Chủ Nhật, 12/01/2025 08:45 SA
Tết sớm trên vùng cao Phú Mỡ
Thứ Sáu, 23/01/2009 15:42 CH

Trong một dịp tiếp xúc cử tri cách đây trên 10 năm, ông Thái Phụng Nê đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên - nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên đã phát biểu: “Với Phú Yên thì xã Phú Mỡ có rất nhiều cái nhất: Cao nhất, xa nhất, khó đi nhất, nghèo đói nhất, chịu khó nhất và  anh hùng nhất”. Trở lại Phú Mỡ trong mùa xuân này mọi sự đã đổi khác. Cái khó khăn, nghèo đói đã không còn nữa mà thay vào đó là cuộc sống mới văn minh, no ấm. Sức sống mới từ một vùng căn cứ cách mạng đang bừng lên trong ánh nắng mùa xuân.

 

pm7.gif

Núi rừng vùng cao Phú Mỡ

 

Vùng cao đón Tết sớm bằng  lễ đổ  đầu (Tết đổ đầu)

 

Sáng nay, già làng Ma Phọm dậy sớm hơn mọi ngày khi con gà rừng trên đỉnh núi Bà Sân cất tiếng gáy đầu tiên. Ông giục mọi người trong gia đình cùng dậy chuẩn bị để tiến hành thủ tục đón Tết đổ đầu. Ông sai thằng cháu nội La Văn Trí chạy ra dòng suối Cà Tơn lấy về cho ông bầu nước mát chảy từ mạch rừng trên dãy Trường Sơn. Ché rượu to nhất được bà Mí Phọm tự tay ủ lấy cách đây 3 tháng được mang ra chùi rửa sạch sẽ. Con gà  cồ to nhất được nhốt riêng từ mấy hôm nay  là thứ lễ vật không thể thiếu trong lễ đổ đầu. Gia đình Ma Phọm bắt đầu đón Tết.

 

Trước khi vào lễ già làng Ma Phọm trong bộ quần áo thổ cẩm truyền thống chỉnh tề, nghiêm trang vái bốn phương và cất lời khấn vái trời đất: “Năm hết tết đến, hôm nay nhà Ma Phọm cúng lễ đổ đầu, xin phép Yàng cùng các thần sông, thần suối, thần rừng  được lên chòi rinh (kho thóc) mang lúa về nấu cơm mới, xin được lấy bầu nước tinh khiết từ nguồn suối mạch rừng, được cắt tiết gà để làm phép đổ đầu tạ ơn thần linh…”. Mọi người trong nhà, đàn ông bên trái, đàn bà bên phải, ngồi nghiêm trang bên mâm cúng để nghe khấn lễ. Ma Phọm vừa khấn vừa bốc gạo vãi lên mời Yàng pơkah, Yàng pơsưh về tiễn năm cũ đón năm mới, nhờ các thần linh  phù giúp cho gia đình khoẻ mạnh, mùa màng bội thu. Nắm gạo thứ hai được vãi ra mời thần núi, thần sông, mời ông bà tổ tiên, về cùng gia đình Ma Phọm hưởng lễ. Nghi lễ quan trọng nhất của Tết “đổ đầu” là sau khi hành lễ chính thức, các thành viên trong gia đình được già làng đổ mấy giọt máu gà hòa với rượu lên đầu, vào trán, thể hiện sự sinh sôi nảy nở, sự tái sinh mang ý nghĩa phồn thực cùng với ước vọng tạo ra sức sống mới khi bước vào năm mới. Sau lễ cúng, gia đình mời bà con hàng xóm cùng mọi người ăn uống, chúc tụng, chuyện trò vui vẻ.

 

Tết này Phú Mỡ không còn nghèo

 

Tháng chạp nắng mai bừng lên khắp núi rừng vùng cao Phú Mỡ. Ngọn La Hiên hùng vĩ vút cao và dòng suối Cà Tơn vẫn trong xanh màu xanh chung thủy. Ngọn núi này và dòng sông kia là sức mạnh của lòng dân và lòng sắc son của hàng vạn tấm lòng người Chăm H’Roi và Ba Na với Đảng, với Bác Hồ.  Những ngày này, 558 hộ người Chăm H’Roi ở các buôn làng xã vùng cao Phú Mỡ đều sống trong không khí rộn ràng. Ban ngày dân làng tập trung làm cỏ lúa đông xuân lần 1. Tranh thủ lúc rảnh tay, đàn ông lo sửa sang nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi bò, heo, lau rửa các công cụ sản xuất như cày bừa, rìu rựa, chày cối. Đàn bà hoàn thành những bức thổ cẩm, quét dọn nhà cửa, đánh rửa nồi niêu, ấm chén, bát đũa, chuẩn bị con gà béo, ché rượu ngon, gói bánh tét, mua trầu cau cùng những vật dụng cần thiết khác cho Tết.

 

Các già làng tập trung tại các nhà rông văn hoá để tu sửa, lợp lại mái tranh, cột thêm nuộc lạc để chuẩn bị tổ chức đón đêm giao thừa. Theo già làng Ma Nghĩa thôn Phú Lợi xã Phú Mỡ là người sống lâu ở vùng này giải thích: “Tự ngàn  đời nay theo phong tục thì tết của đồng bào dân tộc Chăm H’Roi trên này sớm hơn dưới xuôi. Từ 25 tháng Chạp là bắt đầu ăn tết rồi. Nhà nào cũng vậy, có ít làm ít, có nhiều làm nhiều, đều bày lễ cúng đổ đầu, cảm ơn các thần linh phù hộ cho mình sau một năm mạnh cái chân, khoẻ cái tay, sáng cái đầu để làm ra nhiều hạt lúa, nói được cái lời hay, dân làng đều khoẻ mạnh…”. Đây là lễ thức mang đậm nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Chăm H’roi tại Phú Yên đã bao đời nay.

 

Ma Minh, Phó bí thư thường trực Đảng uỷ xã Phú Mỡ vui mừng thông báo: 2 thôn khó khăn nhất là Phú Đồng và Phú Hải đang được đầu tư kéo điện lưới quốc gia. Dự án này do Ban quản lý dự án năng lượng nông thôn khu vực miền Trung đầu tư. Dự kiến trong năm 2009 này sẽ có điện. Hỏi thăm đời sống bà con, Ma Minh nói: “Bây giờ bà con trên này không còn nghèo đói nữa đâu. Trừ 2 thôn Phú Hải, Phú Đồng chưa làm được lúa nước thì hơi khó một chút, nhưng cả 4 thôn con lại là Phú Giang, Phú Lợi, Phú Tiến 1, Phú Tiến 2 đều có ruộng lúa nước 2 vụ, tổng diện tích đã gần 70 ha, đời sống bà con khá lắm rồi. Tết này vui lắm đấy”. Ngoài diện tích lúa nước bà con còn nuôi bò với tổng đàn 2450 con, trồng 350 ha sắn, 100ha mía và hàng ngàn ha cây trồng các loại.

 

Mùa này đứng trên đỉnh dốc Ruộng nhìn toàn cảnh núi rừng Phú Mỡ toàn một màu xanh ngắt. Màu xanh của đại ngàn hùng vĩ, màu xanh của rẫy mía nương ngô, màu xanh của những cánh đồng lúa nước đang thì con gái. Trong câu chuyện làm ra hạt thóc để dân làng no cái bụng bà con không bao giờ quên ơn già làng Ma Nghĩa. Người được mệnh danh là ông già “Làm giàu cho cả làng”. Chính ông đã vận động dân làng từ bỏ việc phát rừng làm rẫy, cùng nhau “dồn điền đổi thửa”; cùng gom ruộng đất lại rồi chia đều cho từng hộ để làm lúa nước. Nhờ ông nhà ai cũng có vài sào lúa nước. Được mùa mỗi nhà thu hàng tấn thóc, năm nào không thuận cũng đủ ăn. Với đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, có hạt thóc ăn no cái bụng là mới nghĩ đến chuyện làm cái đường giao thông, mới nghĩ đến việc giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

 

pm5.gif

Mí Diễn khoe nhà đã bắt điện thoại

Điều bất ngờ khi một sớm mai thức dậy tôi nhận được một cú điện thoại lạ, bốc máy lên mới nhận ra lời bà Mí Diễn. Sực nhớ lại câu chuyện hôm lên đây công tác Mí Diễn khoe nhà đã bắt điện thoại nhưng không nhớ số. Tôi ghi lại số điện thoại của mình cho bà, thế là người miền xuôi, miền ngược giờ đây không còn xa cách nữa. Nghe điện thoại Mí Diễn nói ngay:  “Nhà báo ơi dưới đó có mưa không, trên này sáng nay mưa to quá, tụi thanh niên đang tập cồng chiêng chuẩn bị tham gia đêm hội giao thừa dưới tỉnh phải chạy vào nhà rông văn hoá…”. Trời mưa, ảnh hưởng đến việc văn nghệ tập cồng chiêng nên Mí Diễn lo lắng là phải, tôi biết Mí Diễn vui cái bụng lắm, Mí Diễn cho biết: “Năm nay thu được 26 bao lúa. Tết này 4 đứa con đang học ở tỉnh, ở huyện tập trung về mình làm một con heo để ăn tết”. Không chỉ Mí Diễn, Tết này Phú Mỡ có 90% hộ có nhà ngói nhờ các chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình dân tộc đặt biệt khó khăn..

 

Đường giao thông từ thị trấn La Hai trung tâm huyện Đồng Xuân về Phú Mỡ đã có thêm 3 cây cầu: cầu Suối Trăng, cầu Suối Gấm và cầu Cà Tơn. Toàn tuyến đường dài trên 30 km đã kịp tu sửa sau mùa mưa để tiện việc đi lại cho bà con trong dịp tết.

 

Tết trên vùng cao Phú Mỡ vui nhất vẫn là đêm giao thừa. Toàn xã có 6 thôn nhưng có đến 7 cái nhà rông văn hoá. Hỏi ra mới biết ở thôn Phú Giang có 2 làng là Bè và làng Hội. Khi huyện phân bổ chỉ tiêu hỗ trợ xây  nhà rông văn hoá thì nhà văn hoá đặt tại làng Hội. Bà con làng Bè đề nghị và được hỗ trợ xây dựng thêm cho làng Bè một nhà rông văn hóa nữa. Đêm giao thừa, Đảng, chính quyền và các già làng cùng tổ chức đêm hội cồng chiêng. Xóm làng quây quần bên nhau mời nhau rượu cần, chuyện trò râm ran, nhìn lại kết quả lao động của năm qua rút ra bài học kinh nghiệm bổ sung và phương hướng kế hoạch lao động sản xuất của năm mới phải đạt được những kết quả mới. Cũng tại các nhà rông diễn ra các trò chơi dân gian đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ; rồi các môn thể thao bóng chuyền, bóng đá, cờ tướng. Cũng trong dịp này từng buôn làng chọn ra những gia đình tiêu biểu trong các phong trào, những gia đình chính sách đạt các danh hiệu thi đua, những gia đình có nhiều thành tích, công sức đóng góp xây dựng xóm làng, như các gia đình già làng Ma Nghĩa, Ma Hường, Ma Phọm, Mí Diễn, Oi Tứ,  Oi Lương sẽ được dân làng tổ chức đội cồng chiêng đến từng nhà múa hát chúc tụng chung vui cùng gia đình trong buổi sáng mồng một Tết.

 

Những món quà đầu năm của người vùng cao là thế, những món quà được đúc kết từ thực tế truyền thống anh hùng, từ nét đẹp truyền thống ngàn đời của người Việt Nam; những thứ mà không cao sang,  hiện đại như những cột pháo hoa nơi kinh thành xa hoa lộng lẫy. Nhưng nơi ấy có những món quà tết giàu tính nhân văn. Có ngọn núi dòng sông hoà quyện vào nhau tạo nên khối đại đoàn kết  dân tộc mà không gì làm lay chuyển được.

 

TRÌNH THU TRÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Saint Petersburg – nơi mùa thu vĩnh cửu
Thứ Sáu, 30/01/2009 19:00 CH
Làng trâu dưới chân đèo Cả
Thứ Sáu, 30/01/2009 07:03 SA
Cảm nhận Bắc Kinh - Thượng Hải
Thứ Năm, 29/01/2009 07:04 SA
Tây tình nguyện ở Phú Yên
Thứ Tư, 28/01/2009 19:02 CH
Cao Bằng - Lạng Sơn rượu uống thìa
Thứ Tư, 28/01/2009 07:00 SA
Luồn rừng lùng lan Tai trâu
Thứ Ba, 27/01/2009 19:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek