Hơn 10 ngày qua, chúng tôi với ba lô con cóc trên lưng, mũ nón, khăn che nắng, kính mát… rong ruổi trên những con đường của thủ đô Bangkok và đi đến những vùng xa hơn của Vương quốc Thái Lan.
Tác giả bên hoàng cung của Vương quốc Thái Lan. Ảnh: CTV |
1. Chiếc máy bay A320 của hãng hàng không Vietjet Air hạ độ cao rồi chạm bánh nhẹ nhàng xuống đường băng Tân Sơn Nhất. Nhìn ra cửa sổ phía bắc sân bay, những vuông cỏ xanh rộng lớn nối tiếp nhau chen vào giữa những đường băng rộng dài, những hàng cây lúp xúp xa xa và cuối tầm mắt là bờ lũy xanh rì như lũy tre làng ở miền quê cho ta cảm giác thoáng đãng và dịu mát giữa trưa thành phố mang tên Bác ngập nắng. Đó là cảm giác của những người từ Bangkok bay về TP Hồ Chí Minh.
Hơn 10 ngày qua, chúng tôi với ba lô con cóc trên lưng, mũ nón, khăn che nắng, kính mát… rong ruổi trên những con đường của thủ đô Bangkok và đi đến những vùng xa hơn của Vương quốc Thái Lan như: Cố đô Ayutthaya, Pattaya, Chiangmai, lên gần ngã ba Tam Giác Vàng... Chỉ hơn 10 ngày mà da đã đen cháy, nếu không nói tiếng Việt thì người ta dễ nhầm tưởng chúng tôi là người Thái. Cái nắng Thái Lan, đặc biệt là nắng Bangkok mùa này như từ lò lửa hắt ra!
Thái Lan là đất nước có tới 95% dân số theo Phật giáo. Đi đâu chúng tôi cũng chiêm ngưỡng chùa với những đỉnh tháp nhọn vút lên trời cao được sơn son thếp vàng hoặc được tô điểm nhiều màu sắc lấp lánh. Gặp các sư đi ngoài đường, từ già đến trẻ đều chắp tay cúi đầu, thậm chí có người còn quỳ xuống đường vái lạy. Người Thái có câu nói truyền đời như lời răn: “Ăn trước khi đói; nói sau khi nghĩ; làm phước trước khi làm giàu; đi tu trước khi lấy vợ…”. Những người Thái mà tôi tiếp xúc đều hiền lành, đôn hậu. Họ thường chắp tay cúi đầu hoặc nhún chân để chào hoặc nói lời cảm ơn. Tôi bật cười bởi câu hỏi chợt xuất hiện trong đầu. Không biết tính cách hiền lành đó có liên quan gì đến những cuộc chiến tranh trong lịch sử giữa Thái Lan với các nước xung quanh không? Vì trong lịch sử, Vương quốc Xiêm bị xâm lược nhiều hơn là đem quân đi đánh nước khác. Vào những năm 60 của thế kỷ XVIII, người Miến (Myanmar) đã đánh bại Vương quốc Xiêm (Thái Lan), chiếm kinh đô Ayuttaya, tàn sát vô tội vạ, đập phá đền đài chùa chiền… Cố đô xưa nay đã là phế tích. Người Thái vẫn giữ nguyên hiện trường đổ nát như thế như một chứng tích chiến tranh và tội ác. Với sự khéo léo trong nghệ thuật làm du lịch, ngày nay người Thái đã biến chứng tích chiến tranh với sự đổ nát của kinh thành do quân xâm lược tàn phá trở thành điểm thu hút du khách quốc tế.
Rời kinh đô xưa, chúng tôi đến Bangkok. Thành phố lớn với 14 triệu dân, có công nghiệp và thương mại phát triển, hệ thống đường sá chằng chịt nhiều tầng nhưng nạn kẹt xe vẫn đang là “đặc sản” của nơi này. TP Hồ Chí Minh và Bangkok gần như có cùng kinh độ, vĩ độ, nhưng TP Hồ Chí Minh cho ta cảm giác mát dịu vì có nhiều khoảng xanh; còn ở Bangkok thì dày đặc bê tông, nên dường như thành phố có màu xám của bụi và khói xe.
Chúng tôi vào thăm hoàng cung vàng son tráng lệ - biểu tượng của những triều đại cường thịnh xưa của Vương quốc Xiêm, trong đó có một triều đại hùng cường đã dám kéo quân đi đánh xứ người. Đó là vào năm 1785, vua Xiêm đã cử các tướng giỏi trong giới hoàng thân thống lĩnh 5 vạn quân gồm 2 vạn thủy quân và 3 vạn quân bộ vượt cả ngàn cây số xuyên qua xứ Miên, tuyển thêm vài ngàn quân nữa tiến sang nước ta giúp Nguyễn Ánh đánh quân Tây Sơn. Nhưng thủy quân đã bị Nguyễn Huệ lập kế đánh cho tan tành tại một khúc sông Tiền ở đoạn Rạch Gầm - Xoài Mút; đạo quân bộ nghe tin vội vã quay đầu tháo chạy về nước...
Xe tuk tuk - phương tiện giao thông đặc trưng của Thái Lan. Ảnh: CTV |
2. Trước đây, khi còn làm việc tại Sở Du lịch - Thương mại, tôi có dịp sang Thái Lan công tác, tiếp xúc với một số người ở Tổng cục Du lịch nước bạn. Họ khen Việt Nam có nhiều phong cảnh đẹp từ vùng núi đến miền biển, nhiều truyền thuyết hay, nhiều câu chuyện lịch sử hấp dẫn và có chiều sâu về văn hóa. Nhưng họ nói thẳng là Việt Nam chưa có kinh nghiệm làm du lịch nên việc thu hút khách không đáng kể. Lúc ấy ta đang phấn đấu để mỗi năm đạt 3 triệu lượt khách quốc tế thì Thái Lan đã đạt 18 triệu lượt khách quốc tế. Năm 2023, Việt Nam đang phấn đấu đạt 10 triệu lượt thì Thái Lan đã có kế hoạch đạt 30 triệu lượt khách quốc tế. Trên đất Thái, đâu đâu cũng gặp du khách Á, Âu nhộn nhịp, từ hoàng cung dát vàng rực rỡ ở Bangkok cho đến cố đô đổ nát hoang phế ở Ayuttaya; từ Pattaya bên bờ biển phía nam cho đến Chiangmai - vùng núi phía bắc; từ các chùa linh thiêng cho đến khu vui chơi giải trí, có nơi phô trương những show diễn khá trần tục, và các nhà hàng, siêu thị, cửa hàng mua sắm… đều tấp nập du khách nước ngoài.
Một câu chuyện nhỏ nói lên tài thu hút du khách của người Thái, đó là nhà hàng mì thuyền được quảng bá tới mức đến Bangkok thì phải ăn mì thuyền. Muốn ăn thì vô google map rồi lặn lội đến nơi, mới thấy bên trong hết chỗ, bên ngoài còn xếp một hàng dài chờ có bàn trống để nhân viên hướng dẫn đưa từng tốp vào. Trong nhà hàng có một mặt đá khắc câu chuyện bằng tiếng Thái và tiếng Anh kể rằng, ngày xưa, xưa lắm có một người Hoa bán mì trên con thuyền nhỏ, mì rất ngon, nhà hàng này là hậu duệ của con thuyền xưa đó. Nội dung tóm lại chỉ vậy thôi, mà diễn giải hết một mặt đá đọc khá hấp dẫn.
Thực ra những câu chuyện, những phương thức quảng bá cho du lịch thì Việt Nam ta cũng đã làm, người Thái có thể có kinh nghiệm hơn đôi chút và có hiệu quả hơn nhưng điều đó chưa phải là yếu tố quyết định để thu hút du khách. Theo một số người làm du lịch ở Thái Lan, cốt lõi là sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành: Du lịch, Giao thông, Thương mại, Thuế và cả ngành Cảnh sát. Các ngành phối hợp, hỗ trợ nhau tạo nên một môi trường cho hoạt động du lịch với các chính sách về giá cả khá tốt làm hài lòng du khách.
Phương tiện đi lại ở Bangkok rất đa dạng. Bên cạnh các nhãn hiệu taxi còn có rất nhiều xe công nghệ. Ngoài ra còn có xe tuk tuk - một loại xe đặc trưng của Thái Lan, được trang trí sặc sỡ trông vui mắt. Đến Thái Lan không thể không đi xe tuk tuk. Lên xe tuk tuk chạy lòng vòng ngắm phố và chụp ảnh, chịu nắng gió, khói bụi một tí nhưng thú vị vô cùng.
Thái Lan cùng trong tổ chức ASEAN với Việt Nam, thủ tục xuất nhập cảnh hai chiều đều nhanh chóng, thời gian bay từ TP Hồ Chí Minh đến Bangkok và ngược lại chỉ khoảng trên dưới 1 tiếng 15 phút; giá vé máy bay khứ hồi khoảng hơn 3 triệu đồng. Đó là những thuận lợi cho người dân hai nước qua lại tham quan, làm ăn buôn bán. Hy vọng các nước trong khối ASEAN ngày càng hòa nhập, gắn kết; trở thành một cộng đồng mạnh mẽ, hòa bình và phát triển, hướng tới tương lai.
Người ta nói du lịch là đi ngắm xem, chiêm ngưỡng phong cảnh, thành quách của nơi đến, tiếp xúc và thẩm nhận các giá trị văn hóa của xứ người. Bởi vậy đi đến bất cứ đâu cũng đem lại cho ta những trải nghiệm thú vị, những kiến thức mới mẻ. |
HOÀNG NGUYÊN