Vương quốc Campuchia có rất nhiều di tích lịch sử cổ kính. Trong đó, Hoàng cung ở thủ đô Phnom Penh và quần thể di tích đền Angkor, tỉnh Siem Reap là những kiệt tác kiến trúc uy nghi, đầy bí ẩn, mang đậm bản sắc văn hóa đất nước Chùa tháp.
Di tích đền Angkor, tỉnh Siem Reap. Ảnh: T.L |
Từ Phnom Penh
Năm 1978, tôi có mặt trong đoàn quân tình nguyện Việt Nam sang giúp người dân Campuchia tránh họa diệt chủng của Pôn Pốt - Iêng Xari. 5 năm tham gia chiến trường, đơn vị tôi đi qua rất nhiều vùng đất như: Uudong, Pursat, Svay Rieng, Phnom Penh, Kampong Chhnang, Siem Riep, Battambang…, mỗi nơi đều ghi dấu những kỷ niệm khó quên. 40 năm sau, có dịp trở lại xứ Chùa tháp, tôi vô cùng ngỡ ngàng trước những đổi thay ở đất nước này. Cảnh hoang vắng, điêu tàn do chiến tranh ngày ấy đã lùi vào dĩ vãng. Trước mắt tôi hiện ra một Campuchia hồi sinh mạnh mẽ, phát triển năng động và thanh bình. 5 ngày lưu lại trên đất bạn, chúng tôi có dịp tham quan Hoàng cung và quần thể di tích đền Angkor, là những kiệt tác kiến trúc cổ kính, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Chùa tháp.
Campuchia là vùng đất của những cái đẹp và vô vàn biểu tượng văn hóa cổ xưa thú vị. Trong tất cả quần thể di tích mà chúng tôi được tham quan, tất cả toát lên thần thái an yên, tĩnh lặng và cùng tạo ra sự viên mãn, trầm ẩn, ấm áp, đẹp đẽ, bao dung lạ kỳ. |
Hoàng cung, một trong những nơi linh thiêng nhất của thủ đô Phnom Penh, là biểu tượng của vương quốc Campuchia, tọa lạc tại bờ tây ngã tư các phân nhánh sông Mê Kông, trên một khuôn viên rộng 400.000m2, có cổng chính nằm trên đường Sothearos. Phía trước Hoàng cung là một quảng trường rộng, thoáng đãng với những bãi cỏ xanh mướt như một tấm thảm lớn cùng nhiều cây cảnh quý được chăm chút kỹ lưỡng và hoa tươi rực rỡ. Ngay cửa ra vào có rất nhiều cây sala, một loại cây quý liên quan đến cuộc đời Đức Phật. Khu vực phía bên trong có nhiều cây bò cạp vàng và cây si với tuổi đời hàng trăm năm.
Anh Khean Khoay, thông dịch viên cho biết: Trước khi chuyển đến Phnom Penh, Hoàng cung được xây dựng ở nhiều địa điểm khác nhau. Hoàng cung ở Phnom Penh được xây dựng vào năm 1866, do kiến trúc sư người Pháp là Neak Okha Tepninith thiết kế với sự tài trợ của nước Pháp. Cũng trong năm 1866, nhà vua dời đô từ Uudong về Phnom Penh. Từ đó Phnom Penh trở thành kinh đô của vương quốc Campuchia. Hoàng cung là một quần thể kiến trúc độc đáo, tráng lệ, có nhiều cung điện được xây như điện Damnakchan, cung điện Đồng, điện Phochanni, điện Napoleon…; từ khi khởi công đến khi hoàn thành ngót 100 năm. Chức năng chính của Hoàng cung là để phục vụ việc ăn ở, sinh hoạt của quốc vương, gia đình quốc vương và các quan khách nước ngoài. Hoàng cung cũng là nơi diễn ra các nghi thức ngoại giao và nghi lễ hoàng gia.
Hoàng Cung ở thủ đô Phnom Penh. Ảnh: T.L |
Bên cạnh Hoàng cung, đi qua cánh cửa của bức tường phía nam là chùa Bạc, nơi dâng lễ phật của hoàng gia, cũng là nơi yên nghỉ của các vị vua, nơi lưu giữ các báu vật. Chùa Bạc có tên chính thức là Wat Preah keo Morokat. Gọi là chùa Bạc bởi nền nhà lát bằng 5.329 miếng bạc, mỗi miếng nặng 1,125gr. Chùa được xây dựng năm 1892, dưới thời vua Norodom, lúc đầu chất liệu bằng gỗ theo kiểu chùa Ngọc Phật của Thái Lan và được trùng tu năm 1962. Trong chùa lưu giữ 1.650 bảo vật vô giá của các vương triều gia tộc hoàng gia và nhiều tượng phật quý giá, nhất là bức tượng phật bằng ngọc lục bảo ở tư thế ngồi. Trước tượng này là tượng Phật Di lặc đúc bằng 90kg vàng ròng và gắn lên 2.086 viên kim cương. Viên lớn nhất nặng 25 carat được gắn trên vương miện, viên nặng 20 carat gắn trên ngực của Phật. Ngoài ra còn có bức tượng phật xá lị ngồi trong một tháp nhỏ bằng vàng và bạc.
Tham quan Hoàng cung và chùa Bạc, chúng tôi còn được chiêm ngưỡng rất nhiều hạng mục kiến trúc độc đáo như bức tường bao quanh Hoàng cung với các họa tiết điêu khắc hay chạm trổ tỉ mỉ, công phu, ghi đậm dấu ấn đất nước Chùa tháp. Những tượng vũ nữ Apsara đặc trưng nổi tiếng của Campuchia được đắp quanh mái Hoàng cung; những tượng rắn 7 đầu đắp nổi hai bên tường dẫn lên điện chính; tượng vua Norodom đang cưỡi ngựa ở phía trước chùa Bạc… Hoàng cung là một trong những địa điểm không thể không đến của hầu hết du khách trong hành trình khám phá đất nước Chùa tháp.
Đến Siem Reap
Rời thủ đô Phnom Penh, chúng tôi đến Siem Reap bằng ô tô riêng. Với quãng đường 315km, xe chạy khoảng 6 tiếng thì đến nơi. Tỉnh Siem Reap nằm ở phía tây bắc Campuchia, nổi tiếng một thời là cửa ngõ vào khu vực đền Angkor. Nhớ lại những năm cuối thập niên 70, đầu 80 của thế kỷ XX, lúc đơn vị tôi hành quân qua đây, tuyến đường này gồ ghề, vỡ nát, dân cư thưa thớt, ruộng đồng hoang hóa... Cảnh tượng ấy nay đã lùi vào dĩ vãng, thay vào đó là những tuyến đường ngược xuôi rộng rãi, trải nhựa thông suốt rất thuận tiện việc đi lại. Dọc hai bên đường từ Phnom Penh đến Siem Reap là những khu dân cư sầm uất, những cánh đồng lúa bát ngát xen lẫn khu nuôi trồng thủy sản và vườn điều ngút ngàn.
Một khu phố ẩm thực đêm ở Seam Reap. Ảnh: T.L |
Ấn tượng nhất với tôi vẫn là cây thnot (thốt nốt). Loài cây đặc trưng của đất nước Chùa tháp. Thốt nốt không chỉ mọc ở sân vườn nhà, mà còn sừng sững khắp cánh đồng; thân cây mọc thẳng đứng có thể cao tới 30m. Lá có hình chân chim, mọc tụm ở ngọn như chiếc dù lớn giữa khoảng trời xanh lồng lộng. Hai bên bẹ lá có gai sắc như lưỡi cưa. Giá trị lớn nhất của cây thốt nốt là lấy nước nấu đường, khi cây trổ hoa chặt vòi sẽ có nước mật chảy ra hứng bằng ống tre. Một cây mỗi ngày có thể cho từ 25-30 lít nước; nếu để qua ngày hôm sau, nước mật sẽ lên men, trở thành rượu uống rất thơm ngon. Cây thốt nốt được xem là loài cây tượng trưng cho sự vươn lên của dân tộc Campuchia.
Miên man theo dòng ký ức, xe đến Siem Reap khi nào không hay. Siem Reap là một thành phố hiện đại và thân thiện với du khách. Ngành Du lịch ở Siem Reap rất phát triển với nhiều khách sạn cao cấp và khu nghỉ dưỡng đẹp; những chợ đêm nhộn nhịp, rực rỡ đèn màu cùng các cửa hàng bán đồ độc đáo. Thời gian lưu lại Siem Reap, chúng tôi được anh Khean Khoay tận tình hướng dẫn tham quan, khám phá quần thể di tích đền Angkor.
Anh Khean Khoay cho biết: Angkor theo tiếng Campuchia là kinh đô. Đây chính là kinh đô đầu tiên của vương quốc Campuchia, xây từ hơn 1.000 năm trước, trong đó có hai khu đền chính là Angkor Wat (nghĩa là đền Đế Thiên) và Angkor Thom (nghĩa là đền Đế Thích). Angkor được xếp vào “tứ đại kỳ quan phương Đông”, sánh vai cùng Vạn lý trường thành Trung Quốc, kim tự tháp Ai Cập và Borobudur của Indonesia.
Quần thể di tích Angkor nằm trong khu rừng nguyên sinh có diện tích 45km, gồm đền Angkor và thành Angkor cùng một số đền, chùa khác nằm rải rác, tổng cộng có tới 600 kiến trúc hầu hết đều xây bằng đá. Đền Angkor được xây dựng trên nền móng ba tầng. Bên trên bức tường hành lang của nền móng thứ nhất được bài trí đầy những phù điêu, miêu tả cảnh chiến tranh và những câu chuyện thần thoại Ấn Độ, bức tường này cao khoảng 2m. Trên cửa động của tầng thứ hai có khắc hơn 1.500 pho tượng phật nhỏ. Trên tầng thứ ba, mỗi góc đều có một tháp phật, ở giữa có những tháp phật lớn nhất và cao nhất, cao khoảng 65m. Sáu tháp đều được bố trí hài hòa với nhau, thể hiện khí thế trang trọng hùng vĩ.
Kiến trúc đền Angkor Wat mô phỏng theo hình ngọn núi Meru vĩ đại của Ấn Độ. Trong Angkor Wat có một gian kiến trúc độc đáo, tạo nên sự huyền bí. Du khách đứng gần tường, nắm chặt bàn tay và vỗ nhè nhẹ lên ngực mình sẽ nghe tiếng vang vọng như mình đang đánh trống. Xung quanh vách có rất nhiều hình điêu khắc các tiên nữ đang ríu rít đùa vui. Riêng Angkor Thom sở hữu những đền chùa và kiến trúc nổi bật như đền mặt thần Bayon, đền Baphuon, đền Phnom Bakheng ở đỉnh đồi… Trong đó, đền Bayon tạo cho du khách cảm giác ấn tượng nhất bởi vẻ đẹp mẫu mực, đầy sống động. Từ lâu, người dân Campuchia đã coi Angkor Wat là viên ngọc quý nhất của dân tộc mình. Di sản này được in trên cờ Tổ quốc của Campuchia. Năm 1992, Angkor được UNESCO đưa vào Danh mục di sản văn hóa thế giới.
NGUYỄN HOÀI SƠN