Thứ Tư, 16/10/2024 23:18 CH
Chuyện một nàng nông dân online
Thứ Hai, 08/07/2019 16:43 CH

Huỳnh Thị Ngọc Châu trong nông trại hữu cơ Lâm Viên ở xã An Mỹ, huyện Tuy An - Ảnh: HÙNG PHIÊN

“Chúng mình đã thấy rắn quay trở lại, mình diện kiến vài bạn rắn nhỏ nhỏ băng ngang qua lối đi của farm (nông trại). Thiệt lòng có giựt mình, mà mình đứng lại nhường đường, nó cũng chả quan tâm mình nữa. Có rắn, mình tin là bí đỏ và dưa sẽ không còn bị chuột tấn công nữa”.

 

Đó là mấy dòng chia sẻ của chị Huỳnh Thị Ngọc Châu (quê ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; hiện sống tại TP Hồ Chí Minh) về công việc làm vườn của mình. 31 tuổi, Châu hiện điều hành nhiều nông trại hữu cơ và bán sản phẩm online uy tín.

 

Khát vọng nông sản sạch

 

Châu cho biết, khoảng 10 năm trước, gia đình chị suy sụp về kinh tế. Đang đi học ở TP Hồ Chí Minh, chị phải lao vào buôn bán đủ thứ để phụ ba mẹ nuôi hai em nhỏ. Lúc đó, việc mua bán trên mạng bắt đầu sôi động.

 

Với kiến thức chuyên ngành phần mềm, Châu chuyển sang kinh doanh online, với mặt hàng được chọn là các loại rau củ quả hữu cơ và các sản phẩm chế biến từ thực vật. Hơn 5 năm qua, Châu “bám trụ” phụ trách hệ thống sản xuất - kinh doanh online “Cửa hàng nông sản Ngocchau Huynh”.

 

“Vốn yêu thích cỏ cây, rảnh lúc nào là tôi tìm hiểu về công nghệ sản xuất nông nghiệp sạch. Tôi lao vào học hỏi các kỹ năng trồng trọt hữu cơ từ những chuyên gia uy tín. Học cách yêu và bảo vệ tự nhiên, học cách dùng trái bồ hòn làm thuốc trừ sâu... Tôi hiểu nguy cơ của nông dân mình trước các tập đoàn thuốc trừ cỏ, chất độc da cam. Tôi muốn tự mình làm nông trại hữu cơ. Thuyết phục gia đình, bạn bè cùng làm”, Châu bày tỏ.

 

Khi đó, gia đình chị có một khu đồi nhỏ tại xã An Mỹ (huyện Tuy An) nhưng giá trị thấp do đất đá khô cằn, thiếu nguồn nước. Không ai nghĩ sẽ trồng được cây gì ở đây. Thế nhưng ủng hộ dự tính của con gái, ông Huỳnh Ngọc Trúc (ba Châu) đã bắt tay vỡ đất. Công đoạn “khởi đầu nan” là khoan giếng tìm nguồn nước tưới.

 

“Có được đồng nào, tui đổ vô thuê thợ khoan giếng. Đất đá núi ở đây thiệt kinh khủng, mũi khoan bị gãy hàng loạt. Nhóm thợ này bỏ chạy, tui lại lùng tìm nhóm thợ khác. Đến khi khoan được ở vị trí hơn 100m thì bắt đầu có nước ngầm, mạch đủ dùng quanh năm. Cha con tôi mừng… hết lớn”, ông Trúc nhớ lại.

 

Thế nhưng khó nhất là việc trồng trọt không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học. Ông Trúc nói: “Con Châu từ Sài Gòn về “họp” 3 ngày 3 đêm với gia đình để “diễn thuyết” quy trình nông nghiệp hữu cơ. Gia đình thông rồi thì phổ biến tiếp đến từng nhân công làm vườn. Ban đầu, họ phản ứng “không phun thuốc độc, làm sao hết sâu”, “không tưới u rê làm sao rau tốt”… Thế nhưng “chỉnh, sửa” kiên trì rồi họ cũng hiểu, tuân thủ làm theo bài bản”.

 

Ở nhà vườn Lâm Viên của gia đình Châu hiện đang nuôi bò để lấy phân chuồng. Rồi liên kết với các lò đường thủ công để lấy rỉ mật, đem trộn ủ với phân bò và thuốc khử mùi để làm phân hữu cơ bón cây. Còn thuốc trừ sâu sinh học được làm từ trái bồ hòn, gừng, tỏi và ớt xay nhuyễn, hòa rượu trắng.

 

Tiếp đó, để có đủ sản phẩm “xoay tua” quanh năm, Châu liên kết điều hành một số trang trại sản xuất hữu cơ ở Lâm Đồng, Kon Tum, Đắk Lắk…

 

Một góc nông trại hữu cơ Lâm Viên ở xã An Mỹ, huyện Tuy An, Phú Yên - Ảnh: HÙNG PHIÊN

 

Nhọc nhằn… sung sướng

 

Trong phần tự giới thiệu về cửa hàng nông sản của mình, Châu cam kết mục tiêu: “Bảo tồn nguồn giống, bảo tồn đa dạng sinh học Việt Nam trên nền hữu cơ, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tạo thu nhập cao cho nông dân đúng với giá trị sản phẩm”.

 

Rồi hàng ngày trên facebook, Châu thường xuyên chia sẻ những dòng hân hoan và cả những khó khăn từ các nông trại hữu cơ: …Sau 5 năm tích cực chống săn chim, chim bắt đầu ríu rít quay lại trong vườn. Ở một nơi vắng vẻ, người săn chim có súng hơi mà đuổi họ đi khỏi đất của mình là thiệt sự nguy hiểm. Sau này, nhờ lực lượng nhân công hùng hậu nên việc chống săn chim hiệu quả hẳn. Đó là một trong những lý do tụi mình tự tin không can thiệp chống sâu bệnh nữa, mình tin là chim biết khi nào vườn vào mùa sâu bệnh để rủ nhau về…

 

…Thành tựu lớn nhất của farm, là món quà lớn mà thiên nhiên gửi tặng. Sáu tháng nay, tụi mình đón đàn cò thứ nhất, rồi bây giờ là đàn cò thứ hai về làm tổ. Cò làm tổ ở phần đất có cây cao farm để riêng không canh tác, làm nơi trú ẩn cho thiên địch. Mình yêu nơi này lắm, yêu bằng cả trái tim, yêu bằng từng tế bào trong cơ thể…

 

Những lúc mất mùa một vài nông sản, Châu đều giải thích cặn kẽ với khách hàng. Bán rau quả, Châu có cả “Ngày quà tặng” cho khách. Chị viết: Ngày quà tặng đã quay lại. Em thu nhiều mướp đất, xin gói tặng mỗi đơn hàng 2 trái mướp đất tầm 500g. Mướp đất chỉ bò lan dưới đất, không chịu lên giàn dù có năn nỉ mời mọc, nàng cũng bỏ giàn bơ vơ. Chính vì bò dưới đất nên vỏ mướp rất dày. Vì vỏ dày nên cứ tưởng già nhưng cắt ra mướp chưa có hột. Chứa trong lớp vỏ dày đó là ruột trắng mềm ngọt mát, cắn một miếng mướp mà ùa ra cả trời hương vị ngọt thơm…

 

Về sản phẩm rau cải của cửa hàng, Châu chia sẻ: Chúng mình đã chính thức ngưng tất cả các biện pháp trừ sâu từ cuối năm 2017, kể cả bồ hòn, kể cả gừng, ớt. Và mình thực sự chân thành biết ơn sự rộng lượng của khách hàng với hình thức cải có phần lam nham mỗi mùa sâu bọ tấn công. Mình tin là chừng 3 năm nữa thôi, khi hệ thiên địch ổn định, cải sẽ đẹp hơn, tất nhiên đẹp đều là hổng có, vì quan điểm của mình là chia đều cho các loài khác cùng ăn, đám nào tệ quá thì bỏ luôn, 2 tháng sau quay lại trồng món khác…

 

Châu tâm sự: “Không hề đơn giản để cung ứng nông sản sạch khép kín từ vườn đến tay người tiêu dùng. Rất cần sự vững lòng, và cả hiểu biết. Trồng đã nhọc, bán lẻ rau quả online, giao hàng tận nơi lại cũng đòi hỏi sự tỉ mẩn, kiên trì. Bởi các đơn hàng lớn nhỏ luôn rất đa dạng, rau quả lại dễ bị bầm dập khi vận chuyển xa. Nhất là phải tuyệt đối tuân thủ cam kết cung cấp sản phẩm hữu cơ, không thể khi thiếu hàng thì “trộn lẫn” sản phẩm đại trà. Tôi chấp nhận vất vả để được sống trọn vẹn với lý tưởng “xanh, sạch” của mình”.

 

Một khách hàng của Châu, bà Hà Thị Oanh (ở quận 3, TP Hồ Chí Minh) nói: “Tôi thường xuyên mua đồ ăn, đồ nấu ở cửa hàng nông sản chị Châu. Mua online, giao hàng tận nơi rất tiện lợi cho người phố thị, bận bịu. Ban đầu, tôi chỉ mua thử một ít để thăm dò. Sau dần, tôi bị thuyết phục bởi sự tâm huyết, chuyên nghiệp của một người làm nông sản hữu cơ. Ví như, Châu thông báo rõ ràng những đợt rau quả có mẫu mã ít đẹp, do tiết trời quá nắng gió. Hoặc khi mất mùa ở trại rau nhiệt đới, Châu kịp thời thông báo để khách hàng chuyển sang dùng rau ôn đới… Tôi quý trọng cách làm việc của cô gái Phú Yên này”.

 

HÙNG PHIÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Ra Hòn Chùa...
Thứ Bảy, 06/07/2019 11:00 SA
Vị tướng xuất thân nhà báo: Bùi Cát Vũ
Thứ Sáu, 05/07/2019 14:33 CH
Kỳ cuối: Những điều kỳ thú
Chủ Nhật, 16/06/2019 13:00 CH
Kỳ 1: Miền đất lạ mà quen
Thứ Bảy, 15/06/2019 13:00 CH
100 năm làng nghề đan bóng mò o
Thứ Bảy, 25/05/2019 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek