Thứ Sáu, 04/10/2024 00:20 SA
“Chúa sơn lâm” trên đại ngàn Phú Yên
Thứ Tư, 10/02/2010 18:00 CH

Từ thuở xa xưa, vùng đất Phú Yên đã tồn tại và lưu truyền nhiều câu chuyện kỳ bí về thời khai hoang, mở cõi. Đặc biệt là những giai thoại về cọp, một loại mãnh thú được người dân trong vùng gọi là “ông ba mươi” và muông thú tôn thờ là “chúa sơn lâm”.

 

bat-cop1.jpg

Người xưa bắt cọp

 

“RỪNG NÀO, CỌP NẤY”!

 

Phú Yên buổi đầu khai khẩn là một vùng rất hoang sơ, núi rừng cọp, beo, rắn rít, chim muông nhiều vô kể, dưới sông cá sấu nổi đầu lên như bè củi. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hòa Xuân Đông (huyện Đông Hòa), thầy giáo Nguyễn Văn Điện, giáo viên Trường THCS Trần Nhân Tông thả hồn về quá khứ: “Rừng đèo Cả (huyện Đông Hòa) là rừng nguyên sinh với thảm thực vật và động vật phong phú. Vào mùa khô hanh hoa sim nở tím, hương thơm tỏa khắp cả vùng, nhiều loại chim muông kéo về, nhất là các loại thú quý như cheo, nai, heo rừng… Về mãnh thú, thì cọp, beo là hai loại được nhắc đến nhiều nhất vì chúng được người dân trong vùng xem là biểu trưng cho sức mạnh thiên nhiên và hoang dã”.

 

Nói về “ông ba mươi”, thầy giáo Điện hào hứng kể: “Dân lũy thép dưới chân đèo Cả gọi hổ là cọp, hay “ông ba mươi”. Thậm chí có nơi còn lập miếu thờ. Ngày trước, cọp ở đây nhiều và dữ đến mức ai nghe cũng run sợ!. Lúc bấy giờ, các vùng dân cư ở đây còn thưa thớt, cọp rất nhiều. Rừng nào cọp nấy, mỗi con cọp có một địa bàn hoạt động nhất định và những con khác không được xâm phạm. Chính vì thế mà cọp là loại thú quyết tâm bám giữ địa bàn của mình…

 

Cũng như rừng đèo Cả, rừng Hang Hổ ở xã An Chấn, thôn Phú Thạnh, xã An Chấn (huyện Tuy An) nằm vào núi tiếp giáp với dãy Trường Sơn, với diện tích ước chừng 121ha. Theo lời các cụ cao niên ở đây, ngày xưa vùng này có nhiều cọp nên dân quanh vùng đặt tên là Hang Hổ để mọi người thận trọng. Gần khu rừng này có hang Chùa do một thầy tu dừng chân  tu hành. Ông có võ, hoán cải được thú dữ nên không sợ chúng ăn thịt. Sau khi ông qua đời, nhân dân lập miếu để thờ, gọi là miếu Tạ Từ. Tuy nhiên, khi thầy tu này qua đời, cọp lại tiếp tục trở về Hang Hổ nên dân làng thường xuyên tổ chức người dân học võ, trang bị giáo mác đi tìm cọp để giết nên “ông ba mươi” sợ bỏ trốn lên núi cao.

 

CÁCH BẪY “CHÚA SƠN LÂM”

 

Do nhiều lần chạm trán với cọp dữ, người dân Phú Yên đã đúc kết nhiều kinh nghiệm đối phó, thậm chí giao đấu với “ông ba mươi”. Nhiều cụ cao niên sống dưới chân đèo Cả kể lại về cách đánh cọp như sau: “Muốn đánh được cọp phải nắm được quy luật là cọp thường quỳ chân sau, chống chân trước. Trước khi vồ mồi, cọp chạy theo thế bò sát rồi phóng tới, đuôi cọp phe phẩy hoặc để về phía nào cũng là chỉ dẫn để ta đoán trước hướng tấn công. Có chuyện khó tin kể rằng, võ sĩ cao cường có thể đánh cọp bằng tay không. Khi cọp nhảy tới, võ sĩ hụp xuống, nắm hai chân trước của cọp rồi dùng đầu đội lên, miệng cọp không hả ra được, nanh cọp trở nên vô hiệu. Do vậy, nhiều con cọp từng một lần chạm trán với người rất khôn ngoan, cứ nằm ngửa bụng lên nhìn đối thủ qua hai chân trước và hai chân sau. Với tư thế ấy, cọp dưỡng sức chờ cơ hội, ai nôn nóng, xốc tới cọp sẽ giữ chặt, người mạnh khỏe cũng không tài nào dằng ra nổi, cọp thừa cơ mà vồ trong nháy mắt!.

 

Còn về kinh nghiệm đặt bẫy mai phục, ông Tám Thủy, tay săn cọp một thời ở thôn Phú Khê 2, xã Hòa Xuân Đông “bật mí” thêm: Cọp tơ thường thích ăn thịt tươi, cọp già thì ăn thịt ươn. Dựa vào hai đặc tính này mà người ta đặt mồi nhử. Cọp nhỏ, muốn bắt sống thì phải gài bẫy vòng, còn gọi bẫy đạp. Đầu tiên, cột một đoạn dây luồn trong ống tre để khi cọp dính vòng không cắn được dây. Trên đoạn ống tre treo mồi nhử bằng thịt tươi, bên dưới thắt vòng đặt trên một bàn bẫy. Cạnh bẫy thì đào một hố sâu được ngụy trang bằng lá cây và lót dây rừng phía dưới để khi cọp dính bẫy rớt vào hố sẽ không thể vùng vẫy chạy thoát. Với cọp già thì phải sử dụng bẫy miệng cọp. Đó là một loại bẫy có tám thanh sắt, ở đầu mỗi thanh có khoan lỗ, kết thành hai khung vuông để làm một chiếc hàm cọp, phía ngoài hàn những miếng sắt cong vào như nanh cọp. Khi gài bẫy, một khung sắt đóng chặt xuống đất, khung sắt còn lại dấu dính vào khung thứ nhất và có ngàm”. Tuy nhiên, theo ông Thủy, loại bẫy này không phải lúc nào cũng có hiệu quả. Gặp những con cọp quá mạnh, chúng có thể vùng vẫy, cắn bỏ cái chân của mình để thoát thân.

 

Cũng theo ông Thủy, ngày trước trên các cánh rừng sâu ở Phú Yên cọp xuất hiện nhiều, còn bây giờ thì rất hiếm. Gần mấy chục năm nay, chưa có ai phải than trời vì cọp nữa. Vui mà buồn vì điều này chứng tỏ loài mãnh thú này gần như tiệt chủng. Có rất nhiều lý do để giải thích sự vắng bóng của “chúa sơn lâm” trên các cánh rừng ở Phú Yên. Tuy nhiên, cách giải thích thuyết phục nhất là do diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp, lại thêm nạn săn bắt thú rừng tràn lan. Vì vậy, cọp gần như vắng bóng trên đại ngàn Phú Yên.

 

VĂN TÀI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Chuyện nghề của ba phi công lão luyện
Thứ Tư, 17/02/2010 15:00 CH
Còn đó Miễu Ông Cọp
Thứ Ba, 16/02/2010 15:00 CH
Lũa, đá ngàn năm...
Thứ Ba, 16/02/2010 07:30 SA
Dòng họ giỏi võ
Thứ Hai, 15/02/2010 19:00 CH
Người “thổi hồn” vào gỗ, đá
Thứ Hai, 08/02/2010 07:00 SA
“Giông bão qua rồi, đất lại đơm bông”
Thứ Bảy, 06/02/2010 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek