Thứ Bảy, 12/10/2024 11:26 SA
Một thế giới chưa an toàn
Thứ Bảy, 17/02/2007 07:00 SA

070218-Ban-Ki-moon1.jpg

Những nhiệm vụ khó khăn đang chờ Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon giải quyết.

Các dân tộc, cộng đồng quốc tế đón chào năm mới 2007 trong tâm trạng buồn vui đan xen, hoài vọng về một thế giới mới an bình, chiến tranh và bạo lực bị đẩy lùi, hoà bình, hữu nghị và hợp tác là xu thế chủ đạo. Tuy nhiên, những sự kiện đã xảy ra trong năm 2006 đầy biến động và những động thái mới của những ngày đầu năm mới cho thấy, năm 2007, thế giới chưa được an toàn, cục diện thế giới mới chưa được xác lập vững chắc.

 

Không phải ngẫu nhiên, ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới 2007, hai cường quốc có hai động thái đặt ra nhiều vấn đề làm đau đầu các nhà phân tích quốc tế. Đó là cuộc không kích của quân đội Mỹ xuống một khu vực đầy núi non và sa mạc của Xô-ma-li và chuyến công du nước ngoài của Thủ tướng Nhật A-bê. Vậy là cường quốc kinh tế - quân sự mạnh nhất thế giới đã sử dụng bạo lực dưới cái cớ chống lực lượng khủng bố đang ẩn nấp trong lãnh thổ Xô-ma-li - đất nước mà cách đây gần một thập niên, quân đội Mỹ đã bị sa lầy trong cuộc chiến chống lại giới cầm quyền quân sự Xô-ma-li nhằm dựng lên một chế độ mới thân Mỹ ở nước này. Ném bom, bắn phá Xô-ma-li giết hại nhiều thường dân nhưng đã không tiêu diệt được những tên khủng bố, khiến dư luận lo ngại, rồi đây trong cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố, Mỹ có thể sử dụng bạo lực ở bất cứ nơi nào và sau I-rắc, Áp-ga-ni-xtan, Xô-ma-li… một nước nào đó lại nằm trong vòng  ngắm và trở thành nạn nhân của Oa-sinh-tơn. Phát động cuộc chiến chống khủng bố là mũi tên nhằm nhiều mục tiêu mà mục tiêu bao trùm, sâu xa nhất là Mỹ muốn các nước phải chấp nhận nước Mỹ nắm vai trò lãnh đạo thế giới trong trật tự thế giới một cực. Hành động quân sự của Mỹ ở Xô-ma-li cảnh báo về những bấp bênh chứa đầy hiểm hoạ đối với nhiều nước, nhiều khu vực.

 

Trái  ngược lại hành động của Mỹ thì Thủ tướng cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới sang thăm Liên bang Đức nhằm thắt chặt mối bang giao giữa hai nước lớn, có tiềm lực hùng hậu, đang muốn ngoi lên xác lập vị trí mới trên  bản đồ thế giới. Đó là vì hai nước cùng chịu thất bại thảm hại trong chiến tranh thứ hai, suốt hơn nửa thế kỷ qua bị lép vế nhiều bề, đặc biệt là Nhật Bản, phải núp dưới cái ô hạt nhân của Mỹ, không được xây dựng quân đội và không được can dự vào các vấn đề lớn toàn cầu. Nhưng cùng với thời gian, do sự trỗi dậy mạnh mẽ về kinh tế, giờ đây, cả Đức và Nhật Bản đã không chịu chấp nhận vai trò cường quốc hạng hai. Chính vì thế, trọng tâm chuyến công du sang Đức của Thủ tướng Nhật  là hai nước cam kết hỗ trợ nhau trong nỗ lực ngoại giao để Đức và Nhật trở thành nước Uỷ viên Thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, có vị thế không thua kém Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp. Liên hợp quốc đã bước sang thời kỳ mới dưới sự lãnh đạo của một nhà ngoại giao tài năng là Cựu ngoại trưởng Hàn Quốc Ban-ki-mun mà một trong những nhiệm vụ ưu tiên trong nhiệm kỳ 5 năm là cải tổ Liên hợp quốc. Đức và Nhật là hai ứng cử viên sáng giá nhất vào ghế thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an – cơ quan quyền lực cao nhất của Liên hợp quốc. Động thái đầu năm của Thủ tướng Đức, bà Mac-ken và Thủ tướng Nhật, ông A-bê cho thấy cuộc vận động ngoại giao của các nước lớn trong năm 2007 sẽ rất sinh động.

 

070218-Phan-doi-chien-tranh.jpg

Phản đối chiến tranh

Không khó khăn gì để nhận ra diện mạo của năm 2007 trên chính trường quốc tế và khu vực với ba vùng nhạy cảm, dễ bùng nổ xung đột nhất. Đó là Đông Bắc Á, Vùng Vịnh và khu vực Trung Đông.

 

Tại Đông Bắc Á tập trung các mâu thuẫn lớn nhất của thời đại toàn cầu hoá. Vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên sẽ là vấn đề nóng bỏng bao trùm. Cuộc đàm phán sáu bên gồm hai miền Nam Bắc Triều Tiên, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản cuối năm 2006 đã thất bại. Năm 2007 sẽ có nhiều vòng đàm phán mới cả đa phương và song phương nhưng chắc chắn, vấn đề hạt nhân vẫn chưa tìm được giải pháp tối ưu do lập trường của Mỹ và CHDCND Triều Tiên còn cách biệt nhau, thậm chí đối lập nhau như nước với lửa. Mỹ sẽ tiếp tục bao vây, cấm vận CHDCND Triều Tiên, đồng thời sử dụng chiêu bài chiếc gậy và củ cà rốt với nước này. Còn CHDCND Triều Tiên, ở thế bị o bế nhiều bề sẽ phải chọn đối sách là sử dụng con bài hạt nhân để răn đe: Ai đó nếu húc đầu vào đá chắc chắn bị sứt đầu mẻ trán.

 

Trong khi đó thì Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, hiện đã có tiềm lực kinh tế sẽ có nhiều động thái mới để nâng cao vị thế quốc tế và lẽ đương nhiên, trong cuộc chạy đua này, Trung Quốc và Nhật là hai đối tác vừa đấu tranh vừa hợp tác với nhau. Bắc Kinh từ trong sâu thẳm khó chấp nhận nước Nhật nổi lên là cường quốc chính trị, quân sự ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới.

 

Tại Vùng Vịnh, cuộc chiến I-rắc và Áp-ga-ni-xtan sẽ tiếp tục nóng bỏng. Mỹ, Anh trong những năm qua đã bị tổn thất nặng nề về người và của, nhưng đã không thiết lập được trật tự tại hai nước này. Đã thế cuộc hành quyết cựu Tổng thống I-rắc Xát-đam Hút-xen đã thổi bùng ngọn lửa hận thù khiến các lực lượng chống Mỹ ở I-rắc sẽ hành động quyết liệt và liều lĩnh hơn. Mỹ đã mất hơn 1.000 tỷ USD và thiệt mạng hơn 2.000 binh lính trong 4 năm qua trong cuộc chiến I-rắc cảnh báo con đường chông gai của Mỹ ở đất nước vườn treo Ba-bi-lon huyền thoại. Mục tiêu của Mỹ là sớm dựng được chính quyền I-rắc có quân đội, cảnh sát, đủ sức quản lý và điều hành mọi công việc, để liên quân Mỹ - Anh rút dần, tiến tới rút khỏi I-rắc nhưng chắc chắn, mục tiêu này khó đạt được trong năm 2007.

 

Tại Trung Đông, năm qua đã chứng kiến cuộc nồi da xáo thịt giữa quân đội I-xra-en với các lực lượng vũ trang của phong trào Ha-mát và Héc-bô-la mà cuộc chiến ở Nam Li-băng, trên cao nguyên Gô-lan và các vùng đất do Pa-le-xtin kiểm soát là sự cảnh báo nghiêm khắc về tiến trình hoà bình Trung Đông rơi vào bế tắc. Mặc dù đã có hiệp định ngừng bắn nhưng chưa ai đoán chắc, thời gian tới, ngọn lửa xung đột không bùng lên ở vùng đất nóng bỏng này. Đó là vì các mục tiêu của Nhà nước I-xra-en là đòi đất lấy hoà bình, hoà bình trong an ninh chưa đạt được và Pa-le-xtin thì chưa thể xây dựng được Nhà nước độc lập có chủ quyền trên lãnh thổ đã được Liên hợp quốc xác lập từ năm 1948. Trong khi đó thì tại Li-băng, mâu thuẫn chính trị phe phái còn rất quyết liệt mà các vụ ám sát các nhân vật chính trị hàng đầu trong năm qua là minh chứng rõ rệt nhất. Các nước A-rập ở Trung Đông chưa có tiếng nói chung trong các vấn đề cấp bách và cốt lõi nhất của khu vực liên quan đến lợi ích của I-xra-en và Pa-le-xtin.

 

Năm 2007 sẽ diễn ra cuộc tập hợp lực lượng xung quanh các động thái ngoại giao của các nước lớn: Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức, Nhật. Nước Nga đã hồi phục sau 15 năm bất ổn, đang lấy lại phong độ để xác lập vị trí cường quốc hàng đầu tại châu Âu và trên thế giới sẽ hoạt động mạnh mẽ hơn trong các diễn đàn Liên hợp quốc, các hội nghị khu vực và quốc tế. Nhìn tổng thể, năm 2007, thế giới sẽ tiếp tục biến động mạnh, dù rằng xu thế mở cửa, hợp tác quốc tế, hoà bình và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo nhưng chắc chắn, nhiều khu vực còn bất ổn và có thể xảy ra bạo lực. Năm 2007, một thế giới chưa an toàn.

 

TRẦN NHUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek