Đi cùng đoàn học viên của Trường Chính trị tỉnh, chúng tôi đã có chuyến trải nghiệm thực tế thú vị tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng).
Đà Lạt, nơi xứ sở ngàn hoa, cảnh quan thiên nhiên xanh mát. Nhiều người đến rồi về vẫn thấy thành phố sau lưng nhiều mộng mơ. Thế nhưng gần đây, Đà Lạt lại “nóng lên” vì ngập lụt.
Trầm trồ với thiên nhiên vùng Nam Tây Nguyên
Đến Đà Lạt, chúng tôi tiến thẳng lên đỉnh Langbiang, thuộc huyện Lạc Dương, cách trung tâm thành phố về phía bắc khoảng 15 cây số. Cao trên 2.100m so với mặt nước biển, Langbiang được ví như “nóc nhà” của Đà Lạt. Chúng tôi đến các điểm du lịch sinh thái mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc và khám phá thiên nhiên vùng Nam Tây Nguyên.
Tối, cả đoàn xuống chân núi, nơi đồng bào dân tộc Cơ Ho sinh sống, thưởng thức văn hóa cồng chiêng. Chúng tôi được hòa mình vào không gian văn hóa truyền thống qua những điệu múa, lời ca và nhạc cụ dân tộc thể hiện cuộc sống đơn sơ nhưng hùng tráng của núi rừng Tây Nguyên. Về khuya, đoàn vòng qua đồi Cù - ví như “trái tim” Đà Lạt và dừng chân ở khách sạn gần hồ Xuân Hương. Lúc chiều có người dặn mang theo áo ấm, thế nhưng từ “nóc nhà” qua “trái tim”, vẫn không thấy ai mặc áo ấm mà chỉ để phía sau chỗ ngồi.
Chị Nguyễn Thị Ái Linh, thành viên trong đoàn cho hay: Tôi nhiều lần đến làm việc và ở lại Đà Lạt, lần đầu tiên tôi thấy xứ lạnh không lạnh dù đang vào mùa mưa.
Anh Nguyễn Văn Tùng, cũng là thành viên trong đoàn, đã 3-4 lần đến Đà Lạt, cho biết mấy lần trước tối đến không dám rửa mặt. Lần này tối về khách sạn mở toang cửa sổ nhìn ra ngoài vẫn không thấy chút gì gọi là lạnh.
Đoàn học viên của Trường Chính trị tỉnh tham quan Langbiang, nơi được ví là “nóc nhà” của Đà Lạt. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM |
Sáng, đoàn tiếp tục đến các điểm du lịch. Nơi chúng tôi dừng chân ở thành phố cao nguyên này nhìn ra thấy cảnh xóm nhà “chạy” lên đồi. Bác sĩ Nguyễn Thị Băng Sâm, công tác ở Bệnh viện Mắt Phú Yên, tâm sự: “Tôi nhiều lần đến Đà Lạt, càng về sau thấy nhà cửa chen lấn hơn, xuất hiện nhiều ngôi nhà méo”.
Theo lý giải của ngành chức năng TP Đà Lạt, do đặc thù địa hình, nhu cầu xây dựng của người dân phục vụ sinh hoạt ngày càng nhiều, các khu vực bằng phẳng đã xây dựng rồi nên nay đến các triền dốc. Nhiều ngôi nhà nằm trên đồi ở độ cao quá cao, có ngôi nhà quá dài. Dưới thung lũng, những ruộng xà lách, ớt, cà chua gần đây đã biến thành các khu dân cư đông đúc. Nhiều đoạn khe, suối bị lấn chiếm để xây dựng nhà cửa, chỗ đất đầu thừa đuôi thẹo cũng xây nhà.
Dạo quanh Đà Lạt, có con dốc nằm dài, có dốc bẻ cua rất đẹp mắt. Không đường nào là không dốc. Vô hẻm nhỏ cũng phải lên dốc. Đà Lạt đi bộ trong phố cũng dốc ơi là dốc...
Chiều muộn, chúng tôi xổ dốc đến quán. Quán nướng với món cá sông rộng trong ao nên mọi người gọi là món cá tắm ao, tương tự như gà đi bộ, gà leo dốc… Ngồi nhâm nhi, nhìn làn khói bay lên từ bếp than rồi vón lại, màu khói lam chiều ấm tình quê, chợt nhớ về phố núi La Hai nơi quê nhà, ngày mưa... mù sương.
Hỏi về những mùa sương giăng ở Đà Lạt, chị Bùi Thị Mỹ, chủ quán cho hay: Trước đây nửa buổi sáng sương giăng mờ trên phố. Đà Lạt bước ra khỏi nhà là thấy mộng mơ, không gian lãng mạn từ gác bếp đến ngoài phố. Bây giờ mấy người chụp ảnh đi “săn” từ sáng sớm, may ra mới có sương mù.
Hôm sau, đoàn đi tham quan đường hầm đất sét, đầu vào là đầu con rồng và kết thúc đường ra là đuôi rồng. Đường hầm này được xây dựng từ năm 2010 với chiều dài khoảng 2km. Toàn bộ công trình điêu khắc có 2 chủ đề chính là tái tạo lịch sử TP Đà Lạt và những câu chuyện văn hóa, nhân văn được thu nhỏ trong đường hầm. Đến gần cuối đường hầm, có một ngã ba và rẽ trái, thấy cảnh ruộng giữa núi, vịt lội bàu sen... ai cũng trầm trồ bởi phong cảnh thiên nhiên hoang sơ.
Vịt lội bàu sen ở cuối đường hầm đất sét. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM |
Đà Lạt đổ mồ hôi, ngập lụt
Chúng tôi đến cánh đồng hoa. Nhiều người trầm trồ, Đà Lạt bao năm rồi còn nguyên cái đẹp của hoa. Ở xứ sở này không đường nào không có hoa, không hoa trồng thì cũng hoa dại, mưa hiền hòa cho ngàn hoa đua nở. Nói buổi sáng, buổi chiều ập xuống cơn mưa hung dữ, kéo dài 2 giờ liền gây ngập khu vực gần hồ Xuân Hương. Có khu phố ngập nửa nhà, trôi ướt tài sản và Đà Lạt có nước mắt ngày mưa. Mấy ngày sau mưa càng lớn, nước dâng cao, đất đồi sạt lở, người đi đường chạy không kịp...
Đến Đà Lạt thấy cảnh ngập lụt, nhiều người thay đổi cách nhìn về thành phố ngàn hoa. Đó là cơn “đau đầu” của Đà Lạt.
Theo nhà quy hoạch cảnh quan Nguyễn Mạnh Bình San, các vấn đề Đà Lạt đang gặp phải là do quy hoạch xã hội. Quy hoạch đô thị, quy hoạch kiến trúc chỉ là một phần trong quy hoạch xã hội. Đà Lạt 4 phần là lỗi quy hoạch tổng thể, quy hoạch kiến trúc chiếm 1 phần là 5 phần.
Theo ThS Nguyễn Vĩnh Phúc, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng, từ thập niên 40 của thế kỷ trước, Đà Lạt bước vào giai đoạn cực thịnh của thời kỳ Pháp thuộc, “thủ đô mùa hè”, một máy lạnh khổng lồ bao trùm thành phố. Hiện nay, Đà Lạt không còn mát mẻ nữa mà đổ mồ hôi, bởi công tác quy hoạch, quản lý theo quy hoạch và phát triển đô thị còn nhiều bất cập. Vậy nên cần có giải pháp, tầm nhìn dài hạn cho Đà Lạt.
Về lại vùng quê xứ Nẫu, một chiều đọc báo đưa tin về Đà Lạt, mới đầu mùa mưa mà cảnh ngập lụt diễn ra khắp nơi ở khu trung tâm thành phố, các khu dân cư; hàng chục vụ sạt lở đất, taluy xảy ra khắp các phường trên địa bàn thành phố cao nguyên này. Khách du lịch về đông, Đà Lạt đang vui bỗng buồn đi vì ngập lụt.
MẠNH HOÀI NAM