Thứ Năm, 28/11/2024 19:39 CH
Hiroshima - Từ điêu tàn đến phồn thịnh
Chủ Nhật, 06/08/2023 10:00 SA

Đến Nhật Bản, không thể không đến Hiroshima - nơi đầu tiên bị tàn phá khủng khiếp bởi quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới. Đến đây để nhìn thấy và nhận ra người Nhật đi lên từ tro tàn như thế nào, hiểu thêm về bài học lịch sử ngày trước, để cảm nhận đầy đủ hơn về sức công phá của vũ khí hạt nhân.

 

Du khách chụp ảnh lưu niệm bên dòng sông chảy qua khu tàn tích. Ảnh: HOÀNG NGUYÊN

 

1. Từ thành phố cảng Kobe đến Hiroshima mất hơn 4 tiếng đồng hồ phóng xe trên đường cao tốc. Tôi biết về Hiroshima qua trang lịch sử thế giới vắn tắt được học từ thời trung học. Một thành phố đã biến thành bình địa bởi bom nguyên tử trong chiến tranh thế giới thứ II.

 

Người thuyết minh ở Bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima đưa du khách “trở về” giai đoạn cuối cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II. Lúc này, tình hình chiến trường đã rõ, thế trận đã nghiêng hẳn về phe Đồng minh. Ngày 26/7/1945, Tổng thống Mỹ Harry Truman và các lãnh tụ phe Đồng minh ra tuyên bố Postdam yêu cầu Nhật đầu hàng vô điều kiện; văn kiện đã in thành truyền đơn rải xuống khắp nước Nhật. Nhưng Chính phủ Nhật và giới truyền thông vẫn phớt lờ; quân đội Nhật vẫn gan lì chiến đấu dù cho đã có gần trăm thành phố bị san bằng bởi những trận ném bom của hàng trăm máy bay Mỹ trên bầu trời Nhật Bản.

 

Ngày 6/8/1945, 3 chiếc máy bay tiến vào không phận phía nam của Nhật, trong đó có 1 chiếc T29 mà thời đó người ta gọi là pháo đài bay. Lúc đầu, quân đội Nhật báo động chiến đấu nhưng mãi chỉ thấy có 3 phi cơ nên cho rằng chỉ là tốp trinh sát và bãi bỏ lệnh báo động. Thì ra đó là đội hình ném bom nguyên tử bao gồm 1 chiếc trinh sát làm nhiệm vụ xác định tọa độ, 1 chiếc đi theo quay phim, ghi hình và pháo đài bay T29 làm nhiệm vụ thả bom. Mỹ tính toán chọn Hiroshima vì ở đó có cảng quân sự và có căn cứ hậu cần quan trọng của quân đội Nhật.

 

Trái bom đầu tiên ném xuống Hiroshima, người Mỹ đặt tên là Little boy (Chú bé tí hon) đã xóa sạch không gian rộng lớn quanh nó. Người ta ước tính TP Hiroshima bị san thành bình địa trên 90%. 3 ngày sau, ngày 9/8/1945, Mỹ ném tiếp trái bom thứ hai xuống TP Nagasaki. Trái bom đó được gọi là Fat man (Gã béo). Chú bé tí hon đã giết chết 140.000 người ở TP Hiroshima, còn Gã béo làm cho 74.000 người ở Nagasaki thiệt mạng. Người ta nói những con số đó khó mà chính xác vì bom nguyên tử không chỉ giết người ngay lúc đó mà nhiều ngày, nhiều tháng và nhiều năm sau vẫn còn nhiều người chết vì chất phóng xạ. Một tuần sau, ngày 15/8/1945, Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng.

 

Không chỉ Nhật mà cả thế giới lúc bấy giờ đều kinh hoàng trước loại vũ khí giết người với sức tàn phá ghê rợn đến vậy! Ngay cả bây giờ, thế giới vẫn kinh hãi với vũ khí nguyên tử và không ai muốn nó lại xảy ra lần nữa.

 

Đài tưởng niệm hình mái vòm trong công viên Hòa Bình. Ảnh: HOÀNG NGUYÊN

 

2. Năm 1945, Nhật bại trận với trăm thành phố bị tàn phá. Và với hai trái bom nguyên tử gây thương tích nặng nề, sâu rộng trên đất nước, cứ tưởng nước Nhật sẽ kiệt quệ, người Nhật sẽ nhụt chí, không còn sức sống. Nhưng chỉ 20 năm sau, năm 1965, người ta đã nhìn thấy hàng hóa hiện đại của Nhật tràn ra khắp thế giới. Các loại xe máy như Honda, Suzuki, Yamaha…, các loại ô tô như Mazda, Toyota, Mitsubishi…., các loại máy cày, máy xúc, máy ủi, máy bơm, ti vi, radio và đồ gia dụng hiện đại… đã tràn ngập, chiếm lĩnh thị trường các nước Đông Nam Á. Các công ty Nhật đã thâm nhập, làm chủ nhiều thị trường ở châu Âu và cả Mỹ, đến mức Pierre-Antoine Donnet, phóng viên Thông tấn xã Pháp, đã phải thốt lên “Nước Nhật mua cả thế giới”.

 

Ký ức qua trang sách thời học trò ngày trước đã làm tôi ngơ ngác khi đặt chân đến Hiroshima, ngắm nhìn thành phố hiện đại, đẹp lộng lẫy và thật nên thơ. Là một thành phố cảng vào hàng lớn nhất của Nhật Bản, Hiroshima có trên 1,1 triệu dân, đường sá thênh thang, không gian thoáng đãng, nhiều cây xanh. Dòng sông chảy xuyên qua khu tàn tích trong veo, nhìn thấy đáy và những đàn cá bơi lượn trong làn nước.

 

Hiroshima được mệnh danh là thành phố hòa bình. Cũng như ở những thành phố khác của Nhật Bản, người dân nơi đây thân thiện và biết nhường nhịn người khác. Đường phố được chăm chút cẩn thận, từng chiếc ốc vít trên các thanh hộ lan cũng tinh tế cho đến những nắp cống trên đường, trên vỉa hè đều được đúc hoặc chạm khắc nghệ thuật rất đẹp. Hình ảnh chú chó trung thành Hachiko được đúc nổi trên các nắp cống xung quanh ngã tư Shibuya - một ngã tư đông người đi bộ nhất thế giới. Hiroshima là thành phố cảng biển, thành phố công nghiệp và là điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế, đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Nhật Bản vươn lên chiếm lĩnh vị trí nhất nhì thế giới. Dấu ấn của sự điêu tàn ngày trước, nay còn lại là một ngôi nhà trơ cốt nhưng vẫn đứng vững trên 70 năm mà chưa có lời giải thích thỏa đáng!

 

Công viên Hòa Bình nằm trên đại lộ Hòa Bình với đài Hòa Bình - nơi tưởng niệm 140.000 người chết bởi quả bom nguyên tử Little boy. Ngày 27/5/2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đến thăm Hiroshima cùng Thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ là Shinzo Abe. Thủ tướng của quốc gia duy nhất bị ném bom nguyên tử và tổng thống của quốc gia duy nhất ném bom nguyên tử cùng đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm hình mái vòm để tưởng nhớ các nạn nhân của chiến tranh hơn 70 năm về trước. Phát biểu của Tổng thống Barack Obama tại đây chỉ khẳng định hai điều: Tưởng niệm những nạn nhân và đưa thông điệp về phi nguyên tử hóa. Người dân Hiroshima hoan nghênh chuyến viếng thăm của tổng thống Mỹ và họ không chờ đợi một lời xin lỗi. Một người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử đã nói: “Điều quan trọng nhất của chuyến thăm của Tổng thống Obama là ông ấy thể hiện sự đồng cảm, thấu hiểu. Ông ấy không cần phải xin lỗi nếu thực sự xúc động, cảm thấy hối tiếc và hiểu phải làm gì để loại bỏ vũ khí hạt nhân”.

 

Chấp nhận bại trận trong chiến tranh, người Nhật luôn khiêm tốn cúi đầu trước thế giới để bước đi bằng tinh thần võ sĩ đạo. Bằng sức của mình và tranh thủ tốt nguồn lực quốc tế, nước Nhật đã trở thành cường quốc được cả thế giới nể phục. Một đất nước công nghệ hiện đại, kinh tế phát triển, văn hóa vừa hiện đại vừa chứa đựng bản sắc đặc trưng rất Nhật Bản. Trong đó, người dân Hiroshima đã đứng lên từ điêu tàn và từ bóng tối chết chóc của bom nguyên tử, đã xây dựng cuộc sống phồn thịnh, hiện đại, đầy ắp ánh sáng như ngày nay.

 

HOÀNG NGUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek