Thứ Tư, 16/10/2024 23:27 CH
Đường về Cà Lúi còn xa
Thứ Bảy, 03/08/2019 10:04 SA

Đường về Cà Lúi - Ảnh: XUÂN HIẾU

Rời TP Tuy Hòa nhộn nhịp với nhiều công trình mới đang khởi động, vượt quãng đường dài gần 80 cây số, chúng tôi đến với xã vùng sâu, vùng xa Cà Lúi của huyện miền núi Sơn Hòa vào một ngày tháng 7 ngập nắng.

 

Đã lâu lắm rồi, có đến gần 10 năm tôi chưa trở lại vùng đất giàu truyền thống cách mạng này. Theo quốc lộ 1, đến ngã tư Hòa Đa, rẽ sang ĐT643, ngược lên hướng tây, vượt qua nhiều đồi dốc cao, thung lũng sâu, chiếc xe máy City đời cũ vẫn chạy bon bon nhờ đường nhựa hoặc bê tông phẳng phiu, chỉ mất hơn tiếng đồng hồ là đến ngã tư giao nhau với quốc lộ 19C.

 

Còn từ ngã tư này vào xã Cà Lúi chỉ có 12km nhưng cảm giác như rất xa vì vẫn còn là con đường sỏi đá gồ ghề, phải mất hơn nửa giờ nữa. Cà Lúi dần hiện ra trước mắt chúng tôi với những ngôi làng nhỏ nhắn, những mái nhà sàn khi thưa thớt, có lúc san sát nhau, thoắt ẩn, thoắt hiện trên những đồi núi trập trùng. Dọc hai bên đường những ruộng mía cao tầm 1-2m đang úa màu do trải qua nhiều ngày nắng nóng gay gắt. Thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp những đàn bò đang cặm cụi gặm cỏ khô hoặc xuống suối tìm nước uống…

 

Anh hùng trong kháng chiến

 

Xã Cà Lúi nằm dọc con sông cùng tên giáp ranh với tỉnh Gia Lai, tuyến đầu của con đường số 6. Phía đông, Cà Lúi giáp xã Sơn Hội, phía nam giáp xã Sơn Phước và Ea Chà Rang, phía bắc giáp xã Phước Tân. Những “cây cao bóng cả” của xã có đến hơn 90% là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở nơi “cùng trời, cuối đất” của tỉnh này như Ma Nhứt (thôn Ma Thìn), Kpă Y Van (thôn Ma Lưng), Ma Nhen, Ma Khen (thôn Ma Lăng)…, cho biết: Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, dân số Cà Lúi chỉ có gần 300 người, hầu hết là dân tộc Chăm. Lúc bấy giờ, toàn xã có 9 buôn, làng (hiện nay có 7 thôn - PV), dân cư sống rải rác ở các triền núi, thung lũng, sinh sống chủ yếu bằng làm rẫy, lấy mật ong rừng, chăn nuôi bò, heo... Còn trước đó, thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Cà Lúi là địa bàn trọng yếu của cách mạng. Ngay từ năm 1949, Cà Lúi đã có chi bộ Đảng Cộng sản.

 

Mặc dù nằm trong khu tam giác các đồn của địch, phía đông là đồn Trà Kê, phía tây là đồn Cà Lúi - Bà Lá, phía bắc là đồn Ma Phu - Ma Giai, thường xuyên bị địch càn quét, đàn áp dã man nhưng nhân dân Cà Lúi vẫn luôn bám đất, bám làng “một tấc không đi, một ly không rời”, luôn đoàn kết một lòng đi theo Đảng và Bác Hồ, kiên cường xây dựng cơ sở cách mạng, đấu tranh ngoan cường chống lại kẻ thù. “Buôn Ma Tí của Cà Lúi từng là nơi Tỉnh ủy đóng cơ quan lãnh đạo vào cuối năm 1954. Đây cũng là nơi Tỉnh ủy họp phổ biến, quán triệt Nghị quyết 15 của Trung ương. Tháng Giêng năm 1955, Huyện ủy Sơn Hòa cũng đã tổ chức cuộc họp bí mật tại suối Cà Te để ra nghị quyết lãnh đạo LLVT và nhân dân toàn huyện đấu tranh vì mục tiêu giành độc lập, thống nhất hai miền Nam Bắc…”, Ma Nhen nhớ lại. Trong 13 trận đánh lớn trên địa bàn trong đấu tranh chống Mỹ - ngụy, quân và dân Cà Lúi đã độc lập chiến đấu 8 trận, xóa sổ 4 đơn vị của địch từ cấp trung đội đến tổng đoàn, tiêu diệt 268 tên. Nhân dân Cà Lúi đã đóng góp nhiều sức người, sức của cho cách mạng và vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

 

Xây dựng làng buôn mới

 

Kế hoạch tráng nhựa, bê tông tuyến đường huyết mạch từ quốc lộ 19C đến cuối xã vẫn còn xa lơ. Từng ngày, người dân Cà Lúi vẫn mong tuyến đường này và những mạch máu giao thông tới từng thôn/buôn còn đầy bụi đất sớm được trải nhựa, bê tông để việc đi lại bớt khó khăn, để Cà Lúi không còn xa với mọi người.

Bước ra khỏi chiến tranh, cũng như những nơi khác, làng buôn xác xơ, không nơi nào là không có vết tích của đạn bom; người dân Cà Lúi bắt tay vào xây dựng làng buôn, xây dựng cuộc sống mới. Với công cụ lao động thô sơ, bà con khai hoang, phục hóa đất đai để trỉa bắp, trồng lúa, trồng đậu các loại. Năm 1978, Cà Lúi là “lá cờ đầu” của tỉnh (Phú Khánh) trong phong trào xây dựng HTX nông nghiệp ở các xã miền núi lúc bấy giờ. Cuộc sống của người dân dần dần ổn định.

 

Từ khi tỉnh Phú Yên tái lập, nhất là những năm gần đây, Cà Lúi mạnh dạn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, tập trung phát triển kinh tế…

 

Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã Cà Lúi Lê Mô Chiến, người trực tiếp làm “hướng dẫn viên” cho chúng tôi khi đến thăm các thôn/buôn, hộ gia đình trong xã. Đang giữa mùa nắng hạn, chính quyền và bà con các thôn/buôn đang tập trung các biện pháp chống hạn, chăm sóc rừng trồng và phòng chống cháy rừng. Trạm bơm Ma Đao, nơi cung cấp nước tưới cho hàng chục héc ta ruộng lúa 2 vụ vẫn đang hoạt động ngày đêm.

 

“Tổng diện tích tự nhiên của Cà Lúi hơn 4.587ha. Trong đó, diện tích gieo trồng hơn 941ha, gồm 359ha cây lương thực (chủ yếu là sắn với 23,5ha và lúa 95ha); 47ha cây thực phẩm; 535ha cây công nghiệp, trong đó cây mía chiếm 470ha. Tổng đàn bò hiện tại là gần 2.000 con, có thời điểm trên 2.500 con; trâu 39 con và gia cầm gần 7.900 con”, Lê Mô Chiến giới thiệu khái quát về địa phương mình.

 

Theo người đứng đầu cấp ủy và HĐND xã còn khá trẻ tuổi này, tài nguyên lớn nhất của Cà Lúi là rừng. Rừng Cà Lúi có nhiều loại gỗ quý như: mun, trắc dây, trắc cẩm lai, cà te, hương… Mùa này (mùa hè) khi nhiều loại trái cây rừng chín mọng, có rất nhiều loài chim về đây trú ngụ, sinh sản. Luồn rừng dọc theo sông Cà Lúi hay ngồi bên suối Cà Te, thú vị nhất là được thưởng thức bản hòa tấu “nhạc rừng” của các loài chim chóc hòa cùng giai điệu lúc trầm, lúc bổng của cồng chiêng.

 

So với trước đây, bộ mặt nông thôn Cà Lúi đã có sự thay da đổi thịt đáng kể. Xã có đường giao thông ô tô về đến trung tâm, trường học, trạm xá, điện lưới quốc gia…, cơ sở hạ tầng kỹ thuật từng bước được hoàn chỉnh. Nhà cửa mọc lên ngày càng nhiều và kiên cố, khang trang hơn; hộ đói hầu như không còn, hộ nghèo và cận nghèo giảm dần; trẻ em đến tuổi đi học đều được đến trường; người già, trẻ em được chăm sóc sức khỏe… Tuy nhiên so với nhiều xã khác, Cà Lúi vẫn còn rất nhiều khó khăn.

 

Qua rà soát, Cà Lúi mới chỉ đạt 8/19 tiêu chí nông thôn mới. Thu ngân sách địa phương chỉ trên dưới 50 triệu đồng mỗi năm. Toàn xã hiện có 621 hộ với gần 2.700 nhân khẩu, thì có đến 173 hộ nghèo và 148 hộ cận nghèo. Tuyến giao thông chính ĐT646 nối Cà Lúi với quốc lộ 19C và các xã lân cận vẫn còn là con đường gập ghềnh sỏi đá, việc đi lại rất khó khăn, nhất là trong mùa mưa nên đến với nơi này nhiều người có cảm giác như còn rất xa.

 

Giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống

 

Người bạn vong niên của tôi - anh Kpă Vương là dân bản địa nên rất am hiểu về phong tục, tập quán cũng như đời sống của đồng bào mình. Trước đây anh vừa là giáo viên, vừa là y tá, là nhạc sĩ kiêm ca sĩ (từng đạt HCV Hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh). Đặc biệt, anh từng đảm đương 3 nhiệm kỳ Phó Chủ tịch UBND xã Cà Lúi.

 

Kpă Vương cho biết, tuy đời sống kinh tế còn nghèo, giao thông đi lại khó khăn nhưng người dân nơi đây luôn biết gìn giữ và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Đặc biệt từ nhiều năm qua, cứ hai năm Cà Lúi tổ chức Lễ hội văn hóa cồng chiêng một lần và các thôn đều cử đội cồng chiêng tham gia. Trong ngày hội, ngoài thi diễn cồng chiêng, các nghệ nhân dân gian, những nam thanh nữ tú còn biểu diễn các loại nhạc cụ như đinh goong (ting ning), kní, t’rưng…; hát dân ca, hát ru; tái hiện các lễ hội truyền thống, như: đâm trâu, mừng lúa mới, bỏ mả, cầu mưa… Mỗi lễ hội có những ý nghĩa, giá trị riêng nhưng nhìn chung đều tưởng nhớ về tổ tiên, cầu mong cho cuộc sống an lành, hạnh phúc, mưa thuận gió hòa, con người khỏe mạnh, cây trồng vật nuôi được tươi tốt, sinh sôi… và không thể thiếu cồng chiêng.

 

“Tiếng cồng chiêng nhắc nhở trai gái yêu thương, thủy chung, giữ trọn đạo nghĩa vợ chồng trong lễ cầu hôn; thánh thót, vui tươi trong lễ mừng lúa mới…”, Kpă Vương nói. Bên cạnh những giá trị về mặt tinh thần, đồng bào Chăm nơi đây còn gìn giữ những giá trị vật chất vô giá. Đó là, kiến trúc về nhà sàn; về nghề dệt, đan thủ công…; đặc biệt là phương kế sinh nhai để thích ứng với môi trường, chứa đựng những giá trị văn hóa được tích lũy qua bao đời.

 

“Lễ hội văn hóa cồng chiêng đã góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào Chăm Sơn Hòa, thắt chặt tình đoàn kết của đồng bào giữa các buôn làng với nhau”, Kpă Vương khẳng định.

 

Chúng tôi rời Cà Lúi khi cảm giác đôi chân không còn là của mình nữa sau gần một ngày băng rừng, lội suối, cũng là lúc mặt trời dần dần xuống núi. Từng đàn bò đi gặm cỏ khô và trốn nắng cũng đủng đỉnh trở về chuồng. Chia tay với người đứng đầu cấp ủy của xã vùng sâu giáp ranh với Tây Nguyên này, chợt nhớ lời anh lúc trưa: Để về đích nông thôn mới, Cà Lúi cần phải hoàn thành 11 tiêu chí nữa, trong đó nhiều tiêu chí rất khó đạt trong một vài năm tới nếu không có sự quan tâm đầu tư của huyện, tỉnh. Đặc biệt, kế hoạch tráng nhựa, bê tông tuyến đường huyết mạch từ quốc lộ 19C đến cuối xã vẫn còn xa lơ. Từng ngày, người dân Cà Lúi vẫn mong tuyến đường này và những mạch máu giao thông tới từng thôn/buôn còn đầy bụi đất sớm được trải nhựa, bê tông để việc đi lại bớt khó khăn, để Cà Lúi không còn xa với mọi người.

 

XUÂN HIẾU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Chuyện một nàng nông dân online
Thứ Hai, 08/07/2019 16:43 CH
Ra Hòn Chùa...
Thứ Bảy, 06/07/2019 11:00 SA
Vị tướng xuất thân nhà báo: Bùi Cát Vũ
Thứ Sáu, 05/07/2019 14:33 CH
Kỳ cuối: Những điều kỳ thú
Chủ Nhật, 16/06/2019 13:00 CH
Kỳ 1: Miền đất lạ mà quen
Thứ Bảy, 15/06/2019 13:00 CH
100 năm làng nghề đan bóng mò o
Thứ Bảy, 25/05/2019 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek