Gió bắc đã tan dần. Gió đông đã về. Thế là chuẩn bị một mùa câu kéo mới. Có thể nói, trên các địa phương miền biển của mảnh đất Phú Yên, Đông Hòa quê tôi là nơi nhộn nhịp nhất đón chào dân câu cá thể thao cả nước. Nói rộng, về ngư trường thì thuộc địa bàn quản lý của TX Đông Hòa là chính, còn nói hẹp lại, điểm đưa đón chính thuộc về cảng cá Phú Lạc ở phường Hòa Hiệp Nam.
Niềm vui câu được cá to. Ảnh: DŨNG LÊ |
Nơi đây đang có khoảng 10 chiếc tàu làm dịch vụ chở người câu cá thể thao. Có những chiếc chuyên chở đi câu nước sâu, thông ngày (từ một ngày rưỡi trở lên) và cũng có không ít chiếc chở câu gần bờ, đi về trong ngày.
Các cần thủ đến Đông Hòa thường câu cá theo 4 thể loại: câu rê, câu nháng, câu ngâm và câu jig. Trong đó, câu rê nhẹ nhàng, nhàn nhã, đầu tư ít nên độ “phê” cũng ít theo. Bạn chỉ cần chuẩn bị một, hai chiếc máy câu đứng, tầm trung, kèm theo mấy cây cần dẻo, nhạy và một ít chì là có thể đủ đồ nghề để “chơi” thể loại này. Bạn cần chuẩn bị khoảng 1kg tôm là đủ mồi để câu cả ngày. Một ngày câu rê bắt đầu tầm 5 giờ sáng. Đến bến, lục đục chuẩn bị và dong thuyền, tầm 5 giờ 30 đến 6 giờ (rõ mặt nước) là có thể bắt đầu một ngày câu. Cá của thể loại câu này thường là cá nhỏ ven bờ: cá đổng, cá mó, cá thẩn… thường câu ở vùng nước cạn từ 7-15m) nên gặp ngày cá ăn thì quay máy mệt nghỉ, bết cả hai tay.
Câu rê là thả ghe rê theo dòng nước để mồi đi tìm cá nên có thể nói kiểu câu này không bao giờ lặp lại một địa điểm trong một ngày đi câu. Nếu hôm trời yên, gió và nước thuận, chỉ cần thả cái neo xuống gần chạm đáy là rê vô tư. Gặp bữa nước và gió nghịch, muốn ghe đi chậm, cần phải thả dàm. Dàm này được coi như một cánh buồm trong nước. Đó là một tấm vải chừng 4m2, được cột dây và dằn 4 góc để khi thả xuống, nó bung ra như cánh buồm, kéo ghe đi theo dòng nước, làm chậm tốc độ của gió nên ghe đi chậm. Nói câu rê ít phê thì cũng đúng vì khi câu, hiếm lần trúng đột xuất. Song, gặp mùa mực đất ăn câu, thỉnh thoảng cũng kéo được vài con, gặp bữa trúng, con mực đất tầm 1kg ôm mồi, người đi câu cảm thấy rất phê.
Tiếp đến, câu nháng là thể loại câu tương đối nhẹ về trang thiết bị, lại không tốn tiền mua mồi. Bạn chỉ cần sử dụng bộ đồ nghề câu rê, trang bị thêm cây cần dài từ 3,6m trở lên là tự tin bước xuống thuyền. Tuy không tốn tiền mua mồi nhưng mỗi lần đi câu nháng, bạn phải chuẩn bị trước cả ngày vì câu các loại cá như cá nục, cá trác, cá hiếu, cá ngân… nên chỉ câu bằng mồi lông, đòi hỏi bạn phải tóm lưỡi, chuẩn bị thẻo câu nhiều và kỹ lưỡng. Để có bộ thẻo câu nháng ưng ý, trước hết, phải tóm lưỡi câu với lông (sợi kim tuyến người ta bán sẵn hoặc sợi dây ni lông thường dùng may bao lúa). Bạn tóm sao cho lưỡi câu và túm lông đó thẳng thớm, mỗi lần nháng, con mồi có độ nhảy như con ruốc mới lừa được lũ cá ăn nổi này. So với câu rê, câu nháng cực hơn, tốn sức hơn: bạn phải nháng (nâng cần lên, hạ cần xuống) cả ngày nên tối về, ê ẩm cả người.
Giống như hình thức câu nháng, câu jig cũng đòi hỏi người câu phải jig suốt quá trình câu. Đây là thể loại câu sang trọng, vất vả và “phê” nhất. Đồ nghề của thể loại này thuộc loại sang chảnh, máy câu phải dòng Shimano Stella từ 4.000 trở lên, kèm theo bộ dây PE xịn và cây cần jig cũng phải xịn theo. Đó là kiểu câu thả con mồi giả xuống tận đáy biển rồi cứ thế jig đến lên gần mặt nước rồi lại thả xuống. Lên hoặc xuống nửa đường, gặp con thu, con bè, con cam… đớp một phát là bắt đầu cuộc chiến giành giật gay cấn, hấp dẫn và cũng không ít lần nuối tiếc vì cá sẩy, dây nổ, lưới quát…
Móc mồi chuẩn bị thả câu. Ảnh: DŨNG LÊ |
Một thể loại câu đang thu hút dân câu tập trung về Đông Hòa để trải nghiệm là câu ngâm. Đây là thể loại câu cá rạn, đi khơi, nước sâu, đầu tư nhiều, tốn kém lắm. Để là tín đồ của môn phái này, trong tay bạn phải có chiếc máy câu ngang, chạy được bằng điện, một vài cây cần đủ cứng để tải chì câu tầm 4-5kg không hề suy suyển. Bên cạnh đó, mỗi lần đi câu cần vác theo từ 10kg chì câu trở lên. Đó là đồ nghề, còn mồi câu, bạn phải chuẩn bị ít nhất trên 10kg các loại cá ồ, cá nục, mực… Một chuyến câu ngâm ít nhất phải từ 24 giờ trở lên. Để điểm đúng điểm câu, thường phải mất 3 giờ tàu chạy (tính từ bờ ra, gần nhất 18 hải lý). Đến nơi, chờ thuyền trưởng xem nước, xem gió, thả neo… tầm 30 phút nữa mới bắt đầu xuống câu.
Gặp hôm nước êm, câu hòn chì 1kg là thấy hạnh phúc ngất trời. Còn hôm nước chảy, chì 4-5kg cũng là chuyện thường ngày của môn phái câu ngâm. Một lần thả câu là một lần bạn đối mặt với việc chuẩn bị mất thẻo câu vì dính rạn. Câu rê, câu nháng nếu mất thẻo tốn cỡ 10.000 đồng; câu jig mất thẻo tốn 200.000-300.000 đồng; câu ngâm cũng vậy: một thẻo câu ít nhất 3 lưỡi câu (30.000 đồng), 5m cước tốt (10.000 đồng), một bộ chống xoắn (30.000 đồng); 3-5kg chì (từ 120.000 đồng trở lên) và 3 con mồi.
Câu ngâm thường câu từ độ sâu 80-150m để bắt cá mú, cá đổng sộp, cá cam…, nói chung là cá lớn. Trước đây, đi câu ngâm, một số cần thủ thường chê việc sử dụng máy điện vì cho rằng cá ăn, bấm nút, cá tự lên. Nhưng thực ra không phải vậy. Khi cá ăn câu, bạn cũng phải lừa, lúc kéo năng, lúc đứng máy, lúc tuôn dây… mới có thể bắt được cá.
Tôi cũng đã từng “chiến đấu” trong 1 ngày với 2 con cá cam, một con 26kg và một con 25kg. Phê không thể tả. Bạn chỉ có thể biết nó phê đến mức nào khi bạn tự tay câu được một con như vậy!
Gió đông đã về và thỉnh thoảng, vài cơn nồm sớm xuất hiện. Hãy thu xếp đồ nghề, ta cùng ra khơi.
LÊ VĂN DŨNG