Thứ Sáu, 29/11/2024 10:34 SA
Khám phá quần thể đá đĩa trên cạn
Thứ Bảy, 10/09/2022 11:00 SA

Đường vào quần thể đá đĩa trên cạn An Xuân phải xuyên rừng, lội suối. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

Đoàn văn nghệ sĩ của tỉnh vừa có chuyến đi thực tế sáng tác Về miền di sản Tuy An. Trong chuyến đi này, đoàn dành nhiều thời gian khám phá quần thể đá đĩa trên cạn ở xã An Xuân, một tuyệt tác kỳ vĩ mà tạo hóa và thiên nhiên ưu ái dành tặng nơi đây.

 

Vùng này còn hoang sơ, vì là đường đất với nhiều hầm hố nên để vào được chỗ cần đến rất khó khăn. Thế nhưng, khi đến nơi, dòng người bị cuốn hút bởi thiên nhiên kỳ thú. Hàng ngàn phiến đá ở đây như những chiếc đĩa xếp chồng lên nhau, giống như gành Đá Đĩa ở An Ninh Đông.

 

Xuống suối Lỗ Tròn

 

Từ trung tâm xã An Xuân đi theo tuyến ĐT643 hơn 4 cây số, đến địa phận thôn Xuân Trung (xã An Xuân) rồi rẽ trái xuống nhiều con dốc đứng, qua cua cánh chỏ, xuôi xuống rẫy mía, đến chỗ cây sung cổ thụ đoàn nghỉ mệt lấy sức rồi tiếp tục xuống dốc đi tìm đá đĩa.

 

Điểm đến đầu tiên là Lỗ Tròn. Nơi đây lộ ra những cột đá hình trụ cao to. Tiếp tục đi, chúng tôi bắt gặp những khối đá nứt theo mạch dọc, tạo thành những cột thẳng đứng hoặc nghiêng, có chỗ lại xếp trải dài. Đá chủ yếu có hình lục giác, hình vuông, lớp nọ xếp nối lên lớp kia. Chị Lê Pha Lê, hội viên Chi hội Văn học, tay chống gậy trợ giúp đôi chân để đến được Lỗ Tròn nhìn nhận: Đá ở đây giống như anh em với gành Đá Đĩa nổi tiếng. Chỉ có khác là đá ở đó nằm sát bờ biển, quanh năm sóng vỗ. Còn đá ở đây “chảy” theo suối, phơi mình trên cạn, đen bóng.

 

Khối đá có hình thù giống như nòng súng thần công. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

 

Đoàn tiếp tục leo dốc, đi qua những khối đá hình trụ và không ngớt lời trầm trồ bởi hình thù kỳ lạ của tạo hóa. Suối đá hiểm trở, nhiều hang, hóc. Có nơi là bãi đá nhấp nhô với những chiếc đĩa hình lục giác óng ả màu đen huyền bí. Có đoạn suối đá gập ghềnh, tạo thế hầm hố, nhiều người phải đi theo thế kiềng ba chân, người nọ vịn vai người kia dìu nhau leo xuống dốc đá.

 

Họa sĩ Trần Thu Hà, hội viên Chi hội Mỹ thuật, tay chống gậy, chân bước trên đá trơn, len lỏi qua từng bụi mò o, thổ lộ: “Hồi nhỏ nghe ba tôi kể, đi chặt mò o về đan ky, giỏ, rổ rá. Đến giờ, trong chuyến đi khám phá đá đĩa trên cạn này, tôi mới biết mặt cây mò o”.

 

Ông Mạnh Minh Tâm, thành viên trong đoàn, cho hay: “Năm 19-20 tuổi, tôi đi chặt mò o về đan bồ cuốn đựng lúa, đan ky, giỏ nhốt gà. Sau đó, tôi đi bộ đội rồi công tác ở ngành Văn hóa, xa cây mò o đã 30 năm. Nhờ chuyến đi về miền di sản này, ngoài ngắm đá, tôi mới thấy lại cây mò o. Rừng cây mò o này cho thấy nơi đây hoang sơ, sâu thẳm. Và sự kết hợp giữa rừng mò o còn nguyên sơ với quần thể đá đĩa trên cạn là sự kết hợp thú vị, độc lạ để khai thác, phát triển du lịch.

 

Qua rừng mò o, đoàn tiếp tục đi trên suối đá. Những tảng đá như những chồng đĩa cứ thế “chảy” từ Lỗ Tròn đến Thác Đứng, dài mấy cây số.

 

Vượt dốc Thác Đứng

 

Thác Đứng với vách đá dựng thẳng đứng. Nhiều người còn gọi đây là dốc Lưng Cọp, vì hiểm trở cheo leo. Nơi này khung cảnh thiên nhiên xanh mát khó có nơi nào cuốn hút hơn, mọi người thỏa thích check-in…

 

Thác Đứng với hàng ngàn phiến đá như những chiếc đĩa xếp chồng lên nhau. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

 

Từ dưới chân Thác Đứng, phải vượt lên đỉnh dốc, chúng ta mới ra ngoài khu vực đá đĩa trên cạn. Để lên đỉnh dốc, đoàn phải vượt qua những khối đá hình thù giống như những khẩu súng thần công. Nhiều người đu dây rừng trườn lên dốc Lưng Cọp.

 

Trên đỉnh Thác Đứng có rừng cây săn trắng hàng trăm năm tuổi với nhiều loại lan rừng đu bám. Suốt hành trình khám phá quần thể đá đĩa trên cạn, đường đi hiểm trở phải trèo đèo lội suối, vừa đi vừa nghỉ phải mất hơn ba giờ đồng hồ.

 

Ngồi nghỉ mệt, ông Hoàng Chương, thành viên trong đoàn, nói: Quần thể đá đĩa trên cạn ở An Xuân là một tuyệt tác kỳ vĩ mà thiên nhiên ưu ái dành tặng nơi đây. Nhờ chuyến đi thực tế này, tôi khám phá được đá đĩa trên cạn, nếu không đến chỉ nghe nói thì còn bao điều chưa biết…

 

Ông Bùi Văn Thành, Chi hội trưởng Chi hội Văn học, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL, cho biết khi còn công tác ở UBND huyện Tuy An và ngành Văn hóa, ông đã đưa bốn đoàn công tác, trong đó có đoàn các ban ngành của tỉnh về khảo sát, đánh giá toàn diện vỉa đá thiên tạo phát hiện ở xã An Xuân. Trong chuyến đi khảo sát, các nhà khoa học nghiên cứu và lý giải, quần thể đá ở đây được hình thành trong quá trình hoạt động của núi lửa ở vùng cao nguyên Vân Hòa, huyện Sơn Hòa. Ước tính núi lửa hoạt động cách đây gần 200 triệu năm, nham thạch phun từ miệng núi lửa ra phía mép biển, bất ngờ bị đông cứng khi tương tác với nước lạnh kết hợp với hiện tượng ứng lưu khiến cho toàn bộ khối nham thạch khổng lồ rạn nứt đa chiều, kiến tạo nên kỳ quan thiên nhiên tuyệt đẹp, được coi là danh thắng độc nhất vô nhị ở Việt Nam.

 

Trước đó, để định hướng bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên, UBND tỉnh cũng đã tổ chức khảo sát và phát hiện một quần thể đá đĩa khác. Nơi phát hiện vỉa đá lộ thiên được ví như gành đá đĩa trên cạn này là mỏ đá do Công ty CP 3-2 và Công ty CP Đầu tư xây dựng 1-5 đang khai thác ở thôn Xuân Dục, xã An Phú, TP Tuy Hòa.

 

MẠNH HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Ngày hè, ra Hòn Yến
Thứ Ba, 09/08/2022 11:00 SA
Một lần đến Tà Đùng
Thứ Sáu, 15/07/2022 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek