Thứ Sáu, 04/10/2024 02:29 SA
Bao la tình người giữa đại dương
Thứ Bảy, 30/07/2011 14:00 CH

Ở TP Tuy Hòa, nhắc đến Lương Công Đông, rất nhiều người nhớ ngay đến chuyện cứu ngư dân nước ngoài nổi tiếng của anh.

 

“Lúc đó trời sắp chạng vạng rồi. Anh em ngồi ngoài boong tàu ăn cơm chờ tối kéo câu. Bỗng tôi thấy ba miếng xốp trắng nổi bập bềnh và hình như có người đang bám trên đó. Quẳng chén cơm, tôi chạy vào buồng lái chụp lấy cái ống nhòm. Đúng là có ba người hình như đã kiệt sức, đang cố rướn chút sức lực cuối cùng để trôi về phía tàu tôi. Tôi liền nổ máy đưa tàu chạy về phía đó…”.

 

anh-ps3110730.jpg
Anh Lương Công Đông gắn bộ đàm lên tàu chuẩn bị ra khơi - Ảnh: Q. KHƯƠNG

 

BỎ CHUYẾN BIỂN ĐỂ CỨU NGƯỜI

 

Ngư dân Lương Công Đông, năm nay 33 tuổi, thuyền trưởng đồng thời là chủ của chiếc tàu câu cá ngừ đại dương số hiệu PY91049TS ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) – một thanh niên thấp đậm, nước da bánh mật vì nắng gió. Ngồi trước mũi tàu, vừa nhìn về phía cửa biển Đà Rằng, nơi chốc lát nữa tàu anh sẽ vượt ra, cỡi sóng để đến những ngư trường cách bờ hàng trăm hải lý, Đông vừa nhớ lại và kể tôi nghe câu chuyện cứu người giữa đại dương.

 

Đông kể, cuối tháng giêng năm 2006, tàu anh ra khơi, đánh bắt ở tọa độ 12 độ vĩ Bắc, 114 độ kinh Đông được khoảng mười ngày thì phát hiện các ngư dân Philippines bị nạn. “Ba người bị nạn được chúng tôi đưa lên tàu. Họ kiệt sức, không thể nói được một lời. Một người ngất xỉu. Chúng tôi phải chăm sóc, sưởi ấm để dần tìm lại sinh khí trong cơ thể họ. Khoảng mười phút sau, một người chỉ về phía xa, ra dấu là còn bốn người nữa. Lúc bấy giờ, đêm đã dần buông xuống, nhưng tôi vẫn lái tàu về phía đó. Chúng tôi phát hiện một chiếc tàu nhỏ, ước chừng dài khoảng 8-9m, rộng cỡ 2m, chuyên câu cá bò, cá dưa gang, đang trong tình trạng nửa chìm nửa nổi. Có bốn người đang đu bám ở phần nổi của con tàu. Chúng tôi đã quăng thúng xuống và cuối cùng cũng đưa được bốn người này lên tàu của mình” - người thuyền trưởng trẻ tuổi nhớ lại.

 

Móc các lưỡi câu cá ngừ lên miệng của cái giỏ mây lớn, sắp xếp chúng gọn gàng lại để chuẩn bị ra khơi, Lương Công Đông như sống lại khoảnh khắc tưởng đã cũ trong ký ức: “Phải nói họ có sức thật. Từ nơi tàu họ bị nạn đến tàu tôi cách khoảng bốn hải lý, tức gần 8km, sau này họ mới nói cho chúng tôi biết là ba người khỏe nhất, bơi giỏi nhất trong số thuyền viên của tàu bị nạn được “cử” bơi về phía tàu tôi từ buổi sáng, đến chiều tối họ mới tới được”. Các ngư dân Philippines bị nạn cho Đông biết, tàu họ bị hỏng máy và trôi dạt vài ngày trước đó rồi bị sóng lớn đánh chìm một phần. Tất cả họ không ăn uống trong hai ngày, lại phải ngâm trong nước biển lạnh một thời gian dài nên tất cả đều không đảm bảo được sức khỏe, dù họ được các thuyền viên trên tàu của Lương Công Đông cố gắng chăm sóc, sưởi ấm. “Trước tình trạng sức khỏe của họ như vậy - Đông kể - vào chiều ngày hôm sau, dù mới đánh bắt được một phần ba thời gian của chuyến biển, tôi vẫn quyết định quay vào bờ, vì ngại rằng nếu mình tiếp tục đánh bắt thì tình trạng sức khỏe của các ngư dân Philippines có thể nghiêm trọng. Tôi biết chạy về như vậy là lỗ rất nặng, một số người đi bạn trên tàu không đồng tình, nhưng thực tế không còn cách để chọn lựa. Tôi bèn điện đàm với tàu của người anh con bác ruột là Lương Công Hưng đang câu cá ngừ gần đó, rủ ảnh chia sẻ bớt ba người Philippines và hai anh em cùng vô. May mắn là anh Hưng đồng cảm với tôi và đồng ý vào bờ”.

 

Đông cười thật hiền, nói rằng chuyến cứu người giữa đại dương và phải bỏ dở việc đánh bắt để quay vào bờ đó khiến tàu anh và tàu anh Hưng mỗi tàu lỗ tổn (chi phí cho chuyến biển - PV) hết 65 triệu đồng, sau đó được cơ quan chức năng hỗ trợ mỗi tàu 32 triệu đồng.

 

Hinh-PS2110730.jpg

Hai anh em Lương Công Đông (đứng) và Lương Công Đồng trước giờ ra khơi - Ảnh: Q.KHƯƠNG

 

ĐIỀU TÂM NIỆM NHÂN ÁI

 

Câu chuyện cứu người quay trở lại trong tâm tưởng của Đông. “Sau khi đưa bảy ngư dân Philippines vào bờ, bàn giao họ cho bộ đội biên phòng, dù lỗ vốn nặng, tôi vẫn rất vui. Nhà ở Đông Tác, nhưng tôi thường chạy xe máy ra khách sạn Công đoàn ở Tuy Hòa thăm họ, ăn với họ vài bữa cơm. Thấy sức khỏe họ ai cũng dần hồi phục, tôi mừng ghê lắm” - Đông kể.

 

Ánh mắt Đông nhìn ra xa, nơi có những con sóng chập chùng. Đông nói, như tâm sự với chính anh chứ không phải trò chuyện với tôi: “Làm biển là nghề nguy hiểm, sống chết sát bên, rủi ro nhiều lắm. Bởi vậy, chắc không phải mình tui, mà ai làm nghề này rồi thì trong bụng phải tâm niệm rằng thấy người bị nạn trên biển là phải cứu, cứu ngay, không chần chờ, suy nghĩ. Giữa biển cả mênh mông, con người nhỏ bé lắm. Người không cứu người thì ai cứu nữa. Mình làm điều tốt cho người ta thì ắt có người làm điều tốt lại cho mình”. Bởi vậy, Đông bảo, anh rất ghét những tàu cá nước ngoài lấn chiếm ngư trường của ngư dân Việt Nam, từng nhiều lần cùng tổ tàu thuyền an toàn đuổi họ đi, “nhưng nếu họ bị nạn thì tôi sẽ cứu ngay” - anh nói.

 

Hinh-PS1110730.jpg

Thuyền trưởng Lương Công Đông ngồi trên chiếc tàu PY91049TS của anh - Ảnh: Q.KHƯƠNG

 

BIỂN CHÍNH LÀ CUỘC SỐNG

 

Lương Công Đông vói tay gắn chiếc máy tầm ngư lên phía trên bên phải cabin, nơi anh có thể nhìn thấy rõ ràng và nhanh chóng khi ngồi lên chiếc ghế gỗ quen thuộc phía sau vôlăng con tàu. Bên trái tàu anh là tàu người anh song sinh Lương Công Đồng cũng đang neo trên bến cảng Đông Tác. Trưa nay, hai anh em cùng ra khơi sau khi đã nghỉ vài ba ngày với gia đình sau chuyến đi biển gần một tháng trời.

 

Không phải ai vào độ tuổi trên dưới 30 mà đã là chủ của con tàu 160 mã lực như Đông, Đồng. Lương Công Đông kể, không biết nghề biển này có trong gia đình anh từ bao giờ. Chỉ biết rằng khi anh bắt đầu nhận thức được thì đã thấy biển trước mặt. Ông nội, cha, chú, bác và hầu hết cư dân ở làng Đông Tác này đều sống với biển, làm nghề biển. “Biển chính là cuộc sống của chúng tôi. Với tôi, có lẽ khi nào còn sức là tôi còn ra khơi” - Đông nói. Mười bảy tuổi, Đông đã nhảy lên thuyền theo cha ra biển làm nghề lưới rút, lưới cản. Hai mốt tuổi, Đông đi bạn cho những chiếc tàu câu cá ngừ ra khơi xa. Nhưng chỉ dùng cơ bắp thả lưới, kéo câu là chưa thỏa chí chàng ngư dân trẻ. Năm 2001, Đông tích cóp toàn bộ vốn liếng, mượn của bà con, anh em và vay ngân hàng, vay bên ngoài để đóng chiếc tàu PY91049TS này. Mười năm nay, anh đã điều khiển con tàu liên tục ra khơi xa, đánh bắt ở những ngư trường cách bờ 200-300 hải lý…

 

Và không hiểu có phải vì tấm lòng rộng mở và nhân ái của anh hay không mà trong suốt mười năm qua, hầu như chuyến đi biển nào ở khơi xa của Đông cũng xuôi chèo mát mái. “Người ta đi lỗ lên lỗ xuống, còn nó khi trúng thì cả 100 con cá ngừ dưới khoang, tàu nặng đến chạy không nổi, khi “thua” thì cũng được 30 con, trừ tổn vẫn còn dư” - người anh song sinh Lương Công Đồng thổ lộ vậy về em trai mình. Cũng không hiểu có phải vậy không mà tổ tàu thuyền an toàn gồm tám chiếc chuyên đánh bắt xa bờ của anh em trong dòng họ, trong đó có nhiều người lớn tuổi, lớn vai vế hơn, kinh nghiệm ra khơi nhiều hơn, vẫn chọn Lương Công Đông làm tổ trưởng.

 

11g trưa. Lương Công Đông nổ máy, tám người bạn đã có mặt trên boong, chiếc tàu PY91049TS rời cảng cá Đông Tác. Mươi phút sau, nó đã băng qua cửa biển Đà Rằng hướng về khơi xa. Chiếc tàu của Đông nhỏ dần, nhỏ dần rồi biến mất khỏi tầm mắt tôi. Nhưng tôi biết ở ngoài khơi xa, những người con của biển, tấm lòng nhân ái rộng mở như biển của Đông và những ngư dân Việt khác đang được đại dương che chở.

 

Trưa 31/1/2011, khi đang đánh bắt cá ngừ đại dương ở tọa độ 12050’ vĩ Bắc, 1160 kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa, Việt Nam) khoảng 100 hải lý về phía đông bắc, thuyền trưởng tàu PY90441TS Lê Nhân (ở phường 6, TP Tuy Hòa) phát hiện và cứu sống năm ngư dân Philippines bị chìm tàu, đang trôi dạt trên biển. Sau khi chăm sóc và giúp các nạn nhân Philippines hồi phục sức khỏe, ông Nhân “chia bớt” cho hai tàu cá của ngư dân phường 6 đang đánh bắt khu vực này hai ngư dân Philippines. Vào ngày 9/2/2011, các tàu câu cá ngừ này vào bờ và năm thuyền viên Philippines sau đó được giao trở về nhà.

 

Trước đó, vào tháng 2/2007, tàu cá của anh Phan Thành Đắt (ở phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) cứu được bốn thủy thủ cũng là người Philippines khi họ bị chìm thuyền và đang cột mình trong giàn lưới câu của anh.

 

NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Mẹ ơi con đã trở về
Thứ Bảy, 23/07/2011 14:00 CH
Có những “tuyến phố” nông thôn
Thứ Bảy, 16/07/2011 18:00 CH
Cuộc hội ngộ sau 50 năm
Thứ Bảy, 09/07/2011 18:00 CH
Nuôi… sâu
Thứ Bảy, 02/07/2011 14:00 CH
Dũng cảm diệt giặc lửa
Thứ Bảy, 25/06/2011 18:00 CH
Bài cuối: Sinh nhật lính Trường Sa
Thứ Sáu, 17/06/2011 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek