Tôi có dịp đến Thủ đô Vientiane của đất nước Lào anh em, được hòa mình vào những dòng xe đông đúc, và không khỏi ngạc nhiên khi những con phố khá yên bình, hầu như chẳng có tiếng còi xe, tiếng rú gào, chen lấn, xô đẩy của các loại động cơ. Trong không gian thanh bình, chỉ có những hàng xe dài tít tắp, từ từ và lặng lẽ trôi trên phố.
Điều kỳ diệu này không phải thành phố nào, quốc gia, dân tộc nào cũng có được. Văn hóa giao thông của người dân Lào đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi và biết bao du khách.
Nhường đường nhau - nét đẹp văn hóa giao thông
Gần một tuần lưu lại Thủ đô Vientiane, chúng tôi được dịp tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, các công trình tôn giáo, tín ngưỡng cổ kính ở đất nước Triệu Voi. Những lần xe di chuyển từ địa điểm này qua địa điểm khác, tôi thêm hiểu thói quen tham gia giao thông của người dân Lào.
Anh Văn, thông dịch viên, chia sẻ: Ý thức tuân thủ luật giao thông của người Lào xuất phát từ bản sắc văn hóa dân tộc. Lào là quốc gia Phật giáo nên mọi sinh hoạt của người dân nơi đây đều nhẹ nhàng, không quá vội vàng. Ở Lào có một câu nói rất chân thành mà dịch ra tiếng Việt là “từ từ đi rồi sẽ đến” và “nếu vội thì nên đi từ hôm trước”. Người Lào quan niệm, sắp xếp thời gian bất hợp lý dẫn đến bị động khi tham gia giao thông, do vậy thường vội vàng, nếu gặp tình huống bất trắc không xử lý kịp. Đây chính là yếu tố ảnh hưởng đến văn hóa tham gia giao thông của người dân Lào.
Phương tiện giao thông ở Thủ đô Vientiane chiếm đa số là ô tô, lác đác bên làn đường phải là xe tuk-tuk 3 bánh được sơn màu sặc sỡ, loại phương tiện giao thông công cộng phổ biến hơn cả xe buýt. Dù đường phố Thủ đô Vientiane hầu hết nhỏ hẹp, đèn tín hiệu giao thông ít và không phải lúc nào cũng hợp lý, nhưng hiếm khi giao thông rơi vào cảnh tắc nghẽn mà phần lớn chỉ là ùn ứ cục bộ do chờ đèn đỏ. Khi lưu thông trên đường phố, người dân Lào luôn có ý thức tuân thủ luật. Người điều khiển phương tiện giao thông bao giờ cũng chạy đúng tốc độ, quan sát rất cẩn thận, không tạt đầu, lạng lách, đánh võng, chỉ di chuyển khi cảm thấy an toàn cho bản thân và người khác.
Không chỉ tuân thủ các quy định luật giao thông, người dân Lào còn có văn hóa riêng là luôn sẵn sàng nhường đường để giao thông không bị ách tắc. Quan sát tại những điểm giao cắt đông đúc phương tiện qua lại nhưng không có đèn tín hiệu hay cảnh sát giao thông sẽ nhận rõ điều này. Tại Thủ đô Vientiane, không khó để bắt gặp những hình ảnh người tham gia giao thông tự nhường đường nhau, tự điều tiết để không xảy ra tắc đường.
Khi lưu thông trên đường phố, người dân Lào luôn ý thức tuân thủ luật. Người điều khiển phương tiện giao thông bao giờ cũng chạy đúng tốc độ, quan sát rất cẩn thận, không tạt đầu, lạng lách, đánh võng, chỉ di chuyển khi cảm thấy an toàn cho bản thân và người khác |
Khi ở hướng này đi được một số lượng xe nhất định thì mọi người sẽ tự dừng lại để xe ở hướng khác đi, không hề xảy ra tình trạng lấn làn, chặn đầu xe khác hay cố tình len lách bịt lối hoặc đi ngược chiều. Tuân thủ luật, không chen lấn và luôn có ý thức nhường đường người khác chính là bí quyết giúp tạo nên nét đẹp văn hóa giao thông của người Lào. “Từ khi còn nhỏ, người Lào đã được chỉ bảo, học cách đi lại và thực thi theo luật giao thông. Khi lái xe ngoài đường, tại các điểm giao cắt không có đèn đỏ, người dân tự nhường nhau cho từng làn một đi”, anh Văn cho biết thêm.
Trong các giờ cao điểm, khi lưu thông qua vị trí có ngõ thông ra đường lớn ở Thủ đô Vientiane, nếu quan sát thấy phía trước đang bị ùn ứ hoặc có đèn đỏ, dù đang đỗ xe trên đường ưu tiên, người Lào luôn có ý thức đỗ chừa lại một lối đủ cho các xe ra vào ngõ được chứ không đỗ bịt lối. Khi lái và dừng xe, bao giờ người dân Lào cũng để ý và dành đường cho người khác vì làm như vậy giúp giảm sự ách tắc. Người dân Lào luôn đặt cương vị mình vào cương vị của người khác, khi nào đường thuận lợi thì mới đi tiếp.
Không gian thanh bình
Tại Thủ đô Vientiane, nếu ai đó điều khiển xe máy hoặc xe ô tô tốc độ cao trên các tuyến phố chỉ nhận được những cái lắc đầu, những ánh mắt không thiện cảm của người qua lại, khiến họ cũng tự cảm thấy xấu hổ và dần bỏ những hành động này. Có một điều đặc biệt khi tham gia giao thông tại Thủ đô Vientiane là sẽ rất hiếm khi nghe thấy tiếng còi xe dù lưu lượng xe ở đây không hề thấp. Theo quan niệm của người Lào, việc bấm còi xe là rất mất lịch sự, thiếu tôn trọng người khác, trừ khi phía trước có tình huống nguy hiểm hoặc có ai đó đang đỗ sai, chắn đường của bạn.
Đường phố Vientiane thanh bình. Ảnh: CTV |
Trong trường hợp buộc phải dùng còi xe, người Lào cũng thường chỉ bấm 1 tiếng hoặc cùng lắm là 2 tiếng, không bấm còi liên tục. Ý thức giao thông của người Lào còn thể hiện những khi đường vắng, dù phải chờ đèn đỏ 4 pha, với mỗi chiều thường là 30 giây trong cái nắng gay gắt của mùa khô, hay mưa như hắt vào mặt lúc mùa mưa, người Lào cũng không vượt đèn đỏ.
Đường phố Thủ đô Vientiane vắng tiếng còi xe cho thấy ý thức văn hóa giao thông của người Lào đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người dân đất nước Triệu Voi. Điều này cũng cho thấy không nhất thiết phải là quốc gia phát triển mới có thể xây dựng được ý thức giao thông cho người dân. Ở Lào, việc được giáo dục từ nhỏ về ý thức chấp hành pháp luật, đặc biệt là sự nêu gương của người lớn, đóng vai trò chính giúp tạo nên văn hóa giao thông tốt đẹp. Cuộc sống, sinh hoạt của người dân Thủ đô Vientiane diễn ra chậm rãi và nhường nhịn như chính bản chất hiền lành, thân thiện của họ. Chính nét đẹp văn hóa bình dị, chân thành đó làm cho bạn bè năm châu thêm yêu mến và cảm phục người dân xứ sở hoa Chăm Pa.
Theo quan niệm của người Lào, việc bấm còi xe là rất mất lịch sự, thiếu tôn trọng người khác, trừ khi phía trước có tình huống nguy hiểm hoặc có ai đó đang đỗ sai, chắn đường của bạn. Trong trường hợp buộc phải dùng còi xe, người Lào cũng thường chỉ bấm 1 tiếng hoặc cùng lắm là 2 tiếng, không bấm còi liên tục. |
NGUYỄN HOÀI SƠN