Chiếc máy bay chạm vào đường băng, chạy một đoạn rồi giảm tốc độ dần và dừng hẳn. Tiếp viên hàng không thông báo: “Chúng ta vừa hạ cánh xuống sân bay Kansai Osaka, Nhật Bản, nhiệt độ ngoài trời là 7 độ C”.
Hành khách vội vàng mặc thêm áo ấm và lục tục xách hành lý rời máy bay đi về muôn nơi. Buổi sáng. Mặt trời lên chiếu những tia sáng rực rỡ, bầu trời xanh trong trên xứ sở Phù Tang. Trời nắng và lạnh.
Những ấn tượng ở thành phố cảng Kobe
Từ Kansai - một sân bay trên hòn đảo nhân tạo, phải mất hơn tiếng đồng hồ phóng xe trên đường cao tốc, chúng tôi mới đến trung tâm TP Kobe. Đây là thành phố cảng khá nổi tiếng của Nhật Bản, chạy dài ôm lấy bờ biển phía trước mặt và có một dãy núi ở phía sau ôm lấy thành phố, tạo nên những cảnh quan tuyệt đẹp. Là một trong những cảng biển chính của Nhật Bản, Kobe phát triển sầm uất, nhộn nhịp với dân số khoảng 1,5 triệu người, trong đó có nhiều người dân nhập cư từ gần 100 nước khác nhau. Đó là một trong những điều đặc biệt, bởi người Nhật xưa thường cố bảo vệ nét văn hóa truyền thống của mình, chống lại những yếu tố có thể làm phai nhạt hoặc làm hòa tan những nét đẹp riêng có của Nhật Bản. Tuy nhiên, Kobe đã sớm mở rộng giao thương với thế giới phương Tây và sẵn sàng đón nhận người nước ngoài đến làm ăn sinh sống, góp phần làm cho thành phố nhanh chóng phồn thịnh.
Một thành phố cảng đông dân, hoạt động kinh tế nhộn nhịp, buôn bán sầm uất nhưng cũng như nhiều nơi khác của Nhật Bản, Kobe sạch sẽ, ngăn nắp đến lạ kỳ! Chúng tôi đã sử dụng đủ loại phương tiện, từ taxi, xe bus, tàu điện, xe cáp leo núi cho đến xe đạp và cả đi bộ khắp thành phố, đến những danh lam thắng cảnh, viếng chùa và các đền đài, vào siêu thị, nhà hàng, quán cà phê, đi dạo chợ ở khu dân cư, tham quan các cơ sở văn hóa giáo dục, bến tàu, bến xe... Đâu đâu cũng ngăn nắp gọn gàng và đặc biệt là sạch sẽ tinh tươm, không một mẩu rác, không một tàn thuốc lá; đường trong chợ cũng sạch như sân nhà.
Tác giả với ly cà phê nóng giữa tuyết lạnh ở làng cổ Nhật Bản. Ảnh: PHỤNG TƯỜNG |
Một hướng dẫn viên người Việt đã sinh sống và làm việc lâu năm ở Nhật cho biết: “Nơi nào đông người thì nơi đó sạch nhất bởi ai cũng tự giác giữ gìn và sẽ cảm thấy xấu hổ với người xung quanh nếu mình làm bẩn đường phố hay nơi công cộng”. Cũng có không ít người Nhật hút thuốc lá, nhưng hầu hết họ đứng tránh vào một góc phố vắng người, hay một góc khuất công viên và trên tay cầm theo một cái lọ nhỏ để gạt tàn thuốc rồi đóng nắp, cho vào túi áo vest cho đến khi gặp thùng rác thì bỏ vào.
Quan sát dòng người đi lại nườm nượp trên đường phố, chúng ta sẽ thấy sự đơn giản về màu sắc áo quần, hầu hết là đen trắng: sơ mi trắng, quần, váy, vest, măng tô đen, thỉnh thoảng thấy có màu xám sẫm, cho ta thêm một góc nhìn về sự khác biệt của người Nhật.
Kobe có một đặc sản nổi tiếng thế giới mà nhiều người Việt Nam đã từng nghe nói đến, đó là thịt bò Kobe. Một nhân viên nhà hàng bò Kobe giảng giải cho chúng tôi về quy trình nuôi bò rất khắt khe. Trước hết phải chọn đúng giống bò của vùng Kinki thuộc đảo Honshu; đó mới là giống bò cho chất lượng thịt ngon có một không hai trên thế giới. Ngoài ra, mỗi nhà chỉ nuôi từ 5-10 con để chăm sóc đúng quy trình, như cho ăn lúa non hoặc cỏ tươi dành riêng cho chúng; nước uống cũng phải đảm bảo độ tinh khiết. Có nhà phải đào giếng sâu trên trăm mét để lấy nước cho bò. Hàng ngày, họ còn phải dành thời gian tắm cho bò bằng nước ấm và massage khắp thân để chúng sảng khoái, thư giãn. Vào mùa hè, họ còn cho bò uống bia, uống rượu vang để kích thích ăn. Cùng với việc chăm sóc về thể chất, nhiều nông dân còn thường xuyên cho bò nghe nhạc cổ điển, có nhà cho bò nghe nhạc giao hưởng... Nghe kể đến đây, tôi đùa: “Hình như chúng tôi đang nghe anh kể chuyện cổ tích”. Anh ta cười hiền: “Không phải chuyện cổ tích, mà đó là chuyện hiện đại và rất thật. Hãy để bữa ăn này chứng minh điều tôi nói”. Đúng là ngon thật nhưng hơi xót vì quá đắt!
Bảo tàng thiên tai
Chúng ta thường nghe nói về tinh thần võ sĩ đạo, về việc người Nhật kiên cường vượt qua biết bao thảm họa, trong đó có thảm họa động đất ở Kobe. Một trận động đất xảy ra vào lúc 5 giờ 46 ngày 17/1/1995 với cường độ 7,3 độ Richter, rung lắc trong 20 giây, làm cho hàng ngàn ngôi nhà sụp đổ và 6.400 người chết. Người ta đã xây dựng tòa nhà bảo tàng ngay gần tâm chấn, để trưng bày hình ảnh, hiện vật và cho chiếu lại diễn biến cũng như cảnh tang thương khủng khiếp do động đất gây ra. Một anh bạn người Nhật nói với chúng tôi: “Xây dựng bảo tàng không phải để tự hào mà để cảnh báo, để đề phòng. Chúng ta không ngăn được thiên tai nhưng chúng ta có thể làm giảm tối đa tác động của thiên tai. Xây dựng bảo tàng còn nhằm chia sẻ, thấu hiểu và cùng nắm tay nhau vượt qua thảm họa”.
Tuyết rơi trên làng cổ Sidakawago. Ảnh: HOÀNG NGUYÊN |
Chúng tôi đến bảo tàng vào một buổi chiều lạnh, có mưa nhè nhẹ và gặp một đoàn học sinh tiểu học khoảng 50 em do các thầy cô giáo hướng dẫn đến thăm bảo tàng. Lúc ở ngoài sân, các em nô đùa vui nhộn nhưng khi bước vào sảnh, tất cả đều trật tự nghiêm túc, răm rắp làm theo hiệu lệnh của một em chỉ huy như những người lính. Một cô giáo cho biết: “Hàng tuần, các em đều có chương trình đi dã ngoại, thâm nhập cuộc sống ngoài nhà trường, trong đó có thăm các nhà bảo tàng. Hôm nay thăm bảo tàng thiên tai là để các em biết đất nước luôn đối mặt với những khó khăn, đòi hỏi con người phải có bản lĩnh và tri thức để chiến thắng”. Một nội dung giáo dục trong trường học thiết thực với cuộc sống và bổ ích cho tư duy của các em từ khi còn ở bậc tiểu học.
Tuyết rơi trên làng cổ Sidakawago
Sau khi tham quan Kobe, chúng tôi xuống Hiroshima rồi lại qua Kobe để chạy lên tỉnh Gifu, thăm ngôi làng cổ Sidakawago dưới chân núi Hakusan. Sidakawago là một trong những ngôi làng cổ nhất của Nhật Bản, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Mùa này là mùa lạnh ở Nhật, có lúc nhiệt độ xuống đến -7 độ C. Tuyết rơi trên làng cổ. Tuyết phủ dày những mái nhà. Tuyết đọng trên cây. Tuyết trắng cả núi rừng. Lạnh nhưng đẹp vô cùng! Tuyết rơi nhè nhẹ, lúc thưa lúc dày. Làng cổ Sidakawago như một bức tranh trong truyện cổ tích.
Sau đó, chúng tôi đến Tokyo, lên Phú Sĩ Sơn ngắm tuyết phủ ngàn năm trên đỉnh núi.
Báo chí nói dịch COVID-19 đang bùng phát trở lại ở Nhật Bản, nhưng mọi hoạt động trong xã hội vẫn bình thường, vẫn sôi động cho ta thấy họ không lo sợ. Tuy vậy, họ rất nghiêm túc và tự giác thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như tất cả đều đeo khẩu trang; những chai nước khử khuẩn được đặt khắp nơi từ nhà hàng cho đến công viên, đường phố, bến tàu, bến xe… Người Nhật nói chung thường tự giác thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ nhiều hơn những gì luật quy định, bởi họ thường nói: “Luật pháp chỉ là đạo đức tối thiểu. Đạo đức mới là luật pháp tối đa”.
Giã từ đất nước có nền kinh tế lớn, công nghệ hiện đại nhất nhì thế giới với một nền văn hóa đẹp, thái độ lịch sự và khiêm tốn của người Nhật đang được thế giới mến mộ.
Chiếc máy bay cất cánh vút lên bầu trời. Mất hơn 6 giờ bay, chúng tôi về lại TP Hồ Chí Minh. Khi đó, quê nhà vẫn còn không khí tết, ấm áp và đầy yêu thương.
HOÀNG NGUYÊN