Chủ Nhật, 19/05/2024 05:34 SA
Giáo sư Lê Đình Kỵ: Tuổi thơ gian khó và tinh thần tự học vươn lên đỉnh cao
Chủ Nhật, 28/05/2023 08:00 SA

GS Lê Đình Kỵ là nhà sư phạm, nhà lý luận phê bình văn học hàng đầu nước ta. Cuộc đời và sự nghiệp của ông thật đặc biệt!

 

Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Lê Đình Kỵ (1923-2009). Ảnh tư liệu

Trăm năm một thuở...

 

GS Lê Đình Kỵ sinh ngày 4/4/1923 tại Quảng Nam, qua đời ngày 24/10/2009 tại TP Hồ Chí Minh. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, Khoa Văn học Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi tọa đàm ra mắt sách Trăm năm một thuở - Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Nhà lý luận - phê bình văn học Lê Đình Kỵ.

 

Tập sách dày 570 trang do nhà nghiên cứu Trần Đình Việt tuyển chọn và giới thiệu, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ấn hành. Cuốn sách gồm hai phần. Phần đầu là tuyển tập một số trích đoạn trong các tác phẩm nổi bật của GS Lê Đình Kỵ như: Tìm hiểu văn học, Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du, Thơ mới - Những bước thăng trầm… Phần hai gồm 30 bài viết của các học giả, người thân, đồng nghiệp và nhiều thế hệ học trò về GS Lê Đình Kỵ như: Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Lộc, Trần Hữu Tá, Mai Quốc Liên, Huỳnh Như Phương, Ngô Kim Long, Trần Khánh Thành, Bế Kiến Quốc, Khuất Bình Nguyên, Lê Quang Trang, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Nguyễn Thị Ngọc Hải, Nguyễn Hà, Phan Hoàng, Hà Công Tài, Phạm Quốc Ca, Vu Gia, Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Thúy Nga, Trần Thị Phương Phương, Nguyễn Tý, Lê Ly Ly… Đây là công trình được sưu tầm, chọn lọc công phu với nhiều bài viết giá trị, thể hiện tấm lòng, tình yêu của gia đình và học trò đối với GS Lê Đình Kỵ.

 

Cuộc đời và sự nghiệp của GS Lê Đình Kỵ thật đặc biệt. Do hoàn cảnh chiến tranh, hành trang tri thức của ông chủ yếu là tự học. Từ giáo viên trung học ông trở thành giảng viên đại học, nhà nghiên cứu văn học hàng đầu nước ta nửa sau thế kỷ XX. Mặc dù trải qua không ít hoạn nạn, bị vu khống và hiểu lầm nhưng thành quả giáo dục và khoa học của ông đã được ghi nhận xứng đáng. Nhờ vậy, Lê Đình Kỵ là trường hợp hiếm hoi không trải qua phó giáo sư hay giáo sư I mà được Nhà nước phong thẳng giáo sư II năm 1984 và cũng không qua danh hiệu Nhà giáo Ưu tú mà được phong thẳng Nhà giáo Nhân dân năm 1988 và được tặng Huân chương Lao động hạng nhất năm 1995, được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001.

 

Vươn lên đỉnh cao bằng tinh thần tự học

 

Bìa sách Trăm năm một thuở - Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Nhà lý luận - phê bình văn học Lê Đình Kỵ. Ảnh: PHAN TẤN HÙNG

Là con trai duy nhất của một gia đình nông dân vùng Gò Nổi nay thuộc xã Điện Quang, TX Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, Lê Đình Kỵ không may mắn có được gen học vấn gia đình nhưng lại sớm hấp thu không khí quê hương “địa linh nhân kiệt” giàu truyền thống văn hóa. Gò Nổi có nghề dệt, mua bán tơ tằm phát triển và là nơi sinh ra nhiều nhân vật lịch sử, khoa bảng: Hoàng Diệu - Tổng đốc tuẫn tiết bảo vệ Hà Thành; Phạm Phú Thứ ngược xuôi đông tây ôm mộng canh tân đất nước; rồi ba vị cùng đỗ đại khoa năm 1898 trong Ngũ phụng tề phi đất Quảng là Phạm Liệu, Phạm Tuấn và Dương Hiển Tiến; Trần Cao Vân - thủ lĩnh khởi nghĩa Duy Tân năm 1916; danh thần Lê Đình Đỉnh cùng hai người con trí thức yêu nước là y sĩ Lê Đình Dương - bác sĩ Lê Đình Thám… Đây cũng là quê hương của những nhân vật nổi tiếng dòng họ Phan như: Phan Thành Tài, Phan Thanh, Phan Khôi, Phan Bôi, Phan Thao, Phan Diễn… và các nhà cách mạng, trí thức đương thời là Nguyễn Thị Bình, Trần Thị Lý, Hoàng Phê, Hoàng Tụy, Hoàng Chúng…

 

Trò chuyện với chúng tôi lúc sinh thời, GS Lê Đình Kỵ kể rằng Gò Nổi tuy là “đất học, đất anh hùng” nhưng trước đây là vùng quê nghèo khó. Thời thơ ấu, Lê Đình Kỵ chịu nhiều thiệt thòi vật chất lẫn tinh thần. Cha của ông là một nông dân có học chút ít chữ Nho, còn mẹ như bao phụ nữ chân quê khác tảo tần một nắng hai sương. Hoàn cảnh dù gian khổ nhưng gia đình sống với nhau rất tình nghĩa và không quá khuôn phép, lễ giáo. Điều ấy đã ảnh hưởng đến tính cách Lê Đình Kỵ. Khi ra ngoài đời, ông sống rất giản dị, thoải mái, không cứng nhắc và luôn hướng về sự mới lạ, tốt đẹp cho cuộc sống!

 

Vì nhà nghèo nên ông đi học khá muộn. Đến ban tú tài, ông rời đất Quảng ra Huế học tú tài 1 ở Trường trung học tư thục Việt Anh, rồi vào Sài Gòn học tú tài 2 ở Trường trung học Pétrus Ký. Lúc ấy chỉ có chuyên ban Toán - Lý và Triết. Vì học dở các môn Toán, Lý nên Lê Đình Kỵ chọn phân ban Triết học. Từ năm thứ hai trung học, ông đã bắt đầu nghiền ngẫm các tác phẩm của Adré Gide, nhà văn Pháp lỗi lạc đã đoạt Giải thưởng Nobel Văn chương năm 1947. Khi thi tú tài 1 ở Huế, bài luận văn bằng tiếng Pháp của Lê Đình Kỵ được ông thầy khó tính là GS Phạm Duy Khiêm cho 16 điểm - một điểm số rất cao, dù đề ra khá hóc búa: “Lamartine est comme un génie qui dédaigne d’avoir du talent” (Lamartine giống như một thiên tài mà lại coi khinh tài năng).

 

Con đường đến với nghề giáo của Lê Đình Kỵ rất ngẫu nhiên. Năm 1944, sau khi đỗ tú tài 2 Trường Pétrus Ký ở Sài Gòn, ông định học tiếp đại học nhưng không có trường nào hợp với nguyện vọng. Trường luật, toán thì ông không thích. Trường y, ông có thích đôi chút, nhưng do học lực các môn Sinh, Hóa đều yếu nên sức khó kham nổi. Vì vậy, chàng tú tài xứ Quảng đành rời Sài Gòn trở về cố hương dạy học tư kiếm sống.

 

Khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, Lê Đình Kỵ tham gia phong trào yêu nước Thanh niên Phan Anh. Bằng vốn hiểu biết của một trí thức trẻ đầy nhiệt huyết trước vận mệnh dân tộc, ông tích cực hoạt động xã hội, đi nói chuyện nhiều nơi, hô hào đấu tranh đánh đuổi phát xít Nhật. Lê Đình Kỵ cùng với các bạn đồng hương tham gia tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở phố cổ Hội An. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Lê Đình Kỵ được chính quyền Việt Minh phân công làm công tác thông tin tuyên truyền, rồi vào bộ đội chống Pháp tái xâm lược. Trong quân ngũ, ông tranh thủ học tiếng bạch thoại để làm phiên dịch cho các cố vấn Trung Quốc. Ba năm sau, vì lý do sức khỏe, ông ra quân và quay lại với nghề giáo, vào Quảng Ngãi dạy học cùng với Lê Trí Viễn ở Trường trung học kháng chiến Lê Khiết.

 

Sau Hiệp định Genève năm 1954, Lê Đình Kỵ tập kết ra Bắc và dạy cấp 3 Trường Nguyễn Trãi ở Hà Nội, nơi có học sinh phần lớn là người miền Nam. Ba năm sau, nhờ vốn tiếng Nga tự học của mình, ông được chuyển lên dạy đại học. Năm 1958, ông được mời về giảng dạy Khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau năm 1975, Lê Đình Kỵ được cử vào TP Hồ Chí Minh thỉnh giảng Trường đại học Văn khoa. Đến năm 1980, ông chuyển hẳn từ Hà Nội vào dạy trường này, lúc ấy mới đổi tên thành Trường đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, nay là Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn.

 

Sau hơn nửa thế kỷ vừa giảng dạy vừa nghiên cứu văn học, GS Lê Đình Kỵ đã xuất bản các tác phẩm tiêu biểu như: Các phương pháp sáng tác, Đường vào thơ, Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực, Thơ Tố Hữu, Nguyên lý văn học, Phương pháp sáng tác, Thơ mới - Những bước thăng trầm, Trên đường văn học (2 tập), Nghiên cứu phê bình văn học… cùng nhiều bài nghiên cứu đăng rải rác trên báo chí. Trong số đó, ông tỏ ra rất tâm đắc với tác phẩm Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực, bắt đầu viết năm 1965, in lần đầu năm 1970, đến nay đã được sửa chữa tái bản nhiều lần. Đây cũng là tác phẩm đỉnh cao trong sự nghiệp văn học của GS Lê Đình Kỵ.

 

Một học trò và đồng nghiệp thân thiết của ông là nhà giáo Nguyễn Hà nhìn nhận: “Sự hiểu biết, trí nhớ của thầy bao trùm một diện rất rộng, từ triết học, văn học phương Tây đến văn học dân gian, văn học cổ điển, văn học hiện đại của dân tộc, chỗ nào thầy đề cập đến cũng đều xác đáng và tin cậy được. Đọc Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực hoặc Thơ mới - Những bước thăng trầm, có thể thấy dù ghi chép tỉ mỉ đến mấy nhưng nếu không có trí nhớ tốt, không thuộc, không sống hết mình với những áng văn chương đó thì khó mà dẫn dắt, lồng ghép một cách nhuần nhị, tự nhiên đến vậy” (Thầy Lê Đình Kỵ của chúng tôi).

 

PHAN TẤN HÙNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek