Thứ Năm, 03/10/2024 22:29 CH
Trong nắng xuân ấm áp
Thứ Bảy, 13/02/2010 07:30 SA

1. Trời đã sang mùa. Gió đông bắc cùng mấy đợt mưa lạnh cuối cùng cũng tan biến. Nhưng nắng mai vẫn còn yếu ớt trong sương mù dày đặc, phải đợi đến gần nửa buổi sáng, nó mới rực lên màu chộn rộn của đất trời, rồi trải mênh mông trên sắc xanh háo hức của những vườn rau, lũy tre, ruộng lúa…

 

da-rang.jpg
Sắc xuân bên dòng sông Cái - Ảnh: H.HIẾU

 

Xe đổ đèo Thị rồi bon nhanh trên mặt bê tông của con đường ĐT 641 quen thuộc, xe đi trong nhịp hối hả của buổi sáng những ngày cuối năm sắp tết. Dọc bên đường là tiếng bà con í ới gọi nhau ra đồng, đi chợ; chốc chốc lại gặp những chuyến xe máy nổ như reo chở hàng về hướng La Hai; ấn tượng hơn cả là chiếc xe buýt lớn màu sơn mới bóng loáng đầy khách gấp gáp ngược chiều vào Tuy Hòa.

 

Xe đi trong nắng. Sau những ngày đông tháng giá, mới thấy sắc nắng vàng kia thật quý giá biết bao, nó còn đáng quý hơn ở vùng lũ Đồng Xuân này, bởi đã kịp phất lên một gam màu tươi sáng xóa đi những gì ảm đạm cho bức tranh làng quê sau thiên tai.

 

Song hành cùng ĐT 641 là dòng sông Cái uốn lượn uyển chuyển như dải lụa mềm vắt qua vùng quê Xuân Sơn: bên này là Xuân Sơn Nam, bên kia là Xuân Sơn Bắc. Xe vượt cầu tràn La Hai, rồi ngoặt phải đi về Xuân Sơn Bắc, lại chạy dọc bờ sông thêm một đoạn nữa. Con đường đất đã được sửa lại rất nhiều, nhưng vẫn không thể làm mất hết đấu vết những đoạn bị lũ khoét sâu. Nó nhắc mọi người về con sông trước mặt - sông Cái ngược lên trên gọi là sông Kỳ Lộ này - không chỉ hiền hòa như trong câu ca dao hữu tình:”Sông Kỳ Lộ vừa sâu vừa hẹp/ Nước Kỳ lộ vừa mát vừa trong/ Thuyền anh bơi ngược dòng sông/ Tìm em cho thỏa tấm lòng nhớ thương”, mà còn là một con sông dữ dội và hung hãn.

 

Chính nó đã tạo nên một số phận truân chuyên hơn cho Xuân Sơn Bắc này so với người anh em sinh đôi cùng tên ở bên kia bờ nam. Năm nào cũng vậy, hễ nghe có lụt ở huyện Đồng Xuân là Xuân Sơn Bắc ngập nặng. ĐT 642 chạy qua địa bàn của xã có cầu Cây Sung và tràn Sông Cô, nhưng cả hai đều bị ngập mỗi khi mùa mưa đến. Chỉ cần một đợt mưa lớn kéo dài thì Xuân Sơn Bắc trở thành ốc đảo. Chúng tôi đã mấy lần tổ chức cho hàng cứu trợ lên đây trong mùa bão lụt, đều phải bỏ ô tô lại, chuyển hàng lên đò mới đưa được vào xã.

 

Khủng khiếp nhất vẫn là trận lũ lịch sử năm rồi, Xuân Sơn Bắc bị lũ tàn phá nặng nề và bị chia cắt hoàn toàn, phải dùng trực thăng cứu trợ để đưa nhu yếu phẩm cho bà con lúc đó không còn lương thực, quần áo, chăn màn. Xuân Sơn Bắc nhìn từ trực thăng bay dọc trên sông Cái lúc đó chỉ nhận ra được những chòm xóm nhờ các lũy tre và những vườn cây đìu hiu giữa mênh mông biển nước.

 

Trên chuyến trực thăng cứu trợ thứ 37 bay vào vùng  cô lập, thượng tá Nguyễn Văn Khải – Chủ nhiệm bay Đoàn 917 kể với tôi: “Ngay khi lũ còn cao, chúng tôi đã nhận được lệnh ra Đồng Xuân. Mặc dù thời tiết chưa thật tốt, nhưng chúng tôi vẫn quyết định cất cánh, chỉ sau một vài chuyến bay cứu trợ đến các khu vực bị ngập chìm trong lũ dữ, chúng tôi đã quen dần và thời gian thực hiện các đợt bay cũng dần được rút ngắn. Bay đến Xuân Sơn Bắc này, thấy nước ngập trắng, nhiều người cần được cứu, lòng chúng tôi quặn thắt và thấy mình cần phải cố gắng thật nhiều để góp phần giúp đỡ người dân qua cơn hoạn nạn”.

 

Một mùa thiên tai đã đi qua. Mùa xuân lại mang đến những điều kỳ diệu. Dòng sông hung hãn đục ngầu hôm nào giờ đã trở lại hiền hòa và trong xanh, trong nắng buổi sáng tháng Chạp đang dần rực rỡ.

 

2. Dáng người chắc chắn, gương mặt cương nghị, nói chuyện cởi mở, anh Trịnh Hoài Bình dễ tạo cảm mến và sự tin cậy với cả những người chỉ mới gặp lần đầu. Đã hơn ba tháng rồi - nhưng ở đây lúc này, trong căn phòng làm việc của Đảng ủy xã Xuân Sơn Bắc, bàn ghế đã khang trang không còn ngập ngụa bùn đất như hôm tôi đến sau lũ - thì bão lụt vẫn là đề tài thời sự trong câu chuyện của chúng tôi.

 

- May quá - anh Bình nói - nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Trung ương, của tỉnh, của các doanh nghiệp và đồng bào khắp mọi miền đất nước, mà đời sống của bà con có được sự ổn định nhanh hơn, so với dự tính của chúng tôi.

 

Chúng tôi trao đổi với nhau về bốn vấn đề: chuyện ổn định đời sống cho bà con sau lũ; chuyện khắc phục hậu quả bão lũ gây ra phục hồi sản xuất; chuyện xây trường mới cho học sinh và chuyện lo tết cho bà con. Chuyện nào anh Bình cũng kể lại khá rành rọt.

 

“Những trường hợp khó khăn nhất trong xã đều nhận được sự quan tâm của lãnh đạo và bà con ở địa phương. Không còn gia đình nào phải lo cái đói, cái lạnh; những nhà khó khăn nhất cũng đã có gạo ăn trên hai tháng. Trên bốn mươi ngôi nhà bị sập hoàn toàn trong bão lũ, hầu hết đều đã được xây mới nhờ tiền hỗ trợ kịp thời của Nhà nước và bà con vay mượn thêm của người thân. Sau lũ, một số diện tích đất nông nghiệp bị cuốn trôi và cát lấp đều được khôi phục; nhờ Nhà nước hỗ trợ giống kịp thời, vụ đông xuân xuống giống hết diện tích và hiện thời lúa đang phát triển tốt. Cả hai trường cấp 2 và cấp 1 bị sập trong lũ đang được tiến hành xây dựng lại. Địa phương đang tập trung chuyển quà tết cho các gia đình theo đúng đối tượng và tập trung quan tâm các gia đình khó khăn neo đơn, để không có gia đình nào không có tết” - anh Bình nói.

 

Câu chuyện của chúng tôi chốc chốc có gián đoạn bởi tiếng thầy cô giáo và học sinh ở lớp học được bố trí ngay trong trụ sở xã. Anh Bình cười tươi: “Bố trí học ở đây, có xáo trộn các phòng làm việc, nhưng chuyện học của con em mình là phải ưu tiên hàng đầu mà”.

 

Chúng tôi đi thăm lại xóm Chợ ở thôn Tân Bình, nơi bị ngập sâu trong lũ nhất, đường đi lối lại được sửa chữa thông suốt, không ngổn ngang như những ngày sau bão lũ. Bên đường, trên những rặng tre, bờ rào, qua nhiều trận mưa tắm giội bùn, giờ đã thật sự hồi sinh dưới ánh nắng ấm áp.

 

Nhìn những mái nhà bị sạt đã được sửa chữa lại bên đường đi, chợt không thể không ngăn được sự trở lại trong trí nhớ về câu chuyện cả xóm này bám trên những nóc nhà kêu cứu giữa lũ. Tất cả đã tuyệt vọng và hoảng loạn, có gia đình đã dùng dây buộc tay cả nhà lại với nhau để chết không bị mất xác. Nhưng họ đã không bị thiệt mạng bởi thủy thần nhờ có những người dũng cảm đi cứu dân trong lũ dữ.

 

Tôi cứ tự hỏi không biết lúc đó anh cán bộ thường trực đảng ủy xã Trịnh Hoài Bình làm sao vật lộn với dòng nước, đưa xuồng đi cứu được nhiều người dân như vậy, nếu không có sức mạnh và lòng quả cảm phi thường. Tôi đã đọc báo cáo thành tích cứu dân của anh Bình tại Hội nghị biểu dương, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm các tập thể và cá nhân trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do tỉnh Phú Yên tổ chức, và thật sự ấn tượng với con số 42 người dân được anh Bình cứu sống. Trong đó, có 6 cụ già trên 80 tuổi, 12 trẻ em và nhiều phụ nữ. Ông Phạm Tộ, 84 tuổi, một trong những người được anh Bình cứu sống nói: “Tôi như được sinh ra lần thứ hai. Nếu không có cháu Bình thì tôi và mấy người con gái đã chết trong cơn lũ vừa qua rồi. Gia đình tôi biết ơn cháu Bình lắm”.

 

Được ông Nguyễn Tiến Toàn, Giám đốc Xí nghiệp Xe lăn tay Kiến Tường, một doanh nhân người Phú Yên thành đạt tại TP Hồ Chí Minh thưởng 10 triệu đồng vì hành động dũng cảm cứu người, anh Trịnh Hoài Bình đã tặng lại cho Trường tiểu học Xuân Sơn Bắc. Anh tâm sự: “Với tôi 10 triệu đồng là một số tiền không nhỏ, nhất là trong điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, đồng lương cán bộ xã hạn hẹp. Nhưng nhìn cảnh trường lớp tan hoang, học sinh phải học nhờ ở trụ sở xã, bản thân tôi chỉ muốn góp một phần nhỏ bé để giúp các cháu dựng lại trường, ổn định việc học”.

 

nha-moi.jpg

Xây nhà mới đón tết - Ảnh: H.HIẾU

 

3. Khung nhà với bốn bức tường cơ bản đã xây lên xong, khoảng hơn một tuần nữa là có thể đã về nhà mới. Bà Nguyễn Thị Mai ở thôn Tân Bình không giấu được niềm vui, cứ đi ra đi vào nhìn ngôi nhà đang xây sắp hoàn thành của mình. Những người thợ xây, phụ hồ cũng vui vẻ, hồ hởi nói cười làm không ngơi tay. Ở Xuân Sơn Bắc, hầu hết các nhà bị sập đều có niềm vui như gia đình bà Mai.

 

Rời Xuân Sơn Bắc, chúng tôi tiếp tục ngược lên thị trấn La Hai, bên đường bắt gặp một cây lớn, trên ngọn cây còn mắc lên đó một tấm màn cho thấy mức nước lũ khủng khiếp ở nơi đây. Thế nhưng, trên những cành cây không còn những rác với bùn như mấy tháng trước, mà các tán lá sạch sẽ như tươi mới hơn, và lại còn thấy thêm mấy ngọn lá nõn.

 

Chúng tôi lại bắt gặp những chuyến xe chở quà tết đến với bà con. Hai bên đường đã thấy nhiều người dân sửa sang lại bờ rào và những chậu cây cảnh còn lại để chuẩn bị đón xuân. Trên những cánh đồng, nông dân đang chăm sóc lúa đông xuân. Trên thảm xanh của lúa non, xa xa những chiếc nón lá và những cánh cò trắng cùng lấp lóa trong nắng.

 

Bút ký của HUỲNH HIẾU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Chuyện nghề của ba phi công lão luyện
Thứ Tư, 17/02/2010 15:00 CH
Còn đó Miễu Ông Cọp
Thứ Ba, 16/02/2010 15:00 CH
Lũa, đá ngàn năm...
Thứ Ba, 16/02/2010 07:30 SA
Dòng họ giỏi võ
Thứ Hai, 15/02/2010 19:00 CH
“Chúa sơn lâm” trên đại ngàn Phú Yên
Thứ Tư, 10/02/2010 18:00 CH
Người “thổi hồn” vào gỗ, đá
Thứ Hai, 08/02/2010 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek