Ukraine. 

 

Trong khi đó, tại phiên họp nội các bất thường chiều 17/4, Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseniy Yatsenyuk kêu gọi những tay súng có vũ trang đang chiếm giữ trụ sở chính quyền ở miền đông hạ vũ khí, giải phóng các tòa nhà công quyền và tuân thủ mệnh lệnh của cảnh sát cũng như cơ quan an ninh. Ông Yatsenyuk khẳng định, chính phủ lâm thời sẵn sàng đối thoại với cả miền đông và miền tây. Cũng trong cuộc họp này, Chính phủ lâm thời Ukraine đã thông qua quyết định "về tổ chức thảo luận việc sửa đổi Hiến pháp Ukraine liên quan tới vấn đề phân quyền". Theo đó, các bộ trưởng, lãnh đạo các cơ quan trung ương và chính quyền địa phương được chỉ thị tổ chức và bảo đảm thực hiện trước ngày 1/10 năm nay việc thảo luận vấn đề sửa đổi Hiến pháp theo hướng phân quyền. 

 

Trong diễn biến khác có liên quan, Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc điện đàm, trong đó ông Cameron cam kết chi thêm 1 triệu bảng Anh cho sứ mệnh giám sát tại Ukraine, đồng thời nhất trí phối hợp với Tổng thống Mỹ để xem xét tiếp tục tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga. Động thái trên diễn ra ngay sau khi hội nghị 4 bên tại Geneva (Thụy Sĩ) đạt được thỏa thuận xác định các bước đi cụ thể đầu tiên nhằm giảm căng thẳng tại Ukraine.

 

Thủ tướng Anh và Tổng thống Mỹ nhất trí Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ cần tiếp tục công việc chuẩn bị các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga, để có thể phản ứng nhanh chóng trong trường hợp thỏa thuận Geneva về Ukraine không được thi hành. Cũng trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo Anh và Mỹ gọi kết quả cuộc họp bốn bên là "một bước đi tích cực" nhưng cảnh báo rằng những biện pháp vừa thông qua cần được thi hành nhanh chóng để giảm căng thẳng.

 

H.N (tổng hợp từ TTXVN)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek