Thứ Tư, 16/10/2024 23:22 CH
Choáng ngợp trước thành phố đá ngàn tuổi
Thứ Bảy, 14/09/2019 13:00 CH

Sau bốn năm chiến đấu đánh đuổi người Champa ra khỏi đất nước mình vào cuối thế kỷ XII, đại hoàng đế cuối cùng của Khmer là Jayavarman VII đã xây dựng Angkor Thom thành thủ đô mới. Với tên gọi có nghĩa là “thành phố vĩ đại ”, địa danh này và khu vực xung quanh là thành phố thời kỳ tiền công nghiệp lớn nhất thế giới với một triệu dân, trong lúc London của nước Anh chỉ mới có 50.000 người.

 

Kỳ 1: Bí ẩn nụ cười Bayon

 

Khu vực Angkor Thom được bao bọc bởi bức tường đá ong cao 8m tạo thành một hình vuông có cạnh dài 3km, hào nước bao quanh rộng 100m, đi vào bằng 5 cổng vòm trong đó 4 cổng dẫn thẳng đến ngôi đền trung tâm từ bốn phía, riêng phía đông có thêm 1 cổng gọi là cổng Chiến Thắng. Bên trong tường rào được đổ đất cao lên rộng 25m để binh lính tuần tra quanh thành và quan sát bên ngoài, nhiều đoạn đường này còn khá tốt dù gần ngàn năm đã trôi qua. Mỗi cổng có tượng thần bốn mặt trên đỉnh tháp trung tâm cao 23m và hai tháp nhỏ với tượng voi ba đầu hai bên ở mặt trong.

 

Taxi voi chở khách ở Angkor Thom. Ảnh: NGUYÊN THANH

Mỗi bên lan can của những cây cầu nối thủ đô với bên ngoài có 54 tượng thần hoặc ác quỷ kéo thân rắn thần Naga theo truyền thuyết “Khuấy biển sữa tìm thuốc trường sinh”, là nơi bất cứ du khách nào cũng phải lưu lại vài tấm hình kỷ niệm. Qua thăng trầm của lịch sử, giờ đây chỉ có cầu ở cổng phía nam là còn các tượng tương đối nguyên vẹn nhất. Tại các cổng khác, các tượng gãy đổ, mất mát các bộ phận rất nhiều; cây rừng xâm lấn lòng hào trông rất hoang tàn. Tại cầu cổng phía bắc, tôi phải ghép đầu mình vào thân của các vị thần đã mất đầu để có được tấm ảnh người - đá lưu niệm.

 

Trùm lên một phần thủ đô Yasodharapura cũ với những ngôi đền đã có trước đó hàng thế kỷ như Baphuon, Phimeanakas..., Angkor Thom là một quần thể gồm rất nhiều đền, tháp nằm trong một khu rừng rậm được bảo tồn rất tốt với nhiều chim, thú sống tự do, đặc biệt là khỉ. Cũng có hẳn một đội “Elephant taxi” với những chú voi mập mạp, đen trũi được trang bị chỗ ngồi rất đẹp chở du khách ra vào thành trên đoạn đường rừng xanh ngắt.

 

Ngôi đền của đại hoàng đế

 

Bayon là ngôi đền quốc gia của đại hoàng đế Jayavarman VII, được xây vào cuối thế kỷ XII, nằm ở trung tâm thủ đô với cấu trúc đặc biệt mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, là điểm nhất định phải đến của du khách. Đây là ngôi đền Phật giáo vì nhà vua theo Phật giáo Mahayana (Đại thừa) nhưng kiến trúc bên ngoài vẫn là dạng đền - núi để biểu tượng cho núi Meru và bên trong vẫn có các điện thờ riêng cho các vị thần Hindu như Vishnu, Shiva.

 

Đền nằm trên một khu vực chật hẹp, nhìn từ xa như một ngọn núi đá chất chồng, không một bóng cây trừ khu vực thấp xung quanh. Kết cấu đền trông có vẻ hơi lộn xộn, gò bó với nhiều tháp và các kiến trúc khác chen nhau. Từ phía đông vào đền qua một sân lớn với tượng sư tử và lan can hình rắn Naga, hai bên là các hồ nước lớn nay đã khô cạn. Không như các đền khác, Bayon không có hào bao quanh và ít cổng vòm nhưng có ba lớp tường bao để làm các gallery tổng cộng dài đến 1.200m gồm hàng chục ngàn phù điêu chạm khắc trên đá, là một bảo tàng nghệ thuật khổng lồ và cũng là một pho sử sinh động.

 

Tầng thứ nhất tính từ tường bao ngoài hình chữ nhật có kích thước 160m x 140m với bốn điện thờ góc, bốn cổng vòm giữa mỗi cạnh. Các cột góc của gallery có nhiều phù điêu Apsara. Gallery bên ngoài có các phù điêu mô tả các sự kiện lịch sử, tôn giáo, lễ hội, các trận thủy chiến giữa quân của Jayavarman VII và quân Champa, cảnh sinh hoạt thường ngày, những cuộc diễu binh trên đường xuất quân... Nhiều tác phẩm điêu khắc vẫn chưa hoàn thành. Ngày nay du khách chỉ thấy các chi tiết bằng đá nhưng các dấu vết còn lại và các bia đá cho biết nhiều chỗ được dát hàng chục tấn vàng, bạc và hàng chục ngàn viên đá quý đã bị mất cắp từ lâu.

 

Tầng thứ hai có kích thước 80m x 70m gồm những gallery góc và các gallery bên trong với hành lang hơi tối điêu khắc các cảnh tín ngưỡng và thần thoại Hindu, các cảnh sống vương giả trong cung điện hoàng gia, những cuộc diễu hành của hoàng tộc, cảnh “Khuấy biển sữa tìm thuốc trường sinh”, trận chiến của thần Vishnu và ba vị thần chính của Ấn Độ giáo: Brahma, Vishnu, Shiva, chuyện Vua Cùi nói về một địa điểm nổi tiếng trong Angkor Thom. Tầng này cũng có các tháp góc, tháp trung gian và những tượng thần bốn mặt.

 

Nằm trong tường bao thứ ba tạo thành một nền tròn đường kính 25m là tầng thứ ba, ở đây có điện thờ trung tâm đường kính 5m và các thư viện, bốn điện thờ vệ tinh để thờ thần Vishnu, Shiva và Phật. Xung quanh điện thờ là các tháp chứa các tượng thần bốn mặt. Có tất cả 54 tháp mang tượng thần, hiện nay còn lại khoảng 200 khuôn mặt. Chỗ cao nhất của toàn bộ đền là 43m.

 

Các tượng khổng lồ ghép bằng nhiều phiến đá có bốn mặt đội vương miện quay về bốn hướng như đang thống trị, kiểm soát tất cả làm khách ở bất kỳ vị trí nào trong đền cũng cảm thấy như đang bị quan sát kỹ lưỡng. Những khuôn mặt mang dáng vẻ bình thản, cân bằng tối đa và đôi môi như đang nở nụ cười huyền bí được xem là biểu tượng cho Bồ tát của tình thương (Lokeshvara), cũng có quan điểm cho rằng đó là khuôn mặt của vua Jayavarman VII dựa vào những hình, tượng của ông còn lại. Chưa có hồi kết cho những tranh luận này nhưng điều quan trọng nhất là ai cũng phải thừa nhận các nét mặt hiền hòa, điềm tĩnh và nụ cười nhân ái như đang quan sát thế gian, giữ gìn cho đất nước, biểu lộ khát vọng hòa bình.

 

Cầu Naga cổng phía Nam. Ảnh: NGUYÊN THANH

 

Biến động về tín ngưỡng

 

Những biến động của lịch sử không những ảnh hưởng đến đất nước, con người mà đến cả những công trình kiến trúc. Vài thập kỷ sau khi Jayavarman VII mất, vua Jayavarman VIII chuyển Hindu thành quốc giáo trở lại thì Bayon và nhiều đền khác đã phải chịu sự tàn phá các tượng Phật giáo để chuyển thành tượng Hindu. Một cuộc khai quật đã tìm thấy một tượng Phật gãy, vỡ cao 3,6m ngồi trầm tư trên thân cuộn tròn của rắn thần Mucalinda và được cái mào trên các đầu của nó che bóng. Thời gian, chiến tranh, trộm cướp và sự hờ hững của con người trong một thời gian dài đã làm mất mát, hư hỏng ngay cả những đầu tượng và một số mảng phù điêu tuyệt đẹp. Một gallery riêng về chủ đề Angkor Thom ở Bảo tàng quốc gia Angkor đặt tại TP Siem Reap cho thấy các phù điêu trên đá nhìn gần đẹp đến nao lòng, các bức tượng dù còn nguyên vẹn hay gãy vỡ cũng làm cho du khách phải trầm trồ thán phục về tài năng của các bậc thầy trong lĩnh vực điêu khắc đá. Toàn quyền Đông Dương thời kỳ 1897-1902 là Paul Doumer sau khi viếng thăm Angkor Thom đã ghi lại trong hồi ký “Xứ Đông Dương”.

 

“... Những tảng đá của Angkor Thom là minh chứng sống động, là bài học cho ai còn biết nhìn và nghe, biết suy tư và chiêm đoán. Tôi những muốn có thể đưa toàn bộ giới trẻ Pháp tới đây... ”. (L’Indo - Chine Française). Những gì ông thấy là một thành phố đổ nát trong cánh rừng vì Trường Viễn Đông Bác Cổ chưa tiến hành các hoạt động khôi phục mà đã gây xúc động đến thế! Tôi đã đọc một mạch trên 600 trang sách tuyệt vời đó của vị nguyên Toàn quyền rồi sau là Tổng thống Pháp này mà lòng hết sức khâm phục cái nhìn tinh tế của một nhà lãnh đạo.

 

Từ hình dáng cổng vào và các tượng bốn mặt trên đền Bayon đã định hình một loại phong cách kiến trúc đặc biệt, một số ngôi đền về sau có các cổng vào và một số tháp mang biểu tượng thần bốn mặt. Bayon là đền - núi cuối cùng, sau đó tục thờ Thần - Vua biến mất, một thời gian sau đạo Hindu trở lại rồi cuối cùng Phật giáo Theravada (Tiểu thừa) trở thành quốc giáo của người Khmer đến ngày nay. Một tượng Phật lớn nằm dưới mái che giữa hai đền Bayon và Baphuon - nơi để lại dấu ấn hai tôn giáo - như một gạch nối giữa những biến động về tín ngưỡng trong lịch sử đầy thăng trầm của vương quốc Khmer.

 

KỲ CUỐI: Những công trình độc đáo khác trong thủ đô

 

NGUYỄN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tô màu cho cuộc sống
Thứ Bảy, 10/08/2019 13:03 CH
Đường về Cà Lúi còn xa
Thứ Bảy, 03/08/2019 10:04 SA
Chuyện một nàng nông dân online
Thứ Hai, 08/07/2019 16:43 CH
Ra Hòn Chùa...
Thứ Bảy, 06/07/2019 11:00 SA
Vị tướng xuất thân nhà báo: Bùi Cát Vũ
Thứ Sáu, 05/07/2019 14:33 CH
Kỳ cuối: Những điều kỳ thú
Chủ Nhật, 16/06/2019 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek