Thứ Sáu, 29/11/2024 03:35 SA
Sông Lèn và dấu ấn của Thái úy Lý Thường Kiệt
Chủ Nhật, 16/04/2023 08:00 SA

Sông Lèn. Ảnh: TRẦN ĐÀM

Xứ Thanh có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Người từ xứ Thanh cũng có mặt trên khắp đất nước từ thời khẩn hoang mở cõi. Vùng đất Cửu Chân, Ái Châu xưa là nơi phát tích nhiều vương triều, gắn liền những danh nhân vang lừng sử sách, trong đó có Thái úy Lý Thường Kiệt với 19 năm làm Tổng trấn Thanh Hóa mà những thành quả của ông còn mãi lưu dấu bên bờ sông Lèn huyền thoại…

 

Sông Lèn chảy từ đâu về đâu?

 

“Sông Mã gầm lên khúc độc hành” từ rừng núi biên giới Việt - Lào ngang tàng uốn lượn ngoằn ngoèo dần mở rộng dịu êm khi xuống đồng bằng và khựng lại khi gặp dãy núi Bần phải chia làm hai nhánh tại ngã ba Bông ở tỉnh Thanh Hóa. Nhánh chính chảy theo hướng bắc nam gặp sông Chu cùng “dắt” nhau rẽ sang hướng đông vượt qua Hàm Rồng xuôi về biển Đông qua cửa biển Hội Triều. Nhánh còn lại khởi đi từ núi Sơn Trang chảy theo hướng đông miên man xuống Lèn hòa vào Lạch Sung đổ ra vịnh Bắc Bộ tại cửa Sung.

 

Nhánh thứ hai từ ngã ba Bông của sông Mã đổi tên thành sông Lèn. Hướng dẫn chúng tôi đi thăm quê hương, nhà thơ - nhà phê bình văn học Thy Lan cho biết, về địa lý sau khi tách ra từ sông Mã tại địa phận xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc và xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, sông Lèn chảy giữa xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn và xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc. Con sông biến thành ranh giới tự nhiên giữa các huyện của xứ Thanh với bên tả ngạn là Hà Trung, Nga Sơn, còn bên hữu ngạn là Hậu Lộc. Chiều dài sông Lèn khoảng 34km, chảy cắt qua quốc lộ 1 tại cầu Đò Lèn, cách Hà Nội khoảng 130km về hướng nam, rồi xuyên qua cầu Thắm trên quốc lộ 10.

 

Nghệ sĩ nhiếp ảnh lão thành Trần Đàm ở Thanh Hóa là người rất yêu sông Lèn và chụp nhiều ảnh về dòng sông này. Ông nói rằng, theo sử sách từ thời Tiền Lê, một đoạn sông Lèn được Lê Hoàn cho đào để nối với các sông khác trong hệ thống kênh nhằm tạo tuyến giao thông thủy nối từ kinh đô Hoa Lư tới biên giới Đèo Ngang. Là tuyến đường thủy quan trọng xưa nay của xứ Thanh nối núi rừng, đồng bằng với biển cả cho thuyền bè tấp nập xuôi ngược, sông Lèn còn cung cấp nguồn thủy sản phong phú, nước sinh hoạt, trồng trọt và tiêu thoát nước cho một vùng rộng lớn. Mùa lũ nước dâng phù sa. Mùa cạn dòng sông hiền hòa như dải lụa mềm lượn qua những xóm làng trù phú, những cánh đồng mênh mông, những đền đài rêu phong tạo nên những bức tranh sinh động.

 

Ngược lòng lịch sử, sông Lèn cùng với dòng sông Mã đóng vai trò quan trọng trong hành trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, gắn liền với nhiều nhân vật lịch sử lẫy lừng như Khương Công Phụ, Triệu Thị Trinh, Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Hồ Quý Ly, Lê Lợi, Lê Lai, Trịnh Kiểm, Nguyễn Hoàng, Tôn Thất Thuyết… Đặc biệt, sông Lèn mang nhiều dấu tích oai linh cuộc khởi nghĩa của nữ tướng Triệu Thị Trinh chống quân xâm lược nhà Ngô và danh tướng Lý Thường Kiệt trấn thủ Thanh Hóa xây dựng, khai mở và giữ yên vững chắc cõi bờ phía Nam bấy giờ.

 

Bên bờ sông Lèn có địa danh Bồ Điền mà thời Việt cổ còn có tên Kẻ Bồ, sau cuộc khởi nghĩa Bà Triệu chống quân xâm lược nhà Ngô đã xuất hiện thành ngữ “đánh Ngô Kẻ Bồ”, nay thuộc xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc. Đây là một vùng đồng bằng châu thổ nằm giữa hai dãy núi đá vôi. Chẳng những trù phú, sơn thủy hữu tình mà vùng đất “đánh Ngô Kẻ Bồ” với vị thế trọng yếu còn có ý nghĩa về mặt quân sự; trong đó, sông Lèn có vai trò giao thông then chốt kết nối từ miền xuôi lên miền núi, từ đồng bằng ra biển. Đây cũng là vùng gắn liền với Tổng trấn Lý Thường Kiệt thời kỳ trấn nhậm xứ Thanh.

 

Đền thờ Lý Thường Kiệt. Ảnh: NV

 

Công tích khai mở của Lý Thường Kiệt bên sông Lèn

 

Thái úy Lý Thường Kiệt là một trong những nhà chính trị, quân sự kiệt xuất trong lịch sử dân tộc, có công lớn đánh Tống bình Chiêm và xây dựng đất nước. Trong 19 năm trấn nhậm phủ Thanh Hóa, ông đã xây dựng đất Ái Châu xưa giàu mạnh thành một pháo đài bất khả xâm phạm ở phía Nam Tổ quốc bấy giờ.

 

Vào năm 1082, nhận lệnh triều đình nhà Lý đi trấn thủ Thanh Hóa, khi mới đặt chân vào đất này, Tổng trấn Lý Thường Kiệt đã chọn làng Ngọ Xá, huyện Vĩnh Lộc (nay là xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung) để xây dựng Lương Mục Đường làm nơi ở và làm việc. Lúc này, Phật giáo đang là tư tưởng chính thống thời nhà Lý. Vốn là người mộ đạo Phật, Lý Thường Kiệt đã cùng Trưởng lão Sùng Tín từ kinh đô Thăng Long vào du hành ngược dòng sông Mã, dừng thuyền ở núi Hàm Rồng, rồi đi về phía tây chuyển sang sông Lèn. Thuyền đến ấp Đại Lý, ông thích thú khi nhìn thấy núi Ngưỡng Sơn nhiều cây cối xanh tươi bên bờ sông Lèn như dải lụa mềm uốn qua những làng mạc trù phú, tạo nên chốn sơn thủy hữu tình và chọn nơi này dựng chùa Linh Xứng.

 

Theo nội dung Văn bia chùa Linh Xứng được đại sư Thích Pháp Bảo soạn năm 1126 trong Thơ văn Lý Trần, do GS Huệ Chi dịch, Thái úy Lý Thường Kiệt cho rằng: “Cái mà kẻ trí người nhân ưa thích là núi, là sông; cái mà thế đại lưu truyền là danh, là đạo. Nếu mở núi mà làm cho đạo và danh rạng rỡ thì không đáng quý hay sao?...”.

 

Chùa Linh Xứng là một danh lam, nơi khai sáng đạo Phật cho xứ Thanh, với nhiều ngôi chùa lớn xuất hiện ngay sau đó, tiêu biểu như Hương Nghiêm, Báo Ân, Sùng Nghiêm Diên Thánh… Trải qua thiên tai, chiến tranh, chùa Linh Xứng bị đổ nát rồi phục dựng, duy chỉ tấm văn bia mãi trường tồn thành báu vật được lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Từ văn bia đã khai mở cả một pho lịch sử cách đây hàng ngàn năm, đặc biệt là tấm lòng, tầm nhìn và công tích của danh nhân Lý Thường Kiệt.

 

Ngoài việc xây dựng chùa, chấn hưng Phật giáo, Lý Thường Kiệt còn có nhiều đóng góp to lớn về mọi mặt trong 19 năm trấn nhậm Thanh Hóa. Vì vậy, sau khi danh tướng qua đời, người dân đã xây dựng chùa Báo Ân để tưởng nhớ công ơn của ông. Đồng thời, bên bờ sông Lèn, ngay trên mảnh đất sinh thời ông chọn làm nơi “thọ thân”, một ngôi đền thờ ông cũng được dựng lên.

 

Nhà văn - nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Đàm cho biết, theo các tài liệu còn ghi lại thì ban đầu nơi đây chỉ là một ngôi miếu nhỏ nằm bên chùa Linh Xứng để thờ Lý Đại Vương, về sau bị hư hỏng xuống cấp, người dân trong vùng chung tay xây dựng thành ngôi đền khang trang bề thế hơn. Đây là một trong những ngôi đền cổ nhất xứ Thanh với tuổi thọ gần 1.000 năm. Đền rất linh thiêng, được người dân bảo vệ tôn nghiêm và sùng kính.

 

Đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt tọa lạc trên một diện tích đất rộng lớn, nay thuộc thôn 3, xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung. Cổng đền hướng ra dòng sông Lèn êm đềm. Kiến trúc gian chính ngôi đền gồm nhà 5 gian 2 chái, mái lợp ngói âm dương, cột kèo và các vì được chạm khắc tinh xảo với các họa tiết hoa văn về các linh vật và cây cỏ thiên nhiên.

 

Hàng năm có 2 ngày lễ lớn là ngày giỗ của Thái úy Lý Thường Kiệt vào 21/6 âm lịch và lễ khai ấn đầu năm vào ngày 25 tháng Giêng, diễn ra tại đền cổ. Về đây ngắm sông Lèn êm đềm, thắp nén hương tưởng nhớ danh tướng triều Lý cũng như nhiều danh nhân khác gắn liền xứ Thanh, chúng tôi rất đỗi xúc động, tự hào về các bậc tiền nhân và như được tiếp thêm nguồn năng lượng mạnh mẽ cho hành trình sáng tạo, cống hiến.

 

“Làm việc thì siêng năng, điều khiển dân thì đôn hậu, cho nên dân được nhờ cậy. Khoan hòa giúp đỡ trăm họ, nhân từ yêu mến mọi người, cho nên Nhân dân kính trọng. Dùng uy vũ để trừ gian ác, đem minh chứng để giải quyết ngục tụng, cho nên hình ngục không quá lạm. Thái úy biết rằng dân lấy sự no ấm làm đầu, nước lấy nghề nông làm gốc, cho nên không để lỡ thời vụ. Tài giỏi mà không khoe khoang. Nuôi dưỡng đến cả những người già ở nơi thôn dã, cho nên người già nhờ thế mà được yên thân. Phép tắc như vậy có thể là cái gốc trị nước, cái thuật yên dân, sự tốt đẹp đều ở đấy cả”.

 

Văn bia cổ chùa Linh Xứng ca ngợi công đức Thái úy Lý Thường Kiệt

 

HOÀNG HÒA ĐỒNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh
Chủ Nhật, 02/04/2023 08:00 SA
Họ đã đi qua những tháng ngày như thế
Chủ Nhật, 05/03/2023 13:34 CH
Sương khói vực Hòm
Chủ Nhật, 26/02/2023 11:00 SA
Du xuân trên đất nước mặt trời mọc
Chủ Nhật, 19/02/2023 08:00 SA
Khám phá kiệt tác đập Đồng Cam
Chủ Nhật, 12/02/2023 11:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek