Thứ Bảy, 11/01/2025 20:45 CH
Chuyện vui tết đón xuân trên đường kháng chiến:
Nhớ tết “bỏ gậy...”
Thứ Hai, 31/01/2011 07:15 SA

Nói đủ câu trên là “bỏ gậy, cạo râu, mặc đồ âu, tắm buổi sáng”. Nó xuất hiện phổ biến từ dịp vui tết, đón xuân năm 1973 tại vùng căn cứ Bắc Sơn Hòa, nay đã trở thành khu di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia: Nhà thờ Bác Hồ, Hội trường Mùa Xuân và các cơ quan Tỉnh ủy Phú Yên.

 

gay-ts-1-110222.jpg
Minh họa: Đ.LÊ
Chuyện “bỏ gậy...” thoạt đầu chỉ là câu nói vui của cánh mày râu đi kháng chiến nhưng sâu xa nó hàm chứa những ký ức khó quên.

 

Trước thời kỳ này, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân miền Nam Việt Nam, đã trải qua gần hai mươi năm với biết bao gian khổ, ác liệt. Chuyện đói no, chết sống, mất còn chỉ bằng gang tấc. Tại chiến trường Phú Yên, cuộc sống đã hình thành những giai thoại mà nhiều thế hệ sau này vẫn còn nghe kể lại, dù cho năm tháng qua đi.

 

Chuyện anh hai Tín (Đỗ Hòa Thái), ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy suốt thời gian dài chịu cảnh đói rách, một mình bám gộp đá giữa núi rừng heo hút để móc nối, bắt liên lạc với cơ sở, gây dựng lại phong trào quần chúng làm cách mạng, đến nỗi thân hình chỉ có da bọc xương, mái đầu bạc trắng biến thành “bạch mao nam”.

 

Chuyện anh Sáu Râu (Trần Suyền), Bí thư Tỉnh ủy, một người suốt hơn hai mươi năm cùng với các đồng chí khác bám trụ tại chiến trường với trăm bề thiếu thốn nhưng buộc lòng phải đưa ra “nghiêm lệnh” cho tất cả mọi người ở vùng căn cứ khi đi bắt cua đá, chỉ được ăn những con cua đực còn cua cái phải thả lại suối để nó sinh đẻ mới có ăn lâu dài mà trường kỳ kháng chiến. Anh Sáu còn nêu tấm gương cần kiệm mẫu mực khi đi hành quân cởi quần dài quấn cổ mặc cho lau lách cắt chân rớm máu với câu nói tận đáy lòng “da thịt trầy xước sẽ lành còn quần dài chỉ có một chiếc phải để dành có mặc (bận) lâu dài”.

 

Những năm tháng cơ quan ở Phước Tân - Cà Lúi, địch đổ quân càn quét dài ngày, tất cả cơ quan hết gạo, hết sắn phải ăn trái sung để sống, nhưng mọi người tự giác phân chia mỗi cơ quan quản lý một nhánh sung để “ăn nhịn, để dành” nhờ đó mà vượt qua thiếu đói.

 

Kháng chiến kéo dài đã luyện cho những người kháng chiến tinh thần lạc quan, tin tưởng, chấp nhận mọi thử thách nhưng cũng làm cho chính những con người đó thích nghi với đời sống vô cùng khắc khổ. Mỗi người với chiếc thắt lưng to bản, đeo chiếc bi đông lúc nào cũng đầy nước, chiếc cà mèn để nấu ăn, cuộn bông băng cá nhân, súng ngắn, ruột nghé gạo (nhiều khi là sắn khô, hạt mít) và chiếc gậy đi đường (chiếc gậy Trường Sơn) sẵn sàng khi có lệnh là hành quân, di chuyển bảo đảm giữ cho cơ quan đơn vị an toàn và phục vụ tốt nhiệm vụ được cấp trên giao.

 

Cuộc sống như thế cứ tiếp diễn hết năm này qua năm khác khiến không một ai còn nghĩ tới thời gian và chăm chút bản thân cho đến chiến dịch Đông Xuân năm 1972-1973, toàn chiến trường miền Nam thắng lợi, hội nghị Pari sắp kết thúc thắng lợi, thì Tổng thống Mỹ Ních Xơn lật lọng, dùng máy bay chiến lược B52 ồ ạt ném bom Hà Nội hòng gây sức ép, buộc chính phủ ta nhượng bộ nhưng chúng đã bị đòn trừng phạt “Điện Biên Phủ trên không” phải chịu thất bại nặng nề buộc chúng ngồi lại vào bàn đàm phán, ký kết Hiệp định Pari lập lại hòa bình ở Việt Nam.

 

gay-ts-2-110222.jpg
Minh họa: Đ.LÊ

 

Gần hai mươi năm ròng rã sống trong hoàn cảnh chiến tranh cực kỳ gian khổ, chưa bao giờ niềm vui chiến thắng trên cả ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao ập đến dồn dập, dâng trào như lúc này. Tại vùng căn cứ, từ các cấp lãnh đạo đến nam nữ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên, đều lấy ra những bộ áo quần đẹp nhất từ lâu cất kỹ trong đáy ba lô để diện thật đẹp, kéo về phía Hội trường Mùa Xuân và đến Trảng Sạn tham gia ngày hội liên hoan mừng chiến thắng kết hợp lễ kỷ niệm ngày thành lập Đoàn 26/3. Câu nói “bỏ gậy, cạo râu...” xuất hiện lẻ tẻ trước đó, bỗng nhiên trở thành phổ biến với hầu hết nam giới. Phong trào tự tập thể dục và tắm buổi sáng (tắm suối, nước rất lạnh) khá đông vui, vì lúc này không ai muốn mình là người thiếu mạnh mẽ. Cũng đúng dịp này, cấp trên chủ trương cho các lực lượng cách mạng được nghỉ ngày chủ nhật, nhiều cơ quan cấp tỉnh được bắt điện thoại (máy quay tay) nên suốt ngày “a lô” thăm hỏi, chúc mừng và hò hẹn, tạo thêm bầu không khí thật mới mẻ, giống như một cuộc cách mạng trong đời sống sinh hoạt.

 

Cánh mày râu “bỏ gậy, cạo râu, mặc đồ âu, tắm buổi sáng” còn chị em cũng tỏ ra chẳng thua kém, đó đây phảng phất mùi tóc thơm lừng hương lá sả, lá chanh, hoa bưởi. Nhiều cô gái trẻ trong lực lượng trinh sát, biệt động từ lâu bám trụ trong lòng địch cũng xuất hiện tại vùng căn cứ, thấp thoáng khách du xuân còn nghe thấy mùi nước hoa, chút son phấn, khiến cuộc đời thêm đẹp, thêm vui ngay giữa núi rừng.

 

Hội trường Mùa Xuân vừa là nơi hội họp, học tập chính trị, liên hoan mừng chiến thắng vừa trở thành địa chỉ hẹn hò của nhiều đôi trai tài, gái sắc mà đã lâu lắm rồi vì hoàn cảnh chiến tranh buộc trái tim và khát vọng yêu đương của họ bị kìm nén. Chính tại nơi đây, nhiều đôi bạn đã thành chồng, thành vợ và họ đã sống hạnh phúc đến tận hôm nay.

 

Thắng lợi dồn dập từ dịp vui tết, đón xuân năm 1973, chẳng những làm cho những người kháng chiến thay đổi nếp sống sinh hoạt theo chiều hướng phát triển đi lên mà cả núi rừng, cỏ cây cùng bừng sáng, reo vui, khiến cho đất trời cũng trở nên rạng rỡ, báo hiệu biết bao sự tốt lành.

 

Là người trong cuộc, chiêm nghiệm câu chuyện “bỏ gậy, cạo râu, mặc đồ âu, tắm buổi sáng” không chỉ dừng lại ở sự thay đổi một nếp sinh hoạt mà còn báo hiệu một sự chuyển hướng chiến lược của cách mạng miền Nam, mà kết quả tất yếu dẫn đến giải phóng tỉnh Phú Yên ngày một tháng tư và giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam vào ngày ba mươi tháng tư năm 1975.

 

NGUYỄN TƯỜNG THUẬT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tết đến Trường Sa
Thứ Hai, 07/02/2011 15:00 CH
Tây kể chuyện ăn tết Phú Yên
Chủ Nhật, 06/02/2011 07:00 SA
Chuối rừng ký sự
Thứ Bảy, 05/02/2011 11:00 SA
Người đàn bà mê… tiền
Thứ Sáu, 04/02/2011 15:00 CH
Làng H’Mông ở vùng giáp ranh Phú Yên
Thứ Năm, 03/02/2011 15:09 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek