Nơi này, ngày cũng như đêm, tiếng máy thở, tiếng monitor đếm sự sinh tồn. Nơi này, dẫu không nghe thấy nhưng luôn hiện hữu những nhịp đập trái tim thấu cảm với nỗi đau bệnh tật. Các thầy thuốc từng ngày từng ngày nỗ lực cứu bệnh nhân.
Ca trực đêm
Ca trực đêm bắt đầu lúc 5 giờ chiều. Thầy thuốc Ưu tú - BSCKII Châu Khắc Toàn, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên chỉ huy ca trực. Ê kíp của họ gồm 2 bác sĩ và 5 điều dưỡng, hầu hết còn trẻ.
Đêm dần buông. 18 bệnh nhân suy tim, suy thận mạn, phổi tắc nghẽn mãn tính, tai biến mạch máu não, xơ gan giai đoạn cuối, lupus ban đỏ biến chứng nặng... nằm thiêm thiếp với máy thở, máy lọc máu, với mặt nạ oxy...
18 giờ 32. Hai chiếc băng ca được đẩy vào. Một người đàn ông ngoài 70 tuổi, bị xuất huyết não lần thứ hai, đã hôn mê, tiên lượng xấu. Một phụ nữ người dân tộc thiểu số gần 70 tuổi, bị bệnh não gan, được trung tâm y tế một huyện miền núi chuyển đến trong trạng thái lơ mơ. Thầy thuốc lập tức kiểm tra các thông số sinh tồn và khẩn trương xử trí. Còn nước thì còn tát.
19 giờ 20. Monitor ở giường bệnh số 2 hiện lên những con số báo động. SpO2 của bệnh nhân 88 tuổi, mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính chỉ còn 84%; nhịp tim vọt lên 136 nhịp/phút. Bác sĩ đưa ra y lệnh: Cho bệnh nhân thở máy không xâm lấn. SpO2 tăng dần lên 93%.
20 giờ 46. Bệnh nhân 82 tuổi (bị xơ gan giai đoạn cuối và choáng nhiễm trùng) ngưng tim. Kíp trực lập tức có mặt bên cạnh ông cụ chỉ còn da bọc xương, bụng phình to do dịch cổ trướng. BSCKI Nguyễn Bảo Tịnh và hai điều dưỡng luân phiên ép tim ngoài lồng ngực. Bác sĩ Châu Khắc Toàn ra y lệnh đặt ống nội khí quản. Máy sốc điện, máy thở... được đưa tới. Ép tim. Ép tim. Và sốc điện để khôi phục nhịp tim. Cơ thể người bệnh nảy lên khi dòng điện một chiều phóng qua tim, rồi lặng ngắt. Lại sốc điện. Một điều dưỡng cầm sẵn kim tiêm. Cứ 3 phút, Adrenalin được tiêm vào tĩnh mạch người bệnh, kích thích cơ tim hoạt động trở lại.
21 giờ. Mọi nỗ lực hồi sinh tim phổi không mang lại kết quả. Điều dưỡng mời người nhà bệnh nhân vào.
- Ông mất rồi - Giọng bác sĩ Châu Khắc Toàn trầm hẳn.
Con của bệnh nhân run run:
- Vậy... giờ... sao bác?
- Gia đình thu xếp đưa ông về.
Lặng đi một lúc, con của bệnh nhân vừa qua đời nói khẽ:
- Dạ... Gia đình cảm ơn bác!
Trong nỗi đau mất người thân, hai tiếng “cảm ơn” vẫn được nói một cách chân thành. Bởi người phụ nữ đó biết rằng, cha họ đã đi đến cuối đường đời, và các thầy thuốc ở đây đã làm tất cả những gì có thể!
Nửa đêm. Một ca suy tim nhập viện. Trái tim kiệt sức chừng như không thể đập được nữa; mạch và huyết áp đều bằng 0. Các thầy thuốc khẩn trương dùng thuốc vận mạch nâng huyết áp, tăng sức co bóp của tim. Bệnh nhân qua cơn nguy kịch.
Điều dưỡng Ngô Thị Hoài Thương, người đã 15 năm làm việc tại đây, thổ lộ: “Áp lực lớn nhất là tính mạng của người bệnh. Vì vậy, từ điều dưỡng đến bác sĩ đều theo dõi bệnh nhân sát sao, liên tục. Cực nhất là trực ca đêm, vì phải thức và không được phép lơ là”.
3 giờ 30. Đơn nguyên Thận nhân tạo thuộc khoa này sáng đèn. Hai điều dưỡng chuẩn bị cho tua chạy thận đầu tiên. Đơn nguyên có 26 máy lọc máu, nhưng có đến 280 bệnh nhân chạy thận định kỳ. Tua chạy thận đầu tiên trong ngày bắt đầu lúc 4 giờ sáng, tua sau cùng sẽ kết thúc vào khoảng 9 giờ đêm.
Kíp trực cấp cứu một bệnh nhân ngưng tim. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ |
Bệnh nhân nghèo hay giàu đều như nhau
Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc là nơi “đầu sóng” của Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Tại đây, các thầy thuốc vận dụng tất cả kiến thức y khoa và kinh nghiệm lâm sàng để giành lại sự sống cho bệnh nhân nặng - nguy kịch. Và họ đã làm được sau những “cuộc đua” nghẹt thở.
“Chúng tôi không bao giờ để cho bệnh nhân chết vì họ không có tiền” - Thầy thuốc Ưu tú Châu Khắc Toàn khẳng định. Trong trường hợp gia đình bệnh nhân đã cạn kiệt tiền bạc thì thầy thuốc kết nối, tìm nguồn tài trợ từ các mạnh thường quân để bệnh nhân tiếp tục điều trị, nếu người đó có cơ hội bình phục và sống một cách bình thường.
Ông cũng cam đoan là không có chuyện nhận phong bì ở đây. Không bao giờ! “Mình rất dị ứng với việc đang cấp cứu mà người nhà bệnh nhân nhét phong bì vô túi”, bác sĩ Toàn chia sẻ.
Người nhà bệnh nhân không biết rằng đối với các thầy thuốc tâm huyết, tận tụy với nghề, một khi bệnh nhân được chuyển đến đây, người nghèo hay giàu đều như nhau! Mối quan tâm duy nhất của thầy thuốc là cứu sống người bệnh.
“Công việc ở đây đòi hỏi không chỉ biết rộng mà còn phải biết sâu. Các em rất nhiệt tình, chịu khó, ham học hỏi, làm việc không mệt mỏi”, bác sĩ Châu Khắc Toàn nói về các đồng nghiệp trẻ. Rồi ông kể về Đơn nguyên Tim mạch can thiệp, cũng thuộc khoa này. Đa số thành viên trong ê kíp can thiệp không sống ở nội thành Tuy Hòa; riêng thủ thuật viên chính, nhà cách bệnh viện gần 20km. Thế nhưng mỗi khi có cuộc gọi từ bác sĩ phụ trách, ê kíp can thiệp tập hợp trong vòng 30 phút, sẵn sàng bước vào buồng can thiệp cứu trái tim bệnh nhân. “Cho dù gọi lúc nửa đêm hay 1-2 giờ sáng, các em đều nhanh chóng có mặt, không bao giờ viện lý do này lý do kia mà từ chối”, bác sĩ Toàn cho biết.
12 bác sĩ, 46 điều dưỡng và 6 hộ lý làm việc tại khoa này. Hỗ trợ họ là 17 máy thở, 5 máy lọc máu. Với nhân lực và thiết bị như hiện tại, áp lực đã giảm khá nhiều, cho dù lượng bệnh nhân nặng có khi lên đến hơn 30 người. Căng thẳng nhất là mấy tháng trời trong đỉnh dịch. Khi đó khoa chỉ có 7 bác sĩ nhưng phải san sẻ cho khu điều trị COVID-19 nặng, rồi một số người phải cách ly. Trực giã gạo (ngày trực ngày nghỉ) dài dài, anh em không nề hà. Riêng bác sĩ Châu Khắc Toàn trực liên tục tại khoa gần 1 tháng! Chưa hết, ông còn phụ trách về chuyên môn khu điều trị COVID-19 nặng và hướng dẫn cách xử trí các ca COVID-19 có dấu hiệu diễn tiến nặng tại các bệnh viện dã chiến ở Phú Yên. Rất nhiều đêm, bác sĩ Châu Khắc Toàn chỉ chợp mắt trong khoảng 1 tiếng đồng hồ.
Làm việc tại đây, thâm niên nhất là Thầy thuốc Ưu tú - BSCKII Lê Phải, Trưởng khoa, và bác sĩ Châu Khắc Toàn. Với những thầy thuốc kỳ cựu, áp lực lớn nhất không phải từ những ca bệnh nặng, mà từ... người nhà bệnh nhân. Không ít lần, thái độ của người nhà bệnh nhân làm cho các thầy thuốc căng thẳng, mệt mỏi. Đã có trường hợp người nhà khăng khăng đòi chuyển viện một bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp, nhập viện trong tình trạng rối loạn nhịp, rung thất, sau đó ngưng tim ngưng thở. Nếu chuyển viện, bệnh nhân chắc chắn sẽ chết trên đường đi. Không cho chuyển viện thì người nhà đe dọa hành hung. Trong tình huống tính mạng người bệnh như nghìn cân treo trên sợi tóc, các thầy thuốc vừa khẩn trương cứu bệnh nhân, vừa phải giải thích và mời lãnh đạo bệnh viện xuống giải thích cho người nhà hiểu. Bệnh nhân này đã được cứu sống.
*
Trong số những lá thư cảm ơn gởi đến Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc có thư của một tập thể bệnh nhân ở Phú Yên. Các ông: Lê Tấn Nam, Trương Xuân Lập, Đỗ Văn Hiến, Hồ Văn Bảy và Trần Văn Bi viết: “... Chúng tôi nhận thấy một đội ngũ thầy thuốc quá ư là đổi mới, nhiệt tình, chu đáo phục vụ tận tình, đem lại sự hồi sinh cho bệnh nhân…”.
Nơi này, dẫu không nghe thấy nhưng luôn hiện hữu những nhịp đập trái tim thấu cảm với nỗi đau bệnh tật. Nơi này, vượt lên bao thử thách, áp lực, các thầy thuốc từng ngày từng ngày ra sức cứu bệnh nhân.
PHƯƠNG TRÀ