Thứ Sáu, 11/10/2024 13:20 CH
Việt Nam trong cảm nhận của một người Mỹ
Thứ Năm, 15/03/2007 11:05 SA

Sau chuyến thăm trở lại Việt Nam, Jarvis Tyner, Phó Chủ tịch Đảng Cộng sản Mỹ viết những suy nghĩ, cảm nhận về cuộc chiến trong quá khứ và những suy ngẫm hiện tại.

Tôi đang trở về Mỹ sau chuyến trở lại Việt Nam đáng nhớ.

Chuyến đi đầu tiên của tôi đến Việt Nam là từ năm 1972, trong thời kỳ chiến tranh, khi Tổng thống Nixon quyết định ném bom Hà Nội trong dịp lễ Giáng sinh. So với Việt Nam hôm nay, đó là cả sự khác biệt to lớn.

Vào thời điểm ấy, Việt Nam đang nằm trong thời chiến. Một đoàn đại biểu của Đảng Cộng sản Mỹ do Gus Hall, người sau này là chủ tịch Đảng đã được Đảng Lao động Việt Nam mời, nhờ đó chúng tôi đã có thể chứng kiến thực tế nhọc nhằn của cuộc chiến mà nước Mỹ theo đuổi nhằm chống lại dân tộc này. Khi trở về, chúng tôi mang theo mình sự khẩn thiết phải đẩy nhanh các bước đấu tranh nhằm chấm dứt cuộc chiến.

Tại thời điểm đó, mỗi tháng, hàng chục nghìn người Việt Nam và hàng nghìn người Mỹ cùng lực lượng quân đồng minh đã bị chết và bị thương. Các máy bay của Mỹ thả bom, napal và các vũ khí sát thương khác. Đó là một cuộc chiến hủy diệt không chỉ chống lại miền Bắc xã hội chủ nghĩa mà còn chống lại tất cả nhân dân Việt Nam. Lý do được viện ra nhằm lý giải cho việc xâm lược Việt Nam chỉ là giả dối.

Các máy bay của Mỹ đã rải chất độc da cam, chất hóa học có thể gây ung thư ở hơn nghìn mẫu rừng ở Nam Việt Nam. Các sỹ quan Mỹ nghĩ rằng Mặt trận Dân tộc Giải phóng Việt Nam không thể duy trì lâu hơn cuộc chiến tranh du kích nếu như những tán lá rừng đã bị hủy hoại. Thực tế đã không diễn ra như vậy nhưng việc rải chất hóa học đã gây ra mối nguy hiểm khủng khiếp về lâu dài cho nhân dân và môi trường sống Việt Nam.

Các phong trào phản chiến

Phản đối cuộc chiến đã là hoặc gần như là tình cảm chủ đạo ở Mỹ. Hàng trăm nghìn người Mỹ đã tập hợp phản đối cuộc chiến. Năm 1972, chính quyền Nixon, trong nỗ lực tìm kiếm khả năng tái cử đã sử dụng tất cả các biện pháp do thám và thủ đoạn bẩn thỉu để hủy hoại mong muốn hòa bình của đại đa số người dân. Đó là thời điểm nổ ra vụ Watergate.

070315-phan-chien.jpg
Chương trình phản chiến ở Mỹ những năm chiến tranh ở VN. Ảnh geocities.com


Phong trào phản chiến ở Mỹ bị chống phá. Đã có những vụ xét xử, mưu hại, và khiêu khích nhằm cố gắng cô lập và phá hoại phong trào. Chính phủ Mỹ tìm kiếm biện pháp "kiểm soát những người Cộng sản". Những nhà hoạt động vì hòa bình bị theo dõi, giám sát chặt chẽ.

Học thuyết dôminô của lực lượng diều hâu hiếu chiến cho rằng nếu nước Mỹ "thất bại" trong cuộc chiến, sự tự do của toàn khu vực châu Á có thể bị đe dọa. Họ nói về cuộc tắm máu ở Việt Nam nếu quân đội Mỹ rút lui. Họ cho rằng những người Cộng sản sẽ mở chiến dịch tàn sát và giết những người đã từng cộng tác với Mỹ. Điều này đã không xảy ra.

Trên thực tế, những dự đoán cuồng loạn đó của họ đã thực sự xảy ra trong cơn hoảng loạn của người Mỹ. Việt Nam đã bị tắm máu và Mỹ là thủ phạm. Số bom mà Mỹ thả xuống Việt Nam còn lớn hơn tất cả số bom các nước thả xuống trong chiến tranh thế giới thứ hai. Ở Mỹ Lai, 109 dân thường (chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người già) đã bị binh lính Mỹ tàn sát.

Đã có nhiều cuộc tàn sát như thế do Mỹ tiến hành. Làng mạc bốc cháy trên khắp đất nước. Nhân dân bị tra tấn và như bị tống giam trong cái gọi là "ấp chiến lược". Khoảng 300 nghìn người Việt Nam, so sánh với 3000 người Mỹ đã bị mất tích trong chiến tranh (MIA). Tất cả những điều đó đã được làm với danh nghĩa là ngăn chặn sự phổ biến của chủ nghĩa cộng sản và mang lại tự do cho Việt Nam.

Những người tuyên truyền cho cuộc chiến nói rằng những nỗ lực phản chiến đã chống lại binh sỹ Mỹ. Năm 1968, phong trào phản chiến kêu gọi rút quân nhưng chính quyền Johnson từ chối. Vào thời điểm đó, 48 nghìn binh lính Mỹ đã tử trận và nhiều người bị thương. Kết thúc cuộc chiến, năm 1975, số người Mỹ chết trong chiến tranh đã lên tới 58 nghìn người. Nếu yêu cầu của phong trào phản chiến được đáp ứng vào năm 1968, khoảng 10 nghìn người Mỹ và một số lượng không thể đếm hết sinh mạng người Việt đã không bị hủy hoại. Do đó, ai mới thực sự là người ủng hộ binh sỹ Mỹ?

Bài học cho ngày hôm nay

Gần 34 năm sau, tháng 12/2006, đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Mỹ bao gồm Sam Webb, Chủ tịch Đảng, Scott Marshall, Pamella Saffer, và tôi trở lại Hà Nội. Thời điểm ấy chỉ vài ngày sau khi Quốc hội Mỹ thông qua quy chế thương mại tối huệ quốc MFN như tất cả các đối tác thương mại khác cho Việt Nam.

070315-nu-cuoi.jpg
Nụ cười rộng mở của những đứa trẻ đón chào...  Ảnh Internet

Chúng tôi đã đến 4 thành phố trong vòng 6 ngày và đã có được cái nhìn thoáng qua về chương trình cải cách kinh tế Đổi mới của Việt Nam, một quá trình đang tiến với tốc độ rất nhanh. Chất lượng đời sống của nhân dân đang được nâng lên.

Chúng tôi đã đến thăm Làng Hữu nghị ở tỉnh Hà Tây, phía Tây Hà Nội. Đây là nơi sinh sống của những đứa trẻ được sinh ra với căn bệnh hiểm nghèo do tác động của chất độc da cam và những cựu chiến binh bị thương trong cuộc chiến.

Ngôi làng được chu cấp tài chính từ các nhà tài trợ mà chủ yếu đến từ nước Mỹ, bao gồm cả những người từng tham gia cuộc chiến ở Việt Nam. Đây là địa điểm rất xinh đẹp nơi những người bị tổn thương, trẻ và già, có thể ngắm cảnh, sống một cuộc sống đàng hoàng, có sự chăm sóc thích hợp và được học các kỹ năng bao gồm cả việc tạo ra những sản phẩm bằng tay rất xinh đẹp.

Đó cũng là nơi hòa bình và hữu nghị quốc tế thực sự tồn tại. Đây là một dự án mà tất cả mọi người đều nên hỗ trợ. Khi những người dân trong làng biết rằng chúng tôi là đoàn đại biểu đến từ Mỹ, chúng tôi đã nhận được những nụ cười rộng mở và những cái ôm lớn.

Chúng tôi đứng đây trong nước mắt bởi chúng tôi đang ở nơi hiện diện của những người chịu tổn thất quá nhiều từ chính quyền Mỹ. Vào thời điểm đó, các tập đoàn của Mỹ đang tìm cơ hội kinh doanh ở Việt Nam.

Theo VNN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek