Thứ Sáu, 04/10/2024 02:33 SA
Mẹ ơi con đã trở về
Thứ Bảy, 23/07/2011 14:00 CH

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ở thôn Phú Hạnh (xã An Ninh Đông, huyện Tuy An) có hai người phụ nữ khắc khoải đợi chờ con, chờ chồng đi quân dịch chưa thấy trở về. Ngày tháng thoi đưa, tin hung bay đến, người thân của họ đã bỏ mạng ngoài mặt trận. Hai người phụ nữ nhẫn nhục chịu đựng lời thị phi, nuốt nước mắt vào trong, lập bàn thờ với tấm hình người đàn ông mặc bộ quân phục lính dù, đầu đội mũ bê-rê đỏ.

 

Trong thời gian đó, ở thôn Bình Lâm (xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) có một phụ nữ tên là Trịnh Thị Bình (còn gọi là Nguyệt) sinh năm 1948, đau đáu nhớ thương người chồng đã ngã xuống, góp phần giải phóng quê hương. Trước lúc nhắm mắt xuôi tay, ông nhờ đồng đội chuyển lời trăn trối đến vợ và hai con rằng, bằng mọi giá phải tìm về cội nguồn quê huơng ông ở Phú Yên, nơi đó còn có người mẹ già tần tảo, một nắng hai sương mòn mỏi chờ con trong tuyệt vọng…

 

Thời gian cứ thế trôi đi, bà Bình vất vả với bao lo toan trong cuộc sống, hai con trai ngày một trưởng thành. Bà cũng chưa có điều kiện thực hiện di nguyện của chồng. Rồi một ngày kia, con trai bà là Nguyễn Thanh Quang (sinh năm 1971) thủ thỉ: “Nhất định con sẽ thay mẹ tìm về quê nội để gia đình ta đoàn tụ, cha ở suối vàng cũng sẽ mỉm cười…”.

 

Me-Thich110723.gif

Cụ Nguyễn Thị Thích và sĩ quan Phạm Như Tùng

 

HÀNH TRÌNH TÌM NGƯỜI THÂN

 

Đầu năm 2002, có hai người đàn ông quê ở Hàm Chính đến Phòng Hồ sơ Công an tỉnh Phú Yên trình giấy giới thiệu tên là Trịnh Anh Cách, cán bộ tư pháp xã Hàm Chính, người kia tên là Nguyễn Thanh Quang, gọi ông Cách là cậu ruột, nhờ tra cứu người thân tên là Nguyễn Văn Tùng từng đi lính chế độ cũ và học ở trường võ bị Đà Lạt, kèm theo bức ảnh trắng đen. Họ bảo rằng đã đến các xã An Chấn, An Mỹ, An Phú (huyện Tuy An) nhưng không tìm ra manh mối. Lần này cần tra cứu ở xã An Ninh Đông. Phòng Hồ sơ cử sĩ quan Phạm Như Tùng, đội trưởng Đội Hồ sơ an ninh, lục tàng thư tra cứu nhưng không có ai tên là Nguyễn Văn Tùng quê ở An Ninh Đông. Tìm người mịt mù như tăm cá. Anh Tùng nhiệt tình đưa ông Cách và anh Quang đến gặp một số người như ông Nguyễn Thái Bình, lúc đó là Trưởng phòng An ninh điều tra, ông Đàm Khánh Hạ, Võ Duy Dương từng học trường võ bị Đà Lạt nhưng họ đều không biết. Không nản chí, Tùng lại đưa ông Cách và anh Quang đến Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Phú Yên để hỏi thăm, nhưng cũng không tìm được thông tin gì. Hai cậu cháu cám ơn lòng tốt của anh Tùng và ra về trong ray rứt. Trước khi đi, ông Cách đề nghị Phòng Hồ sơ viết phiếu gửi Cục Hồ sơ phía nam tra giúp, đồng thời để lại số điện  thoại khi cần thiết thì liên lạc.

 

Thật bất ngờ, một tháng sau, vào ngày 7/3/2002, Cục Hồ sơ phía nam gửi kết quả cho Phòng Hồ sơ Công an Phú Yên về một người tên Nguyễn Văn Tùng, sinh năm 1947, quê ở Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, cha là Nguyễn Thiện (chết), mẹ Nguyễn Thị Thích, sinh năm 1923, vợ là Hồ Thị Ẩm. Người này học trường sĩ quan Thủ Đức. Từ đầu mối này, anh Phạm Như Tùng tra cứu tàng thư CMND, phát hiện bà Ẩm đang ở thôn Phú Hội, xã An Ninh Đông. Tùng cất công xác minh thông tin. Sau hai tiếng đồng hồ, anh Phạm Anh Đức, cán bộ tư pháp xã An Ninh Đông đưa Tùng đến nhà bà Hồ Thị Ẩm ở dưới chân núi Hòn Bù, khi cả nhà đang ăn cơm trưa. Đập vào mắt Tùng là tấm ảnh trên bàn thờ giống y như tấm ảnh mà ông Cách đã đưa cho Tùng nhờ tìm kiếm. Bà Ẩm sống cùng hai con, còn mẹ chồng thì sống ở thôn Phú Hạnh. Ông Tùng và bà Ẩm có hai con tên là Nguyễn Văn Minh, sinh năm 1970; Nguyễn Văn Lanh, sinh năm 1971. Ông đi lính bộ binh, Sư đoàn 23 ngụy. Bà Ẩm hỏi cán bộ Tùng rằng, các anh tìm kiếm để làm gì. Tùng chỉ mỉm cười, nói rằng gia đình bà sắp có tin vui, chồng bà ngày xưa là lính ngụy nhưng nay là liệt sĩ, bà có ngạc nhiên không? Bà Ẩm nửa tin nửa ngờ phập phồng chờ đợi.

 

Cuộc tìm kiếm kết thúc thật mỹ mãn, Phạm Như Tùng điện thoại cho ông Trịnh Anh Cách biết. Hai tháng sau, ông Cách, anh Quang và bà Bình ra Phú Yên.

 

ÐƯỜNG ÐẾN VỚI CÁCH MẠNG CỦA MỘT NGƯỜI LÍNH NGỤY

 

Họ về Phú Hạnh, nơi ông Nguyễn Văn Tùng trải qua thời thơ ấu. Bữa cơm được dọn ra, có đầy đủ gia tộc họ hàng. Họ ngồi bên nhau rất lâu. Những giọt nước mắt hạnh phúc muộn màng lăn trên gương mặt già nua của cụ Nguyễn Thị Thích. Ông Tùng “trở về” bên mẹ với danh phận người con cách mạng đã hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Ông có hai người vợ và bốn người con trai, giờ họ đã tìm được gốc gác cội nguồn. Đêm ấy, bà Bình chong đèn kể cho mẹ chồng cùng gia tộc nghe chuyện về ông Tùng và con đường đưa ông đến với cách mạng.

 

Tháng 10/1968, ông Tùng đi lính, vào Sư đoàn 23 đóng quân ở Tây Nguyên, cấp bậc hạ sĩ. Cuối năm 1970, ông bị điều về Trung đoàn 44 chi nhánh Bình Thuận, thuộc Sở chỉ huy 2 Sư đoàn 23 ngụy quyền Sài Gòn. Thỉnh thoảng ông về quê thăm vợ là bà Hồ Thị Ẩm và mẹ già, sau đó bặt âm vô tín. Đầu năm 1971, chán nản cảnh chiến tranh, chiều chiều, ông Tùng hay la cà uống rượu, quán bà Bình ở xã Hàm Chính là nơi ông thường đến nhất. Bà Bình là cơ sở cách mạng. Những lúc say sưa, ông Tùng hay thổ lộ chân tình. Bà Bình thuyết phục ông lấy súng, theo cách mạng. Và giữa họ đã nảy sinh tình cảm. Trước lúc ông Tùng đến với cách mạng, họ yêu nhau và có con. Ngày 3/9/1971, ông Tùng cùng bà Bình làm trích lục chứng thư hôn thú do ủy viên hộ tịch Trương Quang Vy cấp tại xã Hòa An, quận Thiện Giác, tỉnh Bình Thuận. Ông Tùng khai quê ở xã An Chấn, huyện Tuy An. Sau khi ông Tùng bỏ trốn, ngày 10/8/1972, Sư đoàn 23 ra lệnh tầm nã ông về tội phạm đào ngũ, nhưng họ đâu có biết rằng người đàn ông này đã trở thành du kích xã Hàm Chính, ngày ngày bám trụ chiến đấu giữ làng.

 

Cuộc chiến ngày càng ác liệt, song những người du kích ở xã Hàm Chính, trong đó có ông Tùng, vẫn một lòng trung kiên với Đảng. Ngày 9/5/1974, trên đường  đi công tác cùng đồng đội, ông Tùng lọt vào ổ phục kích của địch. Ông anh dũng chiến đấu và ngã xuống tại đất Hàm Chính khi vừa tròn 31 tuổi.

 

Ngày 3/6/1978, chính quyền đã xác nhận ông Nguyễn Văn Tùng, quê ở xã An Chấn, huyện Tuy An là liệt sĩ. Ngày 7/6/1978, Chủ tịch nước đã ký quyết định cấp bằng “Tổ quốc ghi công” ông Nguyễn Văn Tùng, bà Bình đang treo thờ tại nhà riêng.

 

Nhớ lại thời kỳ đau thương, khói lửa, cụ Thích, bà Ẩm trầm uất với những xót xa vì có đứa con, người chồng đi lính ở Sư đoàn 23 chủ lực khét tiếng của ngụy. Giờ đây, họ có thể ngẩng đầu với xóm làng, thiên hạ. Bà Bình ngược xuôi ra vô hai tỉnh Bình Thuận, Phú Yên để làm các thủ tục giấy tờ cần thiết, xác nhận ông Nguyễn Văn Tùng là liệt sĩ, do Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội tỉnh Bình Thuận ký ngày 14/5/2002. Từ căn cứ đó, ngày 6/6/2002, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội tỉnh Phú Yên ký hai quyết định số 70 và 71 công nhận cụ Nguyễn Thị Thích là mẹ, bà Hồ Thị Ẩm là vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Tùng.

 

Cụ Nguyễn Thị Thích vẫn sống khỏe mạnh tại thôn Phú Hạnh, xã An Ninh Đông. Bà Trịnh Thị Bình và các con thỉnh thoảng về thăm cụ và bà Ẩm. Cụ Thích cám ơn Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp và những người có tấm lòng nhân ái đã cho cụ có được cuộc sống như hôm nay. Uớc vọng duy nhất của cụ trước khi nhắm mắt xuôi tay là vào nghĩa trang liệt sĩ Bình Thuận, đốt cho con nén nhang sau hơn ba mươi năm cách trở.

 

HẢI SƠN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Có những “tuyến phố” nông thôn
Thứ Bảy, 16/07/2011 18:00 CH
Cuộc hội ngộ sau 50 năm
Thứ Bảy, 09/07/2011 18:00 CH
Nuôi… sâu
Thứ Bảy, 02/07/2011 14:00 CH
Dũng cảm diệt giặc lửa
Thứ Bảy, 25/06/2011 18:00 CH
Bài cuối: Sinh nhật lính Trường Sa
Thứ Sáu, 17/06/2011 14:00 CH
Bài 4: Những “chiến sĩ” đặc biệt
Thứ Năm, 16/06/2011 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek