Chủ Nhật, 12/01/2025 09:06 SA
Thương lắm quê mình
Thứ Bảy, 24/01/2009 19:02 CH

1 Cuối cùng, sự dùng dằng của một mùa đông dài cũng đã đi qua. Khi xuất hiện những ngày nắng đầu tiên sau quãng thời gian bầu trời luôn u ám và mưa gió, thì đã cận kề với ngày đưa ông Táo về trời. Ở dải đất duyên hải Trung Trung bộ này, mùa đông luôn đồng hành với nhiều lo toan về mưa gió, bão lũ, sự tàn phá của thiên nhiên. Nếu chỉ có mưa thôi đã là phúc, nhưng mưa đến “chín chiều” thì cũng đã đình trệ bao nhiêu công việc của cuộc sống hàng ngày. Tôi ngại ra ngoài trời vào những lúc như thế.

 

Tranh-5-090123.jpg

Tranh: TRẦN TRƯỞNG

 

Tôi lớn lên ở mảnh đất Tuy Hòa, nơi thừa thãi bão, lũ và lụt ấy. Dẫu từng trải với thiên tai, năm này qua năm nọ, cứ tưởng mình sẽ chai sạn hơn với sự cuồng nộ của đất trời. Vậy mà mỗi khi mùa mưa bắt đầu, lòng lại phập phồng lo sợ. Cách đây gần mười năm, khi đó tôi sống và làm việc ở Tuy Hòa, cơn bão dữ đổ bộ vào đất liền lúc nửa đêm, quần đảo đến hơn bốn giờ, khiến mọi sự chuẩn bị của người dân hầu như trở nên vô nghĩa. Đêm ấy, trú trong căn nhà cấp ba, tiếng gió gào thét khiến tôi cứ muốn chui xuống cái bàn làm việc dày cộp, với mong muốn mình có thêm một sự chở che. Sự sợ hãi vô lý ấy quả đáng nhận được đồng cảm, vì sáng ra, sự hoang tàn bày ra trước mắt, khắp nơi... Ngày ấy, vẫn chưa có một thông tin nào cho biết trung tâm cơn bão vào đâu, tôi tháp tùng cùng các đồng nghiệp ở Đài Truyền hình Phú Yên (bây giờ là Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên) lên xe để tìm “dấu chân của bão”. Thật may, đài tổ chức nhiều đoàn để đi xuống cơ sở, tôi nhập đúng với đoàn đi ra hướng Sông Cầu, cũng là nơi “mắt bão” đi qua. Những thân dừa ngã oạch, vặn xoắn như chiếc dây thừng vĩ đại. Hàng chục chiếc tàu, thuyền bị sóng dữ lôi hẳn lên bờ, vỡ vụn. Nhiều ngôi nhà, trường học sập nát, trở thành những đống xà bần... Ngược lại thời gian trước đó nữa, tôi nhớ không nhầm thì đó là năm 1993. Liền sau cơn bão là một trận lụt nhớ đời. Gia đình tôi sống trong vùng hạ lưu của sông Bàn Thạch, lần đó cả một vùng rộng lớn ngập chìm trong nước lũ suốt ba ngày đêm, vô số ngôi nhà chỉ lóp ngóp mái. Nói chung, năm nào không bão thì cũng lũ lụt, và ngược lại. Nhớ cụ thể từng năm thì không xuể nữa rồi...

 

Mấy năm gần đây tôi sống xa quê. Nhưng mỗi mùa mưa đến lòng vẫn hướng về chốn cũ, tin tức luôn cập nhật qua báo đài; hoặc gọi điện hỏi thăm người thân, bằng hữu. Bão và lũ lụt vẫn liên tiếp hoành hành, cảm thấy thương hơn người dân quê mình, luôn phải đương đầu với mùa đông nguy khó. Năm ngoái ở Nha Trang, tận mắt chứng kiến hàng trăm người dân thành phố du lịch vốn chưa biết bão là gì, đổ xô nhau ra bờ biển để.... đón bão đổ bộ vào, mà dạ tôi thấy bất an quá đỗi. Bão tiến vào đất liền chỉ còn vài mươi km, loay hoay một hồi rồi... quay ngược trở ra. Có thể, dường như bão lũ chỉ “thích” đối đầu, thử thách những người can trường, dũng khí và giỏi chịu đựng, như người dân đất Phú Yên vậy.

 

2 Buổi sáng, nắng đầu xuân có vẻ còn ngập ngừng dò xét giữa tiết trời se lạnh, rồi theo cánh chim yến rời tổ kiếm mồi, mạnh dạn bừng lên, cho ai đó dứt khoát cởi bỏ chiếc áo ấm ròng rã mấy tháng liền luôn khoác trên mình. 23 tháng Chạp, ngày đưa ông Táo về trời. Lại đúng vào ngày chủ nhật, tạm gác mọi chuyện, tôi một mình một xe, rời xa sự sầm uất để rong ruổi về mấy vùng ngoại ô thành phố. Hồi còn ở Phú Yên, mỗi khi thấy những chậu hoa mai, cúc, trang... được các nghệ nhân vùng hoa Ngọc Lãng, Bình Ngọc, Phước Hậu... lũ lượt chất lên xe tải, lên đường vào Nam, ra Bắc, vượt cả đèo lên tận mấy tỉnh Tây Nguyên, cảm xúc về mùa xuân trong tôi lại dâng trào. Đến khi lên Tây Nguyên công tác, tôi chưa kịp cảm nhận những “tín hiệu” báo xuân của xứ sở núi rừng hùng vĩ, đành mượn tạm chút “lửa sưởi ấm” bằng tình đồng hương với mấy anh em mang hoa lên bán ở thị xã Kon Tum, để thức tỉnh nhưng lo toan cho ba ngày tết của mình. Lúc này tôi lại ở Nha Trang, tuy không xa xôi và khác biệt mấy với quê nhà, nhưng nơi đây có thêm một tín hiệu đặc biệt để đón xuân, đó là những cánh chim yến thêu dệt trên nền trời. Chim yến đã không chỉ xem mấy hòn đảo ở vịnh Nha Trang làm lãnh địa sinh tồn, chúng đã được Công ty yến sào Khánh Hòa dẫn dụ để vào đất liền sinh sống. Ngoài việc ấp nở và nuôi nhân tạo chim yến thành công, công ty này đã triển khai dự án nuôi chim yến trong nhà cho 50 hộ dân trong tỉnh. Thế nên, lúc này bóng chim yến đã dập dìu trên nền trời giữa phố xá, đồng quê. Những ngày nắng ấm này, những chấm nhỏ màu đen của chúng nổi bật giữa nền trời trong xanh, ấm áp lạ.

 

Mấy năm gần đây, diễn biến thời tiết ở dải đất miền Trung rất khó lường. Mùa đông dài đằng đẵng, khiến cho cái mốc “23 tháng mười” gần như lung lay, bị xóa bỏ. Mưa nhiều và lũ muộn, nước trắng đồng. Phú Yên, Bình Định và cả Khánh Hòa, việc gieo sạ vụ lúa đông xuân của người dân cứ bị hư hại mấy lượt. Đồng áng trở nên bấp bênh, hàng chục nghìn ha ruộng lúa bị hư hại. Lệ thường, thời điểm này nhà nông chỉ ra thăm đồng trước khi an nhàn với dăm ngày tết nhất, thì nay đã phải ngập chân trong đất bùn để gieo sạ lại. Tôi không thích hình ảnh này như một cách báo hiệu xuân sang...

 

Trên đường về lại thành phố, ở đoạn có những hàng cau và lũy tre xanh bên đường, tôi đã ngất ngây với hương bánh thuẫn tỏa đi từ nhà ai đó. Bất giác, tôi hít thật sâu để lồng ngực được ngập tràn mùi hương tưởng chừng đã mãi mất đi qua mấy chục năm rồi. Cảm ơn nhà ai đó nhé! Vậy là tết đến gần lắm rồi.

 

TIÊN MINH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Saint Petersburg – nơi mùa thu vĩnh cửu
Thứ Sáu, 30/01/2009 19:00 CH
Làng trâu dưới chân đèo Cả
Thứ Sáu, 30/01/2009 07:03 SA
Cảm nhận Bắc Kinh - Thượng Hải
Thứ Năm, 29/01/2009 07:04 SA
Tây tình nguyện ở Phú Yên
Thứ Tư, 28/01/2009 19:02 CH
Cao Bằng - Lạng Sơn rượu uống thìa
Thứ Tư, 28/01/2009 07:00 SA
Luồn rừng lùng lan Tai trâu
Thứ Ba, 27/01/2009 19:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek